Cập nhật tin tức nóng hổi

Bị "cướp cạn" khi đưa nông sản qua biên giới tại Lạng Sơn

Các tài xế được UNBD tỉnh Lạng Sơn cho phép đưa hàng qua biên giới trong mùa dịch, đang trở thành những “ông vua” mặc sức chèn ép, thu tiền gấp đôi quy định.
Bị "cướp cạn" khi đưa nông sản qua biên giới tại Lạng Sơn
Tài xế D. (tên nhân vật đã được thay đổi) nhận tiền trên cabin. Ảnh cắt từ video clip.

"Khác gì cướp"

“Để nó đếm cho bõ tức, đi tối đa 16 km mà lấy của người ta cả chục triệu. Như này khác gì ăn cướp”, Tùng, tài xế container của Cty xuất khẩu nông sản A., cho biết khi đứng chờ xe từ phía Trung Quốc về cửa khẩu Hữu Nghị ở Lạng Sơn, hôm 16/4.

Tùng chuẩn bị sẵn 5,8 triệu đồng với tiền mệnh giá 50.000đ, một cọc 3 triệu đồng gồm tiền mệnh giá 100.000đ. Trước đó, Tùng đã ứng trước 3 triệu đồng cho tài xế “chuyên trách” được UNBD tỉnh Lạng Sơn cấp thẻ hành nghề, đồ bảo hộ chống virus, để đánh hàng qua biên giới.

17h ngày 16/4, xe về đến cửa khẩu Hữu Nghị. Sau khi làm thủ tục đăng ký, tiêu độc, tài xế chuyên trách tên D., đánh xe ra gần Bến xe Xuân Cương. Cuộc giao dịch diễn ra trên cabin. Tài xế D. đếm thoăn thoắt, bảo: “Hôm trước đưa 3 triệu, hôm nay nhận 8 triệu 8. Đủ nhé”.

Lạng Sơn quy định nếu thuê tài xế trong 2 ngày để đưa hàng qua cửa khẩu Hữu Nghị, chủ hàng chỉ phải trả mức 5 triệu đồng. Tuy nhiên, các tài xế được UBND tỉnh Lạng Sơn lập ra với lý do “đảm bảo thông quan hàng hóa an toàn trong mùa dịch Covid-19” ngang nhiên ép chủ hàng đưa tiền gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần mức quy định.

Mức giá 11,8 triệu nêu trên là do D. trước đây lái xe cho Cty A. Nhận thấy việc lái xe trên cửa khẩu giai đoạn này có thu nhập cao nên D. nghỉ ở Cty A để lên biên giới.

“Lái cho bên em nên nó mới lấy giá đấy, chứ cho các đơn vị khác thì phải tầm 14 triệu, mà phải năn nỉ nó mới làm. Không có lái xe, hàng hóa dù được thông quan cũng phải chịu chết vì giai đoạn này chỉ lái xe được Lạng Sơn cho phép mới được đưa hàng qua biên”, Tùng nói.

Tùng không phải người duy nhất phải chịu cảnh đi năn nỉ các đồng nghiệp “chuyên trách” do Lạng Sơn lập ra. Nếu những giao dịch cuối ngày thường diễn ra ở những nơi kín đáo, riêng tư tránh người lạ để ý thì trong các giao dịch giữa ngày, sức hút của món hời lớn khiến các tài xế chuyên trách không đủ kiên nhẫn tìm nơi vắng vẻ, tiền trao cháo múc ngay bên đường.

Khoảng 13h ngày 17/4, đối diện bến xe Xuân Cương, cách Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị khoảng 1 km, một giao dịch giữa chủ hàng và tài xế chuyên trách diễn ra vỏn vẹn trong 30 giây.

Mặc bộ quần áo bảo hộ màu xanh, Bình lao khỏi cabin chiếc container vừa từ Trung Quốc về rồi vội vã đi lại phía chủ hàng. Hé khẩu trang, Bình giục: “Anh ơi, em bàn giao xe nhé, đưa em nốt tiền rồi em đánh tiếp con kia (chỉ về một chiếc container khác đỗ gần đó) sang”.

10 triệu là số tiền mà chủ hàng còn phải giao nốt cho Bình sau chuyến đi vừa rồi. Những động tác đếm tiền của cả hai bên được thực hiện khẩn trương rồi Bình vạch chiếc cặp đeo chéo, nhét gọn tiền trước khi rảo bước về phía chiếc xe còn lại.

Còn chủ hàng lại lên xe, về chỗ chờ và chuẩn bị sẵn tiền, khi nào tài xế chuyên trách báo sắp về sẽ quay lên cửa khẩu thanh toán tiếp. “Không còn lựa chọn nào khác em ạ. May ra thì thuê được tài quen xe, vừa lái vừa chỉnh lạnh chứ không thì hàng sẽ nguy. Biết là đắt nhưng vẫn phải tranh nhau”, người chủ hàng nói.

Những “phi vụ” làm ăn bên cạnh cuộc họp

7h sáng 17/4, Dũng, đại diện Cty xuất khẩu nông sản A. tất tả lên khu vực cửa khẩu Hữu Nghị làm thủ tục xin lệnh điều động lái xe từ bến Xuân Cương.

