“Một con virus bé xíu đã lật đổ sự kiêu ngạo của chúng ta và làm sụp đổ sản lượng toàn cầu một cách không thể kiềm chế” - Martin Harry Wolf (Financial Times).
Martin Wolf cho rằng nền kinh tế toàn cầu sẽ sụp đổ ngay cả khi các nhà hoạch định chính sách không áp đặt lệnh phong tỏa, và có thể vẫn sụp đổ sau khi phong tỏa kết thúc. (Ảnh: Pixabay)
Bình luận về Báo cáo triển vọng kinh tế của IMF trong đó có các dự báo ảm đạm tăng trưởng toàn cầu trên Financial Times, chuyên gia kinh tế Martin Harry Wolf, nhà báo kỳ cựu về kinh tế và là nhà kinh tế trưởng của Financial Times đã có nhiều đánh giá sâu sắc về tương lai không mấy sáng sủa của nền kinh tế toàn cầu ngay cả khi đại dịch kết thúc hoặc ngay cả ở những nơi đại dịch chưa ghé thăm. Ông gọi nền kinh tế toàn cầu trước đại dịch - ám chỉ sự toàn cầu hóa quá cao, sự thống trị của công nghệ, sự dẫn dắt của các “ông lớn” kinh tế và nền kinh tế chạy theo tăng trưởng không giới hạn - là “sự kiêu ngạo của chúng ta”... Và dường như sau đại dịch virus viêm phổi Vũ Hán, thế giới sẽ học được điều gì đó để thu liễm sự kiêu ngạo đáng phải trả giá này.
Kinh tế toàn cầu sẽ sụp đổ ngay cả khi chính phủ các nước không phong tỏa và có thể sụp đổ ngay sau khi phong tỏa kết thúc
Trong bản đánh giá Triển vọng kinh tế thế giới mới phát hành của mình, Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF đã gọi những gì đang diễn ra hiện nay là “Đại phong tỏa” (Great Lockdown). Martin Wolf cho rằng gọi là “Sự đóng cửa lớn” (Great Shutdown) sẽ diễn tả đúng hơn thực trạng kinh tế - xã hội hiện nay. Theo ông, cụm từ này diễn tả thực tế rằng nền kinh tế toàn cầu sẽ sụp đổ ngay cả khi các nhà hoạch định chính sách không áp đặt lệnh phong tỏa, và có thể vẫn sụp đổ sau khi phong tỏa kết thúc. Tuy nhiên, ông cho rằng dù chúng ta đặt tên giai đoạn lịch sử này là gì đi nữa thì kết quả vẫn chỉ là một: “Đây là cuộc khủng hoảng lớn nhất mà thế giới phải đối mặt kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai, và là thảm họa kinh tế lớn nhất kể từ cuộc Đại suy thoái những năm 1930. Thế giới đã bước vào thời điểm này với sự chia rẽ giữa các cường quốc và sự bất tài ở cấp cao nhất của chính phủ với tỷ lệ đáng sợ. Chúng ta sẽ vượt qua thảm họa này, nhưng bằng cách nào?”
Chỉ trong tháng 1/2020, IMF đã ra báo cáo dự báo về triển vọng kinh tế toàn cầu. Lúc này các dự báo của IMF vẫn còn rất sáng sủa. Martin Wolf - cũng như nhiều chuyên gia và chính phủ khác - chỉ trích Trung Quốc đã che giấu dịch bệnh khiến mọi đánh giá, dự báo và phản ứng chính sách trở thành sai lầm, không chỉ riêng IMF sai lầm trong dự báo của họ khi họ không biết điều gì đã xảy ra. Martin Wolf nhấn mạnh sự tồi tệ của đại dịch bị Trung Quốc che giấu trong chính nội bộ của họ. Ông viết: “Vì các quan chức Trung Quốc đã không thông báo cho nhau, chứ đừng nói đến phần còn lại của thế giới”.
Hậu quả không thể lường hết - chuyên gia nghi ngờ vào năng lực lãnh đạo của Chính phủ các nước
Cả thế giới đang ở giữa một đại dịch với những hậu quả to lớn. Nhưng nhiều điều vẫn chưa rõ ràng. Trong khi đó, Martin Wolf không chắc chắn là “các nhà lãnh đạo thiển cận sẽ đối phó với mối đe dọa toàn cầu này như thế nào.”
Trong rất nhiều dự báo có thể tham khảo, bản phát hành mới nhất của Triển vọng kinh tế thế giới năm 2020 dự đoán sản lượng toàn cầu sẽ tăng trưởng âm 3% trong năm 2020. Dự báo ảm đạm này đã điều chỉnh giảm mạnh 6,3% từ triển vọng tháng 1 năm 2020 của IMF. 90% các quốc gia sẽ trải qua sự tăng trưởng âm tổng sản phẩm quốc nội thực tế trên đầu người trong năm nay. Tình trạng này tồi tệ hơn rất nhiều so với giai đoạn khủng hoảng 2009 do lần này sự mở rộng mạnh mẽ của Trung Quốc trong chuỗi toàn cầu hóa và ảnh hưởng của nước này trong thị trường tài chính quốc tế cũng lớn hơn nhiều so với một thập kỷ trước.
Vào tháng 1, IMF dự báo tăng trưởng sẽ suôn sẻ trong năm nay. Chỉ sau đó 3 tháng, vào tháng 4/2020, tổ chức này dự báo mức giảm 12% giữa quý cuối năm 2019 và quý II năm 2020 ở các nền kinh tế phát triển, và mức giảm 5% ở các nước mới nổi và đang phát triển. Tuy nhiên, thật lạc quan, quý II được dự báo sẽ là thời điểm tồi tệ nhất. Sau đó, nó dự kiến sẽ phục hồi, mặc dù sản lượng ở các nền kinh tế phát triển được dự báo sẽ duy trì dưới mức quý IV/2019 cho đến năm 2022.
