Sau một vài ngày có dấu hiệu chững lại thì hôm nay (ngày 3/4) thì giá thịt heo lại có dấu hiệu neo cao trở lại.
Trước đó, Thủ tướng đã yêu cầu các Bộ, ngành phải cùng phới hợp, “kìm” giá thịt heo theo cơ chế thị trường, có vai trò quản lý của Nhà nước, trong đó có chống đầu cơ, nâng giá bất hợp lý. Tinh thần là kiên quyết đưa giá thịt xuống (dưới 60.000 đồng/kg heo hơi) trong thời gian tới bằng các biện pháp phù hợp, theo thị trường chứ không bao cấp. Song, tình hình thực tế trên thị trường vẫn chưa thực sự bám sát theo những chỉ đạo từ người đứng đầu Chính phủ.
Thịt heo vẫn “cố thủ” ở mức giá cao
Giá thịt heo đã có xu hướng giảm vào những ngày cuối tháng 3/2020, nhưng vẫn “neo” ở mức rất cao so với trước khi có dịch tả heo châu Phi. Bước sang tháng 4, giá heo lại bắt đầu có xu hướng tăng nhiệt; bên cạnh nguyên nhân do dịch bệnh khiến nguồn cung heo giống giảm, giá cao làm gia tăng chi phí sản xuất, kinh doanh thịt heo… Những ngày đầu “cách ly toàn xã hội”, tâm lý người tiêu dùng khiến giá heo ở các chợ truyền thống có dấu hiệu tăng…Theo ghi nhận, ngày 3/4 tại TP.HCM, các tiểu thương cho biết, thị trường không khan hiếm nhưng giá thịt heo vẫn đang “neo” ở mức cao. Cụ thể, tại một số chợ dân sinh truyền thống như Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình), Gò Vấp (Q.Gò Vấp), Nguyễn Đình Chiểu (Q.Phú Nhuận)…, thịt heo được niêm yết như sau: Thịt mông sấn đang được tiểu thương bán với giá khoảng 138.000 - 150.000 đồng/kg; thịt ba chỉ, bắp giò có giá 167.000 đồng/kg; sườn non, nạc vai có giá 183.000 đồng/kg…
Theo đánh giá của người tiêu dùng, giá thịt heo như trên chưa có sự thay đổi so với tuần trước. Chị Nguyễn Thị Quỳnh (Q.Gò Vấp) cho biết: “Tôi cũng có nghe thông tin thịt lợn hơi sẽ được đưa về mức bình ổn, giá giảm theo chỉ thị của Chính phủ; ngoài ra, cũng nghe thông tin nhập thịt heo số lượng lớn về để kìm giá thịt nhưng thực tế đến hôm nay vẫn chưa thấy giảm, thậm chí còn tăng vài giá so với mấy ngày trước”.
Trong khi đó, tại các cửa hàng thực phẩm và siêu thị, giá thịt lợn vẫn duy trì ở mức cao hơn giá bán so với các chợ truyền thống. Chuỗi cửa hàng Co.op Food và Vissan bán thịt đùi và giò heo ở mức 140.000 - 149.000 đồng/kg, nạc dăm 161.000 đồng/kg, ba rọi 179.000 đồng/kg, file và ba rọi rút sườn từ 210 – 250.000 đồng/kg. Riêng với thịt mát MEATDeli tại các cửa hàng phân phối, giá niêm yết vào khoảng 153.900 đồng/kg thịt vai; nạc đùi 158.900 đồng/kg, thịt chân giò rút xương 202.900 đồng/kg, thịt ba rọi 274.900 đồng/kg (+VAT),...
Còn với giá heo hơi, tại Đồng Nai, giá heo hơi trong ngày ghi nhận từ 80.000 - 81.000 đồng/kg. Tại Bà Rịa - Vũng Tàu giá heo hơi đạt 80.000 đồng/kg, các tỉnh khác như Bình Dương, Long An… giá heo hơi phổ biến đạt 79.000 đồng/kg.
Thực tế, giá bán đến người tiêu dùng cao ngất là vậy, song thực tế liệu người nông dân nuôi heo có thực sự hưởng lợi hay không?
Tại hội nghị mới đây do Bộ NN&PTNT chủ trì, Bộ này đã đề nghị 17 DN, tập đoàn lớn giảm giá heo hơn về mức 70.000 đồng/kg, tức giảm khoảng 10.000 - 15.000 đồng so với hiện tại (Hiện giá heo hơi miền Bắc vẫn giao động khoảng 85.000 đồng kg; còn ở miền Trung và miền Nam cũng từ 75.000- 80.000 đồng/kg). Tuy nhiên, đề nghị này vẫn dấy lên tranh cãi, băn khoăn về việc giảm giá lợn hơi về mức giá nào là hợp lý, để người nông dân vừa có lãi mà cả người tiêu dùng cũng được lợi? Muốn đạt được mục tiêu này, điều cốt lõi phải tính được giá thành 1kg heo hơi hiện nay là bao nhiêu?
Theo một số chủ trang trại chăn nuôi tại tỉnh Đồng Nai – “thủ phủ” của ngành chăn nuôi heo khu vực phía Nam - “Nhiều ý kiến cho rằng, giá thành chăn nuôi heo chỉ giao động từ 35-40 nghìn đồng/kg/lợn hơi. Nói thật, giá này là có, nhưng đó là trước khi xảy ra dịch tả heo châu Phi. Nhưng giá thành này là chưa tính đến chi phí nhân công, lãi vay ngân hàng, khấu hao tài sản… Thực tế hiện nay, nếu tính các chi phí này vào, giá thành heo hơi sẽ không thể nào có mức giá dưới 40 nghìn đồng/kg”, anh Nguyễn Minh Hạo, một hộ nuôi heo ở Gia Kiệm, tỉnh Đồng Nai, cho hay.
