Gần nửa triệu doanh nghiệp ở Trung Quốc đã đóng cửa trong quý đầu tiên của năm 2020, theo dữ liệu được thu thập bởi các cơ sở dữ liệu trực tuyến. Điều này cho thấy mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán đối với nền kinh tế của đất nước này.
Một phụ nữ Trung Quốc đeo khẩu trang bảo vệ đang ngồi trong một nhà hàng gần như trống rỗng tại một trung tâm mua sắm vào ngày 26/3/2020 tại Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: Kevin Frayer / Getty Images)
Các chủ doanh nghiệp bắt đầu biểu tình nhằm yêu cầu chính phủ đưa ra các biện pháp hỗ trợ tài chính, trong bối cảnh công ty của họ đang trên bờ vực phá sản.
Kể từ khi các nhà chức trách nhận ra mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh và bắt đầu thực hiện các biện pháp phong tỏa vào tháng 1/2020, các hoạt động kinh doanh đã tạm dừng trên phần lớn Trung Quốc. Hiện tại, Vũ Hán, thành phố nơi bắt đầu bùng phát dịch bệnh, vẫn đang bị cách ly. Một số khu vực, chẳng hạn như quận Jia thuộc tỉnh Hà Nam, đã được dỡ bỏ chính sách cách ly trong một khoảng thời gian ngắn, trước khi một ổ dịch khác bùng phát khiến khu vực này lại bị chính quyền phong tỏa một lần nữa.
“Chúng tôi muốn [chủ nhà] giảm một nửa tiền thuê nhà, và [chính phủ] giảm một nửa chi phí quản lý và tiền điện nước”, ông Cheng Dong, một chủ xưởng may ở thành phố Chu Châu, tỉnh Hồ Nam cho biết.
“Tôi đang không có đơn đặt hàng nào. Các nhà bán buôn nói với tôi rằng mọi người không mua quần áo bây giờ [do các biện pháp phong tỏa]”, ông Cheng nói với The Epoch Times tiếng Trung trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại vào ngày 3/4.
Trong khi đó, các công nhân thì sợ đi làm vì lo lắng có thể bị nhiễm virus Corona Vũ Hán. Tại nhà máy của ông Cheng, chỉ có 12 trong số 35 công nhân có mặt.
Ông Cheng cùng với khoảng 8.000 doanh nhân địa phương đã tham gia biểu tình trước khu vực chính quyền thành phố vào ngày 31/3.
“Chúng tôi diễu hành 3 km từ chợ đầu mối đến khu vực chính quyền thành phố. Chúng tôi chiếm tất cả các con đường [do đám đông khá lớn]. Cảnh sát sau đó đã bắt giữ hơn mười nữ doanh nhân tại hiện trường... họ cố gắng đe dọa và giải tán chúng tôi. Vào ngày thứ hai [1/4], nhiều chủ doanh nghiệp vẫn tiếp tục biểu tình”, ông Cheng cho biết.
Trong những tuần gần đây, các chủ doanh nghiệp ở Quảng Châu, Thâm Quyến, Quý Dương, Nam Ninh và một số thành phố ở phía đông bắc Trung Quốc đã tổ chức các cuộc biểu tình tương tự.
Doanh nghiệp đóng cửa
Truyền thông nhà nước Tạp chí Chứng khoán Trung Quốc đã báo cáo vào ngày 2/4 rằng cơ sở dữ liệu Tianyancha của Trung Quốc đã công bố dữ liệu mới nhất về các doanh nghiệp Trung Quốc.
Cơ sở dữ liệu ghi nhận rằng 460.000 công ty Trung Quốc đã đóng cửa vĩnh viễn trong quý đầu tiên của năm 2020. Khoảng 57% trong số họ được thành lập trong vòng ba năm qua.
Trong khi đó, 3,33 triệu công ty mới được thành lập trong quý đầu tiên của năm 2020, thấp hơn 28,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Các công ty mới thành lập hầu hết được đặt tại các tỉnh Quảng Đông, Giang Tô và Sơn Đông, với 46,12% là các công ty bán buôn và bán lẻ.
