Nhiều ý kiến cho rằng việc điều chỉnh giá xăng, dầu chưa hợp lý do độ giảm của giá xăng dầu trong nước chỉ bằng 40% mức giảm của giá dầu thế giới.
Từ 15h ngày 15/3, Liên bộ Công Thương – Tài chính quyết định giảm giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu.
Cụ thể, xăng E5RON92 giảm 2.290 đồng/lít, xăng RON95-III giảm 2.315 đồng/lít, dầu diesel giảm 1.750 đồng/lít, dầu hỏa giảm 1.830 đồng/lít... Tốc độ giảm của giá xăng E5RON92 là 12,4%, của giá xăng RON95-III là 12,1%, của giá dầu diesel 0.05S là 11,8%, của giá dầu hỏa là 13,4%.
Lãnh đạo Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết việc điều hành giá xăng, dầu phải tính tới kịch bản để có dư địa cho kỳ điều hành tiếp theo nếu giá dầu bật tăng trở lại.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng việc điều chỉnh giá như trên chưa hợp lý do giá dầu thế giới và giá các sản phẩm xăng dầu trên thế giới có tốc độ giảm mạnh hơn rất nhiều.
Theo đó, trong phiên giao dịch cuối tuần trước, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI đứng ở mức 32,93 USD/thùng, giảm 11,04 USD/thùng, tương đương 25,2% so với ngày 29/2, phiên điều chỉnh ngay trước phiên điều chỉnh ngày 15/3.
Giá dầu Brent đứng ở mức 34,60, giảm 15,5 USD/thùng, tương đương 30,9%. Như vậy, tốc độ giảm của giá xăng trong nước chỉ bằng khoảng 40% của tốc độ giảm giá dầu thế giới.
Ngoài ra, trong kỳ, giá bình quân xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92 giảm 13,53 USD/thùng, tương đương 21,7%. Tốc độ giảm của sản phẩm này cũng cao vượt trội so với mức độ giảm của giá xăng dầu trong nước.
Hiện tại, thị trường dầu tiếp tục đi xuống. Trong chiều 16/3, giá dầu Brent giảm 1,79 USD/thùng, tương đương 5,05% xuống 33,65 USD/thùng, giá dầu WTI giảm 1,14 USD/thùng, tương đương 3,59% xuống 30,59 USD/thùng.
Trả lời VTC News ngày 16/3, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho hay, việc điều hành giá xăng dầu hiện nay cơ bản vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.
Theo đó, giá xăng dầu trong nước được Liên bộ Công Thương - Tài chính điều hành linh hoạt, phù hợp xu hướng biến động của giá thế giới. Nhà nước không phải dùng ngân sách để bình ổn giá xăng dầu trong nước.
“Quy định tại Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu, Việt Nam điều hành theo chu kỳ 15 ngày. Ngoài độ trễ điều hành giá theo bình quân 15 ngày, nhà điều hành cũng phải tính tới kịch bản để có dư địa cho kỳ điều hành tiếp theo nếu giá dầu bật tăng trở lại. Hiện tình hình địa chính trị rất phức tạp, giá dầu có thể bật tăng 30-40%, nên phải để dư địa cho kịch bản giá dầu tăng trở lại”, ông Đông nói.
Cũng theo ông Đông, ngoài việc trích quỹ bình ổn, cơ cấu trong giá cơ sở xăng dầu còn gồm lợi nhuận định mức, chi phí kinh doanh định mức, các loại thuế, phí... chiếm hơn 50% cơ cấu giá.
Đặc biệt, đáng kể nhất trong cơ cấu thuế phí xăng dầu hiện nay là mức thuế bảo vệ môi trường, với xăng là 3.000 đồng một lít, dầu diesel 1.500 đồng... Khi giá dầu càng giảm, tỷ trọng các loại thuế, phí, trong đó thuế bảo vệ môi trường càng tăng lên.
Bên cạnh đó, tỷ giá nhập khẩu xăng dầu ở mức 23.300 đồng/USD, cao hơn trên 1.000 đồng so với cách đây 1-2 năm.
“Với những nguyên nhân này, không thể so sánh cơ học giá dầu thô giảm sâu thì giá điều hành trong nước phải giảm theo tương ứng”, ông Đông nhấn mạnh.
Vẫn theo lãnh đạo Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, hiện Bộ Công Thương đã đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.
Nguồn Baomoi Kinh tế , Tin trong nước
No comments:
Post a Comment