Chiều nay (8/4), tại trụ sở Thanh tra Chính phủ đã diễn ra buổi công bố quyết định thanh tra dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, đây là dự án gắn với vụ án đại án kinh tế – tham nhũng khiến cựu Chủ tịch PVN Đinh La Thăng bị tuyên phạt 13 năm tù giam.
Ông Đinh La Thăng đang thụ án, nay tiếp tục bị đề nghị truy tố tội mới
Tại quyết định thanh tra số 222/QĐ-TTCP do Phó tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) ký ban hành, TTCP cũng sẽ tiến hành thanh tra việc chuyển nhượng khu đất “vàng” tại số 69 Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Tạm ứng sai hơn nghìn tỷ đồng tại dự án Nhiệt điện Thái Bình 2
Vẫn theo quyết định thanh tra, tại dự án nhiệt điện Thái Bình 2, đoàn thanh tra sẽ tập trung làm rõ việc bổ sung dự án vào danh mục các dự án nguồn điện cấp bách để thực hiện theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ tại thời điểm 2013; việc quyết định chủ trương và phê duyệt đầu tư; việc điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư và điều chỉnh giá trị hợp đồng EPC. Dự kiến thời gian thanh tra sẽ kéo dài trong vòng 15 ngày kể từ ngày công bố quyết định thanh tra.
Toàn cảnh Nhiệt điện Thái Bình 2
Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 có tổng mức đầu tư hơn 34.295 tỷ đồng (tương đương 1,7 tỷ USD), công suất thiết kế 1.200 MW, do PVN làm chủ đầu tư. Theo kế hoạch ban đầu, nhà máy sẽ vận hành tổ máy số 1 vào năm 2017 và tổ máy 2 vào 2018. Tuy nhiên đến nay, 2 tổ máy vẫn chưa thể hoàn thành. Mặt khác, trong quá trình triển khai, dự án này đã 2 lần điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư, đến nay đã lên trên 42.000 tỷ đồng.
Mặc dù mới có chủ trương giao PVC thực hiện gói thầu EPC của dự án, chưa ký hợp đồng EPC nhưng PVN đã làm thủ tục chuyển hàng triệu USD và hơn 1.317 tỷ đồng cho Ban quản lý dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, qua đó cho PVC tạm ứng 6,6 triệu USD và 1.312 tỷ đồng, gây thiệt hại cho nhà nước tính đến thời điểm hợp đồng EPC có hiệu lực (ngày 11/10/2011) là hơn 51,7 tỷ đồng và hơn 66.000 USD tiền lãi.
Sau khi nhận được khoản tiền tạm ứng từ Ban quản lý dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, PVC đã sử dụng không đúng mục đích như: trả nợ ngân hàng, góp vốn vào 5 công ty con. Đến nay, có 3 công ty kinh doanh thua lỗ, không thu hồi được vốn, PVC đã phải trích lập dự phòng và hạch toán kinh doanh thua lỗ.
Liên quan những sai phạm tại dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, ngày 14/5/2018, TAND cấp cao tại Hà Nội đã tuyên bản án phúc thẩm “y án” đối với các bị cáo trong vụ án kinh tế – tham nhũng xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng Cty CP xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), trong đó bị cáo Đinh La Thăng – nguyên Chủ tịch HĐTV PVN phải chịu mức án 13 năm tù về tội “Cố ý làm trái…”; Trịnh Xuân Thanh – nguyên Chủ tịch HĐQT PVC án chung thân về các tội “Cố ý làm trái…” và “Tham ô tài sản”.
Theo cơ quan tố tụng xác định, PVN được giao thực hiện Dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2. Năm 2011, dù biết PVC không đủ năng lực tài chính, kinh nghiệm để xây dựng nhưng bị cáo Đinh La Thăng – nguyên Chủ tịch HĐTV PVN và các đồng phạm đã chỉ định PVC là tổng thầu duy nhất thực hiện EPC (thiết kế – cung cấp – thi công) dự án.
Tiếp đến, bị cáo Thăng chỉ đạo cấp dưới tạm ứng sai quy định cho PVC số tiền hơn 6,6 triệu USD và 1.312 tỷ đồng. Việc này tạo điều kiện cho Trịnh Xuân Thanh – nguyên Chủ tịch HĐQT PVC và cấp dưới chi sai mục đích, gây thiệt hại hơn 119 tỷ đồng cho Nhà nước. Ngoài ra, Trịnh Xuân Thanh còn chỉ đạo cấp dưới lập 4 hồ sơ khống, rút hơn 13 tỷ đồng từ Ban điều hành dự án Vũng Áng – Quảng Trạch (thuộc PVC) để chi tiêu, chiếm đoạt.
Cũng theo tòa sơ thẩm, ngoài tiền mặt, vụ án còn gây ra tổn thất khác gồm hàng loạt cán bộ, chuyên gia của PVN đã vi phạm pháp luật, vướng vào vòng lao lý – đây là tổn thất đặc biệt lớn. Tiếp đến, vụ án khiến Dự án Thái Bình 2 chậm tiến độ 18 tháng, làm đội vốn công trình, lãi phát sinh; máy móc, thiết bị đắp chiếu đã hết thời hạn bảo hành khi chưa hoạt động… Tòa sơ thẩm kiến nghị cơ quan chức năng làm rõ vấn đề này.
Bán đất “vàng” giá gần 100 tỷ đồng
Lô đất “vàng” tại mặt phố Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội đã được PVC chuyển nhượng cho Cty Khoáng sản Hợp Thành từ năm 2009 . Ảnh Dương Lê
Còn khu đất “vàng” tại địa chỉ 69 Nguyễn Du, Hai Bà Trưng, Hà Nội cũng đã từng được TTCP đề cập trong kết luận thanh tra PVN. Theo đó lô đất gần 570m2 tại 69 Nguyễn Du trước đây là biệt thự, năm 2008 Thủ tướng Chính phủ cho phép UBND TP Hà Nội bán chỉ định để xây dựng trụ sở làm việc.
Sau đó, UBND TP Hà Nội đã thu hồi và bán chỉ định cho PVC cải tạo làm trụ sở trong thời hạn 50 năm, không được phép chuyển nhượng hoặc chuyển mục đích nếu không được TP Hà Nội cho phép.
Sau 11 năm, dự án tòa nhà văn phòng tại số 69 Nguyễn Du vẫn là bãi đất trống. Ảnh Dương Lê
Sau đó, PVC đã lập dự án với tên gọi “Toà nhà văn phòng 69 Nguyễn Du” có quy mô 8 tầng, tổng diện tích sàn (cả tầng hầm) là 4.361,5 m2, tổng vốn đầu tư của dự án là 130 tỷ đồng, trong đó 45% vốn tự có, còn lại vay tín dụng thương mại và dự kiến khởi công đầu năm 2009.
Tuy nhiên đến cuối năm 2009, PVC đã ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng căn biệt thự này cho CTCP Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành với giá gần 96 tỷ đồng.
Dương Lê/TP Kinh tế , Pháp luật , Tin trong nước
No comments:
Post a Comment