Các doanh nghiệp giáo dục trực tuyến nô nức mọc lên do chính sách cách ly, vì các trường học trên khắp Trung Quốc đã bị đóng cửa vô thời hạn. Trung Quốc hiện có 194.000 doanh nghiệp giáo dục trực tuyến, 6.753 trong số đó được thành lập trong quý đầu tiên của năm nay, theo Tạp chí Chứng khoán Trung Quốc.
Các doanh nghiệp game cũng chứng kiến một sự bùng nổ. 5.025 công ty game được thành lập vào đầu năm 2020 cho đến nay, cao hơn 60,53% so với cùng kỳ năm 2019.
Lĩnh vực du lịch bị ảnh hưởng nặng nề. Vào ngày 30/3, trang web cổng thông tin Trung Quốc Sohu đã trích dẫn một cơ sở dữ liệu trực tuyến khác là Qichacha, cho biết: “Vào ngày 25/3, 11.268 công ty du lịch đã đóng cửa trong năm 2020”.
Báo cáo cho biết kể từ cuối tháng 1/2020, ngành du lịch Trung Quốc có thu nhập gần như bằng 0 do ảnh hưởng của dịch viêm phổi Vũ Hán.
Theo số liệu từ Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc, ngành du lịch đóng góp 11% GDP của nước này trong năm 2019. Các doanh nghiệp du lịch đã tạo ra 79,87 triệu việc làm, tương đương 10,31% dân số của đất nước.
Tại tâm dịch Vũ Hán
Tại Vũ Hán - thành phố nơi dịch bệnh bắt đầu, 150 chủ nhà hàng đã gửi một bức thư cho chính quyền thành phố để yêu cầu hỗ trợ tài chính.
Ông Li là người điều hành một công ty thịt nướng ở Vũ Hán, sở hữu 15 nhà hàng trong thị trấn. Ông cho biết bức thư trên yêu cầu chính phủ trợ cấp cho nhân viên, yêu cầu chủ nhà cắt giảm tiền thuê nhà và yêu cầu ngân hàng cho các nhà hàng vay.
“Trong những tháng này, chúng tôi không có thu nhập nhưng vẫn cần phải trả lương cho nhân viên. Chúng tôi cũng cần trả tiền thuê mặt bằng nhà hàng và ký túc xá của nhân viên”, ông Li nói với tờ The Epoch Times tiếng Trung vào ngày 4/4. “Tôi đã mất gần 10 triệu nhân dân tệ (1,41 triệu đô la Mỹ ) rồi”.
Li cho biết ông không lạc quan về tương lai, mặc dù thành phố sẽ dỡ bỏ các hạn chế phong tỏa vào ngày 8/4.
“Tôi chắc chắn rằng không ai dám ăn ở nhà hàng”, ông Li nói. Ông ước tính rằng khoảng 10.000 đến 20.000 nhà hàng trong thành phố sẽ phải đóng cửa vĩnh viễn do dịch bệnh.
Ngày 6/4, tờ báo nhà nước Yangtze Daily đưa tin rằng khi thành phố bị phong tỏa vào ngày 23/1, 93% các nhà hàng ở Vũ Hán đã lựa chọn đóng cửa. Chỉ riêng bữa tối trong đêm giao thừa Trung Quốc (24/1), 550.000 bàn được đặt trước đã bị hủy ở Vũ Hán, khiến các nhà hàng mất khoảng 1 tỷ nhân dân tệ (141 triệu đô la Mỹ), theo báo cáo.
Chính quyền Trung Quốc đã không đưa ra khoản trợ cấp nào để hỗ trợ những người dân bình thường bị ảnh hưởng bởi dịch viêm phổi Vũ Hán. Những nhân viên y tế ở tuyến đầu chiến đấu với virus đã được hứa hẹn sẽ có những khoản trợ cấp thêm vào tiền lương của họ, nhưng một số người đã nói với The Epoch Times rằng họ chưa nhận được khoản thanh toán của mình.
Thanh Hương/NTDVN Kinh tế , Tin quốc tế
No comments:
Post a Comment