Đại biểu, luật sư đều cho rằng, kế hoạch dựng tượng của ngành tòa án là không phù hợp và lãng phí, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.
3 mẫu phác thảo tượng Lý Thái Tông
Ngày 20/2, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao đã thống nhất tôn vinh Hoàng đế Lý Thái Tông là nhân vật biểu tượng của công lý và hoạt động xét xử. Hiện TAND tối cao đang tổ chức lấy ý kiến cán bộ công chức ngành tòa án đối với 3 mẫu phác thảo tượng vua Lý Thái Tông để đặt tại trụ sở TAND tối cao, trụ sở tòa án quân sự và tòa án các cấp.
Việc này đang gây xôn xao dư luận, bởi nhẩm tính, nước ta hiện có tổng cộng 707 đơn vị cấp huyện, gồm: 77 thành phố trực thuộc tỉnh, 52 thị xã, 49 quận và 529 huyện, thêm 63 tòa án cấp tỉnh, 3 tòa cấp cao và tòa tối cao nữa là khoảng 774 tòa án. Do đó, kinh phí thực hiện đúc tượng trên toàn hệ thống tòa án là rất lớn, chưa kể việc dựng tượng xong thì phải có lễ đặt tượng, lễ dâng hương, mỗi đơn vị đều phải tổ chức riêng 1 lễ như thế, dù tiết kiệm đến đâu cũng sẽ là một nguồn kinh phí không hề nhỏ.
Đâu cứ phải đúc tượng mới trở thành biểu tượng?
Bàn về vấn đề này, ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho rằng, việc này cần phải được xem xét hết sức cân nhắc và thận trọng.
“Xây dựng biểu tượng của công lý là rất đúng, nhưng không nhất thiết phải thể hiện bằng việc đúc tượng? Công lý là ở trong tâm mỗi người thực hiện công vụ, chứ không phải cứ phải đúc tượng mới thể hiện được công lý”, ông Tiến nhìn nhận.
Việc đúc bức tượng theo dự kiến của TAND Tối cao là bằng đồng, cao đến trên 5m, theo ông Tiến càng không nên, vì rất lãng phí. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, cả nước đang cần ngân sách để phục vụ cho công tác phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi nền kinh tế bị ảnh hưởng do dịch bệnh.
Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội
“Nếu triển khai ở tất cả ngành tòa án thì thật sự sẽ gây lãng phí mà không giải quyết được việc gì. Ở các trụ sở hành chính của chúng ta đều có tượng Bác Hồ, mà Bác cũng là biểu tượng cho công lý, giờ đây lại có một bức tượng “công lý” nữa, là không nên", ông Tiến cho biết.
Nhắc lại sự việc cách đây vài năm, có hiện tượng một số tỉnh, thành đua nhau xây dựng tượng đài, quảng trường lớn và hoành tráng, nguyên đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến lo ngại “hội chứng” đúc tượng sẽ diễn ra ở nhiều ngành, nhiều cấp.
“Nếu không cẩn thận sẽ thành hội chứng “đúc tượng” xảy ra ở tất cả các ngành, ngành nào cũng đề nghị đúc tượng một nhân vật đại diện cho ngành, thì lãng phí sẽ nhân rộng hơn”, ông Tiến nói.
Không phù hợp cả về mặt hình thức và ý nghĩa lịch sử dân tộc
Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng văn phòng Luật sư Nguyễn Anh - Đoàn Luật sư TP Hà Nội) phân tích, xét về hình thức, chức danh Vua hay Hoàng đế thời phong kiến có vị trí ngang như chế định Chủ tịch nước trong hệ thống pháp luật nước ta hiện nay. Do đó, nếu TAND tối cao lấy nhân vật hoàng đế Lý Thái Tông là biểu tượng của công lý và hoạt động xét xử là không phù hợp cả về mặt hình thức và ý nghĩa lịch sử dân tộc.
"Theo như ý tưởng của TAND Tối cao cần có một biểu tượng công lý thì có thể xét đến các nhân vật tương ứng như Quan ngự sử hay những nhân vật khác tương tự như Bao Công trong lịch sử Trung Hoa thì sẽ phù hợp hơn với vị trí, vai trò trong hệ thống tổ chức bộ máy Nhà nước", luật sư Thơm đề nghị.
Đồng thời, vị luật sư này cũng lo ngại, mặt khác, nếu các Cơ quan quyền lực Nhà nước khác cũng đều tự mình lựa chọn một biểu tượng công lý là một nhân vật lịch sử thì sẽ ra sao trong khi ngành Tòa là một vị Hoàng đế Lý Thái Tông.
"Trong tình hình hình hiện nay, TAND Tối cao cần thiết đặt tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị anh hùng giải phóng dân tộc đã có công rất lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và cũng là biểu tượng cho sự anh minh, cần, kiệm, liêm chính, chí công, vô tư mà bất kỳ ngành nào cũng phải học tập tấm gương vĩ đại của Bác", luật sư Thơm nêu quan điểm.
TAND Tối cao vừa có Văn bản 141 về việc lựa chọn mẫu phác thảo tượng vua Lý Thái Tông. Văn bản có nêu ngày 5/2/2020, Hội đồng thẩm phán TANDTC đã thống nhất tôn vinh Hoàng đế Lý Thái Tông là nhân vật biểu tượng của công lý và hoạt động xét xử trong lịch sử Việt Nam.
TAND Tối cao nêu 5 lý do chọn vua Lý Thái Tông làm biểu tượng này, như vua Lý Thái Tông là người ban hành bộ “Hình thư” - bộ luật chính thức thành văn đầu tiên trong lịch sử Việt Nam; vua Lý Thái Tông đã trực tiếp xét xử nhiều vụ án nổi tiếng với tấm lòng bao dung, nhân từ…
Việc lấy ý kiến của các thẩm phán, cán bộ công chức trong hệ thống tòa án về mẫu phác thảo tượng vua Lý Thái Tông được thực hiện trong thời gian rất ngắn, từ 23-28/4.Theo Báo giao thông. Tin trong nước , Văn hóa , Xã hội
Dự kiến, nếu được thông qua tượng “công lý” được đúc bằng đồng đỏ, kích thước chiều cao của tượng đặt tại trụ sở TAND là 5,3m.
No comments:
Post a Comment