Nhiều cây xăng ở Hà Nội, Hải Phòng và nhiều tỉnh thành khác đồng loạt treo biển hết xăng. Thực tế có tình trạng khan hiếm hàng hóa bán cho đại lý xăng dầu và thị trường đang trong cảnh “mua tranh bán cướp”.
Anh Nguyễn Văn Khanh (Linh Đàm, Hà Nội) phản ánh khi anh đi đổ xăng ở một cây xăng thuộc phường Đại Kim thì được nhân viên báo rằng hết xăng RON 95.
Nhiều cây xăng khác trên địa bàn Hà Nội như khu vực đường Lê Trọng Tấn, Thanh Oai cũng báo hết xăng khiến nhiều khách hàng thấy khó hiểu.
Trong tối ngày 26/5 Giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh vận tải lớn ở Hải Phòng cũng hết sức ngỡ ngàng khi nhiều cây xăng ở Hải Phòng “không có xăng mà bán”. Đây là điều khiến ông cảm thấy vô cùng ngạc nhiên vì rất hiếm khi xảy ra tình trạng này.
Nhiều cây xăng trong tình trạng nguồn cung hạn chế. Ảnh minh họa
Báo chí cũng phản ánh nhiều cây xăng ở Đắc Lắk đồng loạt đóng cửa do hết xăng dầu.
Theo tìm hiểu của phóng viên, ngay sau kỳ tăng giá ngày 13/5, nguồn cung xăng dầu trên thị trường bắt đầu trở nên khan hiếm. các doanh nghiệp đầu mối bắt đầu giảm chóng mặt mức chiết khấu cho đại lý, trong khi hầu hết doanh nghiệp muốn mua hàng để dự trữ.
“Khi giá có chiều hướng tăng trở lại, các đầu mối có hiện tượng bắt đáy đầu cơ”, lãnh đạo một doanh nghiệp xăng dầu lớn cho biết.
Trong bối cảnh đó, các nhà máy lọc đầu cũng không dồn dập bán hàng ra thị trường mà chỉ bán với số lượng đúng theo hợp đồng để đợi giá lên. Bởi thời gian qua, các nhà máy lọc dầu lỗ nặng do phải mua dầu thô với giá 60-70 USD/thùng từ tháng 12 năm trước. Cho nên giờ đây, khi giá xăng dầu hồi phục, các nhà máy lọc dầu sẽ có tâm lý bán hàng từ từ để dành khi giá lên.Còn các doanh nghiệp đầu mối tăng cường mua vào vì doanh nghiệp nào cũng có nhu cầu tích trữ. Điều này là lý do khiến xăng dầu trên thị trường trở nên khan hiếm.
Việc các cây xăng, đại lý đồng loạt treo biển hết xăng được một doanh nghiệp đầu mối thừa nhận rằng “Các cây xăng, đại lý mua xăng rất khó”. Doanh nghiệp đầu mối mua của nhà máy lọc dầu, nhưng nhà máy chỉ bán ra với số lượng theo đúng kế hoạch, còn muốn mua thêm cũng không có.Do đó, doanh nghiệp đầu mối chỉ mua được lượng hàng hạn ché, cộng thêm việc găm hàng nên xăng dầu càng khan hiếm.
Vì chịu lỗ nặng trong thời gian giá xăng dầu lao dốc, nhu cầu xuống thấp nên có tình trạng “găm hàng chờ tăng giá để bù cho khoản lỗ”.
Thời gian qua, xăng dầu trải qua thời kỳ biến động chưa từng có. Giá dầu thô từ mức 68 USD/thùng vào đầu tháng 2 đã nhanh chóng giảm xuống còn 18-20 USD/thùng. Giá xăng bán lẻ trong nước từ 21.000 đồng xuống còn hơn 10.000 đồng/lít. Tình thế này khiến có thời điểm nhiều doanh nghiệp đầu mối phải chiết khấu cho tổng đại lý và đại lý tới 5.800 đồng/lít để đẩy hàng tồn.
Tuy nhiên sau kỳ tăng giá ngày 13/5, cùng với sự hồi phục của giá xăng dầu thế giới, mức chiết khấu cho các tổng đại lý và đại lý đã giảm sốc, chỉ còn 200 đồng-300 đồng/lít. Thậm chí, càng sát kỳ điều hành giá xăng dầu, nhiều doanh nghiệp bán lẻ sẵn sàng nhận chiết khấu 50 đồng, hoặc 0 đồng miễn sao mua được hàng.
Theo lãnh đạo doanh nghiệp xăng dầu đầu mối, các thương nhân bán lẻ chấp nhận chiết khấu 0 đồng vì mua xong họ không bán ngay, mặt khác găm hàng chờ tăng giá. “Nếu cơ quan điều hành chỉ cần tăng giá 500 đồng 1 lần, họ đợi tăng giá đến 1.000 đồng/lít hoặc 2.000 đồng/lít thì doanh nghiệp lời khủng khiếp”, vị này tiết lộ.
“Giá dựng đứng lên hay cắm đầu xuống thường khiến thị trường xảy ra chuyện mua tranh bán cướp”, vị này chia sẻ.
Theo VietNamnet Kinh tế , Tin trong nước
No comments:
Post a Comment