PGS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, nhận định ổ dịch Bệnh viện Bạch Mai, giờ không thể xác định được ca nhiễm đầu tiên (bệnh nhân số 0), nên nguy cơ lây ra cộng đồng rất cao.
Ổ dịch Bệnh viện Bạch Mai hiện đã không xác định được bệnh nhân số 0, giải pháp là giãn cách xã hội, đồng thời xét nghiệm, khoanh vùng để bệnh không lây lan rộng. Ảnh: Quân đội phun khử khuẩn Bệnh viện Bạch Mai tối 28/3. (Ảnh: J.N)
Riêng Hà Nội có 17.340 trường hợp liên quan Bệnh viện Bạch Mai
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống COVID-19 TP Hà Nội chiều 1/4, Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhận định Hà Nội đang là nơi có số ca nhiễm bệnh nhiều nhất cả nước, có mức độ lây nhiễm nguy hiểm nhất. Hiện nay, nguy cơ lớn nhất là ổ dịch từ Công ty Trường Sinh (khu vực Bệnh viện Bạch Mai); đáng chú ý TP đã có trường hợp lây F2 trở thành F0 ở quận Long Biên.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết theo danh sách dữ liệu trích xuất từ Bệnh viện Bạch Mai, trên địa bàn Hà Nội có 1.591 bệnh nhân nội trú tại Bệnh viện Bạch Mai từ ngày 15/3.
Hiện cơ quan chức năng đã xác minh được 1.348 trường hợp, lấy được 1.013 mẫu bệnh phẩm và xét nghiệm được 739 mẫu, tất cả đều âm tính.
Ngoài ra, TP đã điều tra được 15.749 trường hợp có liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai, gồm bệnh nhân khám ngoại trú, người đến chăm sóc, thăm người bệnh, học viên đi học… 13.225 trường hợp chưa qua 14 ngày đã được cách ly; lấy mẫu đối với 339 trường hợp có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh; 33 mẫu có kết quả, trong đó có 3 trường hợp dương tính (là người chăm sóc bệnh nhân, nhân viên dịch vụ tại bệnh viện).
Ngày 31/3, Sở Y tế đã lập 4 điểm xét nghiệm nhanh tại cộng đồng tại 3 quận (Đống Đa, Hai Bà Trưng, Ba Đình) và 1 huyện (Thanh Oai) để tổ chức xét nghiệm cho những trường hợp có yếu tố dịch tễ liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai.
Tổng cộng xét nghiệm được 783 trường hợp, trong đó 4 trường hợp có kết quả dương tính. Tuy nhiên, sau khi làm lại xét nghiệm PCR, có 3 trường hợp âm tính, 1 trường hợp đang chờ kết quả.
Mở rộng xét nghiệm cộng đồng, chốt cửa ngõ
Một số quận có số lượng lớn người có lịch sử dịch tễ liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai, ngoài các mẫu đã được lấy, quận kiến nghị được lập trạm test nhanh để sàng lọc, như quận Hoàng Mai, với 2.613 trường hợp, trong đó có 545 cán bộ y tế, sinh viên thực tập; quận Thanh Xuân với 1.278 trường hợp, trong có 224 người là y bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế của bệnh viện.
Quận Đống Đa – nơi đặt trụ sở Bệnh viện Bạch Mai, tại trạm test nhanh đặt ở Trường THCS Đống Đa, ngoài 1.173 mẫu đã được xét nghiệm, vẫn còn 500 – 1.000 người dân có nhu cầu xét nghiệm.
Chủ tịch TP Hà Nội đồng ý với đề xuất của các quận, quyết định mở rộng phạm vi và đối tượng xét nghiệm nhanh COVID-19, thực hiện từ ngày 2/4 tại 9 quận, 1 huyện.
Khu vực sẽ thực hiện xét nghiệm cộng đồng gồm các quận Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông, Hoàng Mai, Thanh Trì, Long Biên, Gia Lâm, và huyện Đông Anh. Mỗi quận có thể đặt từ 2-3 trạm xét nghiệm nhanh di động.
Các khu vực sẽ thực hiện xét nghiệm nhanh viêm phổi Vũ Hán tại Hà Nội. (Nguồn bản đồ: dẫn qua vntrip.vn)
“Ngoài xét nghiệm nhanh COVID-19 cho những trường hợp đến Bệnh viện Bạch Mai từ ngày 10/3 đến 28/3, người tiếp xúc với người đã đến Bệnh viện Bạch Mai, sẽ xét nghiệm những người có dấu hiệu sốt, ho mà có nhu cầu xét nghiệm nhanh COVID-19 thì cũng cho xét nghiệm”, ông Chung yêu cầu.
Các kit xét nghiệm nhanh từ nguồn 200.000 test xét nghiệm nhanh từ Hàn Quốc được Bộ Y tế nhập trước đó, ưu tiên dùng cho người đang cách ly tập trung, cách ly tại nhà, người từng đến bệnh viện Bạch Mai.
Cũng tại cuộc họp, ông Chung nói rõ tất cả các bệnh viện của thành phố hiện nay chỉ có 300 máy thở. “Như tại Pháp, trung bình 5 triệu dân có 1.000 máy thở, Đức trung bình 1,7 triệu dân có 1.000 máy thở. Còn Hà Nội hiện nay, 8 triệu dân chỉ có 300 máy thở thôi! Do vậy, cách tốt nhất là chúng ta phải phòng ngừa dịch bệnh và thành bại do sự tham gia của người dân”, ông Chung nói thêm.
Ngoài thực hiện cách ly xã hội trong thành phố, Hà Nội lập 30 chốt tại các cửa ngõ, trực 24/24h và bắt đầu từ 18h ngày 1/4 cho đến hết ngày 15/4 hoặc khi có lệnh điều động mới, để kiểm soát y tế đối với người ra vào thành phố.
Cụ thể, tại hướng từ Hà Nam theo quốc lộ1A, 1B về Hà Nội, liên ngành thành lập 3 chốt, gồm: chốt tại Ngã ba Cầu Giẽ, chốt tại trạm soát vé Liêm Tuyền (trên cao tốc Pháp Vân – Ninh Bình), chốt quốc lộ 21B – ngã ba chợ Dầu.
Hướng từ các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh theo tuyến quốc lộ 5, cao tốc Hà Nội – Lạng Sơn về Hà Nội lập 7 chốt, trong đó có các chốt: quốc lộ 5 – lối rẽ nhà máy Vinamilk, cầu Phủ Đổng, gầm cầu Thanh Trì – hướng đi Ecopark, quốc lộ 18 – lối xuống đường Võ Nguyên Giáp…
Từ Hòa Bình về Hà Nội lập 3 chốt tại ngã 3 Xuân Mai, chốt kiểm dịch Chương Mỹ và chốt tại đường Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam – cao tốc Hà Nội – Hòa Bình.
Các hướng từ các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên về Hà Nội cũng bố trí các chốt tương tự ở cầu Thăng Long, cầu Long Biên, cầu Chương Dương.
Nguyễn Quân/TrithucVN Tin trong nước , Y tế
No comments:
Post a Comment