Thế giới ghi nhận hơn 125.000 người chết trong gần 2 triệu ca nhiễm nCoV, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp tại Mỹ và châu Âu.
Thống kê của Đại học Johns Hopkins cho thấy thế giới ghi nhận 1.970.879 ca nhiễm và 125.678 ca tử vong do nCoV tại 210 quốc gia và vùng lãnh thổ. Số người bình phục tăng thêm 29.162, lên 472.948 người.
Mỹ vẫn là vùng dịch lớn nhất thế giới với 602.989 ca nhiễm và 25.575 ca tử vong, tăng lần lượt 21.310 và 1.957 ca.
Nhân viên y tế khử trùng cáng cứu thương tại bệnh viện Brookdale ở Brooklyn, New York, ngày 13/4. Ảnh: AFP.
Tại New York, Thống đốc Andrew Cuomo tuyên bố “điều tồi tệ nhất đã kết thúc” bởi số ca tử vong, nhiễm mới và ca nguy kịch đều giảm, song ông cho biết sẽ không tuân theo nếu Tổng thống Donald Trump yêu cầu nới lỏng những hạn chế nhằm ngăn chặn Covid-19 tại bang này.
Trump trước đó khẳng định ông có “thẩm quyền tối cao” để quyết định khi nào các bang cần cho doanh nghiệp mở cửa trở lại, chứ không phải chính quyền địa phương. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng phát ngôn của ông chủ Nhà Trắng không có cơ sở pháp lý.
Tây Ban Nha ghi nhận thêm 2.442 ca nhiễm và 300 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 172.541 và 18.056, là vùng dịch lớn nhất châu Âu và thứ hai thế giới.
Chính phủ Tây Ban Nha đã cho phép một số doanh nghiệp sản xuất và xây dựng hoạt động trở lại. Nhưng phần lớn dân cư vẫn được yêu cầu không ra khỏi nhà, các cửa hàng không thiết yếu và nơi công cộng sẽ tiếp tục đóng cửa đến 26/4. Thủ tướng Pedro Sanchez cho hay những biện pháp tiếp theo sẽ được đưa ra tùy thuộc vào tình hình đối phó Covid-19.
Quyết định nới lỏng các biện pháp hạn chế của Tây Ban Nha gây ra lo ngại và vấp phải một số chỉ trích. Người đứng đầu vùng tự trị Catalonia Quim Torra nói cho phép người lao động quay lại làm việc là “vô trách nhiệm và liều lĩnh”.
Italy báo cáo thêm 602 ca tử vong, nâng số ca tử vong lên 21.067 và là nước thứ hai trên thế giới, sau Mỹ, ghi nhận ca tử vong vượt 20.000 Ca nhiễm tại Italy hiện là 162.488 sau khi báo cáo thêm 2.972 ca.
Italy tuần trước gia hạn phong tỏa toàn quốc đến ngày 3/5. Quyết định được các bác sĩ ủng hộ nhưng bị nhiều doanh nghiệp phản đối. Italy hôm qua thí điểm mở lại một số hiệu sách và tiệm giặt ủi nhằm kiểm tra hiệu quả của biện pháp cách biệt cộng đồng.
Pháp báo cáo thêm 6.524 ca nhiễm và 762 ca tử vong, nâng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 143.303 và 15.729.
Giới chức y tế nhận định dù Pháp tiếp tục bị Covid-19 ảnh hưởng nặng nề, các biện pháp ứng phó dịch, bao gồm những quy định cách biệt cộng đồng quyết liệt, đang dần phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, Bộ Y tế Pháp đề nghị tiếp tục nâng cao cảnh giác với Covid-19 khi các bệnh viện đang phải điều trị cho số lượng lớn bệnh nhân. “Chúng ta không được nới lỏng những nỗ lực của mình và phải tiếp tục giảm sự tiếp xúc hàng ngày để hạn chế virus lây lan”, Bộ này nhấn mạnh.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 12/4 thông báo gia hạn lệnh phong tỏa toàn quốc thêm một tháng để ngăn đại dịch, tới hết 11/5. Sau khi lệnh phong tỏa hết thời hạn, các trường học và doanh nghiệp sẽ dần được mở cửa trở lại.
Số ca nhiễm và tử vong ở Đức hiện là 131.359 và 3.294 sau khi ghi nhận thêm lần lượt 1.287 và 100 ca. Đức đang hướng tới việc dỡ bỏ dần những hạn chế liên quan đến Covid-19 khi ca nhiễm mới giảm và ca tử vong thấp hơn nhiều so với các nước láng giềng châu Âu.
Thủ tướng Đức Angela Merkel và người đứng đầu 16 khu vực hôm nay sẽ quyết định liệu có gia hạn các hạn chế, dự kiến kết thúc ngày 18/4, hay không. Bộ trưởng Y tế Jens Spahn cuối tuần trước đưa ra biện pháp nới lỏng theo giai đoạn, song không nêu rõ những lĩnh vực nào trong nền kinh tế có thể được nới dần hạn chế.
Anh ghi nhận thêm 778 người chết do nCoV trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca tử vong toàn quốc lên 12.107 trong 93.873 ca nhiễm.
Theo số liệu do chính phủ Anh công bố hôm 13/4, gần 17.000 nhân viên y tế chủ chốt cùng gia đình họ đã được làm xét nghiệm nCoV, trong đó hơn 5.700 người được xác nhận dương tính với virus.
Chính phủ Anh đang chịu áp lực phải tăng cường tiến hành xét nghiệm cho nhân viên Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) cùng gia đình họ, trong bối cảnh các y bác sĩ đang thiếu thốn thiết bị bảo hộ cá nhân phù hợp.
Trung Quốc và Hàn Quốc chưa báo cáo số liệu mới.
Tại Đông Nam Á, Philippines thay Malaysia trở thành vùng dịch lớn nhất khu vực với 5.223 ca nhiễm và 335 ca tử vong. Malaysia ghi nhận 4.987 ca nhiễm và 82 ca tử vong.
Chính quyền Philippines bị chỉ trích vì chậm triển khai xét nghiệm, nhưng từ đầu tháng 4, họ đã khắc phục bằng cách tăng cường kit xét nghiệm và công suất phòng thí nghiệm. Tổng thống Rodrigo Duterte hồi đầu tuần thông qua ngân sách mua 900.000 kit, gấp nhiều lần so với 100.000 bộ đã được sử dụng.
Indonesia xếp thứ ba với 4.839 ca nhiễm và 459 ca tử vong, là quốc gia có tỷ lệ tử vong do nCoV cao thứ hai châu Á, chỉ sau Trung Quốc.
Indonesia đối mặt với tình trạng nguy hiểm khi các chuyên gia y tế cảnh báo kịch bản tồi tệ nhất có thể lên tới 1,6 triệu ca nhiễm. Các phòng chăm sóc tích cực đang quá tải dù chính quyền đưa ra những biện pháp ngăn chặn dịch mạnh mẽ hơn.
Singapore xếp thứ tư với 3.252 ca nhiễm và 10 ca tử vong. Giới chức y tế nhận định lượng lớn công dân về nước giữa tháng ba làm tăng đáng kể ca ngoại nhập, song giảm dần sau khoảng một tháng. Số ca nội địa tăng lên sau làn sóng ca ngoại nhập và có chiều hướng được kiểm soát trong những ngày gần đây nhờ các biện pháp cách biệt cộng đồng được áp dụng từ tuần trước.
(Theo Reuters, AFP, CNN)/Canhco Tin quốc tế , Y tế
No comments:
Post a Comment