"Dù mang thai tuần 38 nhưng nữ bác sĩ vẫn phải đi làm việc. Nhưng, đây không phải là tự hào mà là sự việc đau lòng, một câu chuyện buồn", lãnh đạo BV Bạch Mai nói.
Mới đây, thông tin bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hương (đang mang thai tuần 38 vẫn tình nguyện đến BV Bạch Mai điều trị cho bệnh nhân khiến dư luận có nhiều ý kiến trái chiều. Có ý kiến cho rằng, trong thời điểm dịch bệnh như hiện nay thì hành động của bác sĩ Hương đáng được tôn vinh bởi sự dũng cảm. Tuy nhiên, phần lớn ý kiến cho rằng đây là hành động liều lĩnh, nguy hiểm. Bởi nếu là mẹ thì phải nghĩ cho đứa con chuẩn bị chào đời. Nếu chẳng may cả mẹ và con cùng bị nhiễm COVID-19 thì sẽ như thế nào. Từ đó, dư luận lên tiếng "trách móc" Ban giám đốc BV Bạch Mai đã để cho nhân viên mang thai tuần thứ 38 vẫn phải làm việc trong vùng tâm dịch.
Trao đổi với PNVN, lãnh đạo BV cho biết đúng là có chuyện nhân viên y tế mang thai đến tuần 38 vẫn phải đi làm việc. Nhưng, đây không phải là tự hào mà là câu chuyện buồn, là sự việc đau lòng.
Theo vị lãnh đạo này, nhân vật trong câu chuyện là bác sĩ Khoa C4 (Viện Tim mạch Quốc gia) mang thai đến tuần 38, dự sinh ngày 15/4. Do diễn biến dịch bệnh phức tạp, Ban lãnh đạo BV đã cho thai phụ nghỉ trước sinh để đảm bảo sức khỏe.
Nữ bác sĩ mang thai 38 tuần vẫn hỗ trợ đồng nghiệp chăm sóc bệnh nhân
Tuy nhiên, sau khi nghỉ, nữ bác sĩ đến các bệnh viện chuyên khoa Sản để làm thủ tục sinh. Tuy nhiên, một bệnh viện từ chối, rồi hai, ba bệnh viện cũng từ chối khi biết thai phụ là nhân viên của Bệnh viện Bạch Mai. Họ không nhận vì sợ cô ấy có thể mang mầm bệnh COVID-19 mặc dù kết quả xét nghiệm của nữ bác sĩ này là âm tính.
"Chúng tôi đã điều trị, cứu chữa cho hàng ngàn bệnh nhân. Đến một ngày, chính chúng tôi lại bị cơ sở y tế khác từ chối chăm sóc, điều trị. Đau lòng lắm".
Một lãnh đạo BV Bạch Mai chia sẻLúc đó, một số nhân viên BV Bạch Mai đã phải cách ly vì liên quan đến 2 điều dưỡng thuộc Trung tâm Bệnh nhiệt đới nhiễm COVID-19. Ngày sinh thì đến gần và đặc biệt, trong những tuần cuối thì nguy cơ sinh sớm có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Cô ấy trình bày với lãnh đạo BV. Trước tình huống ấy, Ban Giám đốc cho cô ấy vào chờ sinh chứ chẳng nhẽ lại đẻ ở nhà. Tuy nhiên, thời điểm ấy BV đã phải tạm dừng hoạt một số khoa, trung tâm. Nếu mang bụng bầu vào BV mà nói đi đẻ bộ phận kiểm soát ngoài cổng sẽ chẳng cho vào. Cô bác sĩ ấy phải nói đi trực thì họ mới cho vào. Trong thời gian chờ sinh, là bác sĩ nên cô ấy cũng hỗ trợ khoa chăm sóc các bệnh nhân khác.
Vị lãnh đạo này cũng cho biết, đây là sự việc đau lòng. Bởi nhân viên y tế BV Bạch Mai bị kỳ thị ghê gớm không chỉ ở cộng đồng mà còn ở chính những đồng nghiệp của mình. Thực tế, ai cũng có khả năng bị nhiễm virus COVID-19 và bất cứ cơ sở y tế nào cũng có thể có người nhiễm. Ngay như các công nhân Công ty Trường Sinh họ chẳng có triệu chứng gì vẫn làm bình thường, chỉ đến khi xét nghiệm mới phát hiện bị dương tính. "Là y bác sĩ, nếu tuân thủ các nguyên tắc trong quá trình tiếp xúc, điều trị bệnh nhân thì rất khó bị nhiễm", vị lãnh đạo này nói.
Trước đó, Giám đốc BV cũng đã thừa nhận, người dân đã nhìn nhân viên y tế BV Bạch Mai với ánh mắt "e dè". Thậm chí, có bác sĩ bà nội mất, cả họ không cho về chịu tang dù đã có xét nghiệm âm tính.
Theo phunuvietnam Tin trong nước , Xã hội , Y tế
No comments:
Post a Comment