Dự báo dựa trên kịch bản cơ sở của IMF trong báo cáo tháng 4/2020
Trong kịch bản cơ sở, IMF giả định nền kinh tế sẽ mở cửa trở lại vào nửa cuối năm 2020. Khi đó IMF dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu là âm 3% vào năm 2020, tiếp theo là mở rộng 5,8% vào năm 2021. Trong các nền kinh tế phát triển, dự báo là tăng trưởng âm 6,1%, tiếp theo là mở rộng 4,5% vào năm 2021.
Dự báo của IMF vẫn quá lạc quan: kịch bản xấu nhất của IMF có thể chưa phải là xấu nhất
IMF đưa thêm ba kịch bản nghiêm trọng hơn. Trong kịch bản đầu tiên, việc phong tỏa sẽ kéo dài hơn 50% thời gian so với kịch bản cơ sở. Trong kịch bản thứ hai, có một đợt bùng phát virus thứ hai vào năm 2021. Trong kịch bản thứ ba, các yếu tố này được kết hợp lại.
Trong trường hợp năm nay phong tỏa lâu hơn, sản lượng toàn cầu trong năm 2020 sẽ thấp hơn 3% so với kịch bản cơ sở, tức là tăng trưởng âm 6%. Với làn sóng lây nhiễm thứ hai, sản lượng toàn cầu năm 2021 sẽ thấp hơn 5% so với kịch bản cơ sở, tức là tăng trưởng âm 8%. Nếu cả hai điều không may này cùng xảy ra, sản lượng toàn cầu năm 2021 sẽ thấp hơn gần 8% so với kịch bản cơ sở, tăng trưởng âm 11% năm 2020. Với khả năng cuối cùng, chi tiêu chính phủ của các nền kinh tế phát triển sẽ cao hơn 10 điểm phần trăm so với GDP năm 2021, và nợ chính phủ trong trung hạn sẽ cao hơn 20 điểm phần trăm so với kịch bản cơ sở vốn đã bất lợi.
Nhưng có thể có kịch bản tệ hơn không? Martin Wolf viết: “Chúng ta không biết kịch bản nào sẽ chuẩn xác nhất. Nó có thể còn tồi tệ hơn: virus có thể biến đổi; miễn dịch của những người đã từng bị nhiễm virus có thể không kéo dài; và một loại vaccine có thể không được ra mắt. Một con virus đã lật đổ tất cả sự kiêu ngạo của chúng ta”.
Quy mô và chiều sâu của tổn thất do đại khủng hoảng virus viêm phổi Vũ Hán lớn hơn nhiều so với khủng hoảng tài chính toàn cầu 2009 (nguồn: Financial Times)
Hợp tác quốc tế để tìm ra vaccine là tối quan trọng nhưng cũng cần giảm, xóa nợ cho các nước nghèo và thực thi quyền rút vốn đặc biệt của IMF
Chúng ta phải làm gì để xử lý thảm họa này? Một câu trả lời là không từ bỏ việc phong tỏa trước khi tỷ lệ tử vong được kiểm soát. Sẽ không thể mở cửa trở lại các nền kinh tế với một dịch bệnh đang hoành hành, làm tăng số người chết và đẩy các hệ thống y tế vào tình trạng sụp đổ. Ngay cả khi chúng ta được phép mua hoặc quay trở lại làm việc, nhiều người sẽ không làm như vậy. Nhưng điều cần thiết là chuẩn bị cho ngày hôm đó, bằng cách tăng cường khả năng xét nghiệm, truy tìm, cách ly và chữa trị cho mọi người. Bây giờ không phải là lúc tiết kiệm chi phí hay dè sẻn các khoản đầu tư vào việc nghiên cứu, sản xuất và sử dụng một loại vaccine mới.
Báo cáo của Viện kinh tế quốc tế Peterson ở Washington về vai trò thiết yếu của Nhóm 20 quốc gia hàng đầu cho rằng: “Nói đơn giản, trong đại dịch Covid-19, thiếu vắng sự hợp tác quốc tế có nghĩa là nhiều người sẽ thiệt mạng”. Điều này đúng trong chính sách y tế và trong việc đảm bảo một phản ứng kinh tế toàn cầu hiệu quả. Cả đại dịch và “Sự đóng cửa lớn” đều là những sự kiện toàn cầu. Giúp đỡ về mặt y tế là rất cần thiết, như Maurice Obstfeld, cựu nhà kinh tế trưởng của IMF, nhấn mạnh trong báo cáo. Tuy nhiên, cũng cần giúp đỡ các nước nghèo về mặt kinh tế, thông qua giảm nợ, tài trợ và các khoản vay giá rẻ. Một vấn đề mới rất lớn về quyền rút vốn đặc biệt của IMF, với việc chuyển các khoản phân bổ không cần thiết sang các nước nghèo hơn, là rất cấp thiết.
Thế giới cần thương mại lưu chuyển tự do, đặc biệt (nhưng không chỉ) trong các thiết bị và vật tư y tế. Nếu nền kinh tế thế giới bị phá vỡ, như đã từng xảy ra trước đây để đối phó với Đại Suy thoái, sự phục hồi nếu không chết thì cũng sẽ bị tàn phá.
Thanh Hương - Trà Nguyễn/NTDVN Kinh tế , Tin quốc tế
No comments:
Post a Comment