Tâm lý người tiêu dùng những ngày qua cũng khiến giá heo "neo" ở mức cao.
Cũng theo anh Hạo, đối với những trại phải mua con giống thì mức giá thành sẽ bị đẩy cao hơn. “Tôi ví dụ, giá heo gống hiện nay vào khoảng 2 – 2,6 triệu đồng/con (loại từ 6-7kg); thức ăn nuôi cho đến khi đạt 110-120kg vào khoảng 2,5 – 2,6 triệu đồng. Chỉ tính riêng hai khoản này thì giá thành đã vào khoảng 5 triệu đồng. Nếu tính chi phí nhân công, điện nước, thuốc thú y, vaccine, hao hụt… thì giá thành có thể tăng lên 5,5 – 5,7 triệu đồng/100kg, tức là vào khoảng 55 – 5,7 nghìn đồng/kg heo hơi”, anh Hạo tính toán.
Cơ sở nào để “kìm” giá về 70.000 đồng/kg heo hơi?
Nói về cơ sở để “kìm” giá heo hơi xuống quanh ngưỡng 70.000 đồng/kg, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, đến nay 99% số xã bị bệnh dịch tả heo châu Phi đã qua 30 ngày không phát sinh dịch. Thêm vào đó, đàn heo giống cụ kỵ, ông bà hiện có gần 110.000 con, 2,7 triệu heo nái và 24 triệu heo thịt, với tốc độ tái đàn hiện nay tại các địa phương, không lý do gì để thiếu thịt heo thời gian tới mà không giảm giá.“Có “kìm” về mức giá quanh 70.000 đồng/kg heo hơi thì mới phù hợp để bảo vệ cho thị trường phát triển bền vững”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, nhấn mạnh.
Trong trường hợp giá heo hơi vẫn “cố thủ” ở mức giá cao, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng khẳng định: “Nếu không kìm xuống được mức giá 70.000 đồng/kg heo hơi, chắc chắn Chính phủ sẽ cho tăng cường nhập khẩu thịt heo từ Mỹ, Canada, Úc, Nga,… thậm chí từ Lào, Campuchia về để giảm giá thành thịt heo đến tay người tiêu dùng”.
Cũng liên quan đến việc giá heo “cố thủ” ở mức giá cao, nhiều ý kiến cho rằng, ngoài Bộ NN&PTNT thì còn có trách nhiệm của Bộ Công Thương.
Ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng giá heo tăng cao thời gian qua là do số lượng nhập khẩu thịt heo chưa đảm bảo với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, chỉ đạo từ Chính phủ, trong quý I/2020 phải nhập khẩu 100.000 tấn thịt heo. Tuy nhiên, theo số liệu mới nhất từ Cục Thú y, tính đến ngày 15/3, Việt Nam mới nhập khẩu gần 25.300 tấn thịt lợn và sản phẩm thịt lợn, tăng 205% so với cùng kỳ năm 2019, nhưng chưa là gì so với con số chỉ đạo từ Chính phủ.
“Hiện Bộ Công thương đang phối hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT hỗ trợ các doanh nghiệp nhập khẩu thịt heo đông lạnh, thịt heo tươi sống để đảm bảo nguồn cung tốt hơn. Cạnh đó, sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, đặc biệt công tác về đầu cơ, găm hàng hoặc việc vận chuyển buôn bán thịt heo trái phép xuất khẩu sang Trung Quốc”, ông Đông nói thêm.
Ông Nguyễn Văn Long - Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), thì cho biết, Tập đoàn Miratorg của Nga đang làm thủ tục để xuất khẩu sang Việt Nam khoảng 3.500 - 4.000 tấn thịt lợn. Trong số này, lượng hàng đã về tới cảng Sài Gòn khoảng 1.500 tấn. Số thịt này được phân phối ra thị trường thông qua 15 doanh nghiệp nhập khẩu.
“Trong năm 2020, Tập đoàn Miratorg kỳ vọng sẽ xuất khẩu khoảng 50.000 tấn thịt lợn các loại sang thị trường Việt Nam và tăng dần vào các năm tiếp theo. Đây sẽ là nguồn cung ổn định cho thị trường Việt Nam thời gian tới”, ông Long chia sẻ thêm.
Chi phí cụ thể sản xuất 1kg lợn hơi (đối với nông hộ)
-Trường hợp tự nuôi lợn nái để có lợn giống nuôi thịt: Giá thành khoảng 800 – 1,3 triệu đồng/con.
-Nếu phải đi mua lợn giống: Giá từ 2-2,5 triệu đồng/con.
-Thức ăn nuôi từ khi lợn cai sữa tới lúc đạt 100-120kg: 2,5 – 2,7 triệu đồng.
-Chi phí vaccine, thuốc thú y, thuốc sát trùng…: Xấp xỉ khoảng 2.000 đồng/kg
-Chi phí nhân công, điện nước, khấu hao, lãi vay, hao hụt…: Khoảng 5%.
Từ các chi phí trên tính ra, giá thành chăn nuôi đối với doanh nghiệp, trang trại sẽ vào khoảng 42.000 – 48.000 đồng/kg; và giá thành chăn nuôi với hộ phải đi mua con giống vào khoảng 52.000 – 55.000 đồng/kg.Bá Lâm/chatluongvacuocsong Kinh tế , Tin trong nước
No comments:
Post a Comment