Cộng đồng mạng những ngày qua đang xôn xao việc Giám đốc Truyền thông Bệnh viện FV viết bài trên Facebook nói phóng viên Nguyễn Tiến Đạt gửi tin nhắn giống kiểu dọa dẫm, nếu không muốn nói là "tống tiền".
Cụ thể, tài khoản Facebook Lệ Thu Guillon viết: "Tôi vừa nhận được một tin nhắn của một phóng viên/nhà báo với nội dung có thể gọi là dọa dẫm nếu không muốn nói là có hiện tượng "tống tiền" như sau đây. Tôi đề nghị phóng viên này, cũng là bạn của tôi trên Facebook, tên Nguyễn Tiến Đạt gửi câu hỏi phỏng vấn chính thức qua cho Bệnh viện FV chúng tôi trả lời…"
Kèm theo nội dung trên là hình ảnh tin nhắn của FB Nguyễn Tiến Đạt, với nội dung như một tin bài phản ánh: "Chưa được xét nghiệm Covid19 theo diện tự nguyện, sao BV F… lại quảng cáo làm xét nghiệm tự nguyện giá 3 triệu đồng?"
Tiếp đó, FB Nguyễn Tiến Đạt phân tích: "… cũng có người thắc mắc, làm thế sao công bằng? BV công, y tế công làm thí mẹ, làm miễn phí, cực khổ trăm bề, xương xẩu… trong khi phần nạc được thu thì dành cho bệnh viện tư…"
Đọc bản tin gửi qua Facebook Messenger này, bạn sẽ nghĩ đó là lời nhắc nhở, hay là dấu hiệu của sự đe dọa, để người nhận phải liên tưởng ngay tới chuyện bị đe dọa, tống tiền?
Riêng trong nội dung bản tin gửi đi, PV Đạt đã so sánh trách nhiệm của khối y tế công và tư một cách rất khập khiễng và đầy ác cảm. Anh này quên mất rằng khối y tế công, bệnh viện công có công sản, có chế độ, chính sách do ngân sách đài thọ thì buộc phải làm việc cho nhà nước, được khám chữa bệnh dịch vụ tùy điều kiện. Khối tư thì phải tự lo thượng vàng hạ cám, như một doanh nghiệp, phải cạnh tranh gay gắt với nhau và với khối y tế công giàu nguồn lực bằng chất lượng, giá dịch vụ, hậu mãi, quảng cáo,… để có lợi nhuận, tiếp tục phát triển, không thua lỗ, phá sản.
Vậy nên, dịch vụ xét nghiệm Covid-19 nên được coi như một dịch vụ như bao dịch vụ khám, chẩn đoán và điều trị khác của bệnh viện tư nhân, vốn phải lo rất nhiều khoản chi cho việc thực hiện xét nghiệm, bao gồm sinh phẩm, các thiết bị phòng hộ cho nhân viên, kỹ thuật viên thực hiện lấy mẫu, phân tích mẫu, các chi phí nhân sự và nhiều chi phí khác...
Chia sẻ về sự cố nói trên, phía Bệnh viên FV cho biết bệnh viện luôn có trách nhiệm và sẵn sàng trả lời mọi câu hỏi của phóng viên, nhà báo. "Tôi rất bức xúc và không chấp nhận được cách tác nghiệp phủ đầu, áp đặt và chụp mũ, với một ngôn ngữ thiếu tôn trọng như vậy từ phía phóng viên.
Việc quan trọng hơn nữa, tuy rằng tôi có biết đến phóng viên này. Tuy nhiên sau khi nhận được tin nhắn này, tôi yêu cầu phóng viên này gửi giấy giới thiệu của cơ quan báo chí nơi mà bạn ấy đang làm nhưng bạn ấy không hợp tác. Đích thân tôi phải gọi các cơ quan chức năng và một vài tòa soạn báo để xác định danh tính…", bà Lệ Thu Guillon cho biết.
Cũng theo vị đại diện Bệnh viện FV, đây là một thời kỳ vô cùng khó khăn. Tuy FV là một bệnh viện tư nhân, bên cạnh phải đảm bảo chất lượng để giữ vững niềm tin của bệnh nhân khách hàng, chúng tôi cũng phải luôn ở trong tư thế sẵn sàng để khi được Chính Phủ và Bộ Y Tế yêu cầu sẽ tiếp nhận điều trị cho bệnh nhân Covid-19!
Báo chí đừng ngần ngại gọi điện thoại, nhắn tin hay gửi email tìm hiểu thông tin, chúng tôi luôn sẵn sàng và có trách nhiệm cung cấp thông tin – đây cũng là một cách giúp Bệnh viện FV có thể truyền tải những thông điệp giúp được người dân trong thời gian khó khăn này. Đội ngũ y tế của chúng tôi cũng đang làm việc không ngơi nghỉ để phục vụ cho nhu cầu khám và chữa bệnh của người dân...
Về phản ứng của đại diện truyền thông Bệnh viện FV, nên chăng phía bệnh viện cần bình tĩnh, khéo léo, linh hoạt hơn trước tình huống có thể tạo khủng hoảng, nhất là trong thời đại truyền thông xã hội phát triển như hiện nay.
Theo Báo Sạch Pháp luật , Tin trong nước , Xã hội
No comments:
Post a Comment