Cầm 2 giấy điều động, Dũng gọi điện nhờ 2 tài xế đã liên lạc trước đó, nhờ họ “giúp” đánh xe. Lần này, cuộc giao dịch diễn ra ngay trên đường ở bãi B2, nơi xe hàng chờ làm thủ tục thông quan.

Chủ hàng luôn biết trước lái xe nào sẽ “giúp” mình, bởi trước đó đã liên hệ với nhau. Khi làm thủ tục xin giấy điều động, chủ hàng phải tự khai mã số tài xế do Lạng Sơn cấp, rồi đưa lại giấy điều động đã đóng dấu đỏ cho lái xe. Có lẽ do Dũng “rắn mặt” hơn, nên lần này mỗi lái xe chỉ lấy 10 triệu đồng.
Bị "cướp cạn" khi đưa nông sản qua biên giới tại Lạng Sơn
Tài xế chuyên trách của Lạng Sơn (đeo thẻ) ngang nhiên thu tiền gấp đôi mức quy định. Ảnh cắt từ video clip.

Cùng thời điểm phi vụ làm ăn diễn ra, cách đó chừng 2km, tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị đại diện lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn có cuộc họp cùng lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Tài chính.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường đề nghị tỉnh Lạng Sơn tăng cường công tác chống dịch, đẩy mạnh thông quan hàng hóa, song vẫn phải đảm bảo thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng, đặt yêu cầu an toàn phòng chống dịch Covid-19 lên hàng đầu.

Kịch bản không khó đoán là Lạng Sơn “cam kết thực hiện nghiêm” những vấn đề này. Ngoài ra, ông Hồ Tiến Thiệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn đề nghị Trung ương hỗ trợ 300 tỷ đồng để “đáp ứng thiết bị vật tư y tế, mở rộng đường dẫn vào các cửa khẩu, đẩy nhanh thông quan hàng hóa”.

Lúc này tại bãi B2, một cửa hàng đồ ăn đang bán hàng công khai cho hàng chục tài xế, chủ hàng ngồi san sát nhau, đương nhiên không đáp ứng khoảng cách tối thiểu 2 mét theo Chỉ thị 16. Các cuộc giao dịch vẫn diễn ra ngay trên đường, dù không khó để thấy bóng dáng lực lượng biên phòng, hải quan thường xuyên qua lại.

Không biết nếu chẳng may có ổ dịch phát sinh từ đây, số tiền 300 tỷ đồng liệu có đủ để Lạng Sơn dập dịch?

Lái xe “chuyên trách”

Hiện nay, đội lái xe chuyên trách tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị là 492 người, cửa khẩu Tân Thanh là 460 người và Chi Ma khoảng 50 người, tỉnh Lạng Sơn khẳng định số lượng này có thể đảm bảo duy trì hoạt động thông quan xuất nhập khẩu hàng hóa.

Sau khi đăng ký, các tài xế này được kiểm tra bằng lái, xét nghiệm Covid-19 trước khi được phép đưa hàng qua biên giới. Nhóm tài xế chuyên trách được sắp xếp ăn ở ngay gần cửa khẩu, đi về trong ngày và phải xét nghiệm lại Covid-19 sau mỗi 14 ngày.

Thế nhưng, cơ hội trở thành lái xe chuyên trách không phải ai cũng may mắn có được. Thời gian đầu, khi lượng lái xe này còn thiếu, mỗi chuyến hàng qua biên giới được định giá từ 12-15 triệu đồng, chủ hàng phải cắn răng chi trả vì sợ hỏng hàng, thậm chí còn phải tranh nhau mới thuê được.

Khi có hiện tượng giá thuê leo thang, tranh giành tài xế xảy ra, tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức hiệp thương, đưa mức giá trần cho từng cửa khẩu để ngăn chặn. Tuy nhiên, đại diện doanh nghiệp xuất khẩu nông sản A., khi được hỏi, nói họ “không hề biết” về cuộc hiệp thương của Lạng Sơn.

“Nếu có hiệp thương, có mời các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, thì phải có biên bản họp, có chữ ký các bên. Chúng tôi làm xuất khẩu nông sản ở Lạng Sơn cũng lâu năm, không hề biết việc này”, lãnh đạo doanh nghiệp A., nói.

Chia chác

Trở lại với cuộc giao dịch trên cabin ngày 16/4, D. đưa lại cho Tùng 500.000 đồng vì “cùng cảnh tài xế với nhau”. Tùng nhận tiền, hỏi: “Ông cầm hơn 10 triệu về có phải chia cho ai nữa không”. D. đáp: “Ai làm nấy hưởng, chia cái gì. Chỉ có đội sau này vào phải chia 50% cho ông Phương”.

Giới tài xế container ở Hữu Nghị nói ông Phương tên đầy đủ là Phùng Ngọc Phương, làm tại Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn. Sở dĩ tài xế phải chia tiền vì ông Phương là người “giới thiệu” để họ được UBND tỉnh Lạng Sơn cho phép tham gia lực lượng lái xe “chuyên trách” đánh hàng sang Trung Quốc thời Covid-19.

Trao đổi với chúng tôi hôm 19/4, ông Phan Hồng Tiến, Trưởng Ban quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, phủ nhận việc người đàn ông Phùng Ngọc Phương làm việc tại ban.

Theo Nongnghiep , ,

No comments:

Post a Comment