Ông Lưu Bình Nhưỡng – Đại biểu Quốc hội khóa XIV vừa có văn bản kiến nghị gửi tới Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và nhiều cơ quan, ban ngành…về vụ án Hồ Duy Hải. Phóng viên Báo Bảo vệ pháp luật đã có cuộc trao đổi với ông Lưu Bình Nhưỡng xung quanh những "vấn đề" của vụ án này.
Trao đổi với PV Báo Bảo vệ pháp luật, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Lưu Bình Nhưỡng cho biết: Tôi kiến nghị vì muốn có một nền tư pháp trong sạch, vững mạnh. Chúng ta đã có Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp, trong đó mục tiêu là xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh để bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Đây là mục tiêu cao nhất của một nền tư pháp. Mặt khác, nền tư pháp phải được hiểu là hộ pháp của một nền kinh tế, xã hội, không có tư pháp thì không thể nói tới sự phồn thịnh và phát triển. Quyền lực tư pháp được coi như “gác cửa” của công lý. Nếu không có cánh cửa tư pháp thực sự vững chắc, người gác cửa đó nếu không đủ bản lĩnh thì nhiều người có thể bị oan trái. Cả xã hội không thể chấp nhận điều này.
Tâm tôi trong sáng khi viết kiến nghị. Tôi nhìn nhận vấn đề bằng kiến thức pháp luật được đào tạo, bằng những kinh nghiệm từng đi bào chữa, bằng trải nghiệm tôi thu lượm được từ việc giảng dạy pháp luật và bây giờ với tư cách là một đại biểu dân cử, tôi phải làm sao cùng với người dân đấu tranh hướng tới lẽ phải, để xây dựng một nền tư pháp đúng như mục tiêu mà Bộ Chính trị đã đặt ra trong Nghị quyết số 49-NQ/TƯ ngày 2/6/2005 về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng.
PV: Ông đánh giá như thế nào về phán quyết của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao trong phiên giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải?
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng: Tôi và những người đồng nghiệp đã trao đổi rất nhiều về những điều diễn ra trong toàn bộ quá trình của vụ án Hồ Duy Hải từ khi tôi còn làm ở Văn phòng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương. Tôi đã nghiên cứu hồ sơ về vụ án Hồ Duy Hải từ lúc đó, không phải như lời ông Phó Chánh án TAND tối cao cho rằng, tôi không hiểu gì về nội dung vụ án này. Tôi đã chuyển hồ sơ này sang Văn phòng Chủ tịch nước, tôi cũng là người trao đổi với các đồng chí ở Văn phòng Chủ tịch nước để tham mưu Chủ tịch nước hoãn án tử hình Hồ Duy Hải.
Vụ án này từ ngày đó cho đến nay vẫn chưa có gì thay đổi và tôi theo dõi sát diễn biến phiên tòa, nghe từng câu hỏi câu đáp, với cung cách phiên tòa diễn ra, tôi thấy lo ngại. Với một phán quyết hơn 22 trang, trong đó có 20 trang nội dung về vụ án Hồ Duy Hải, tôi thấy có dường như phán quyết này được viết ra theo ý định từ trước? Làm sao có thể viết nhanh một bản án dài 22 trang như thế. Tôi từng đi giảng bài với các Chánh án TAND tối cao của Austrailia cho các vị thẩm phán của Việt Nam, họ tâm sự rằng, với một bản án, thông thường họ phải mất hàng tháng để viết. Tôi cho rằng, phải coi những bản án của TAND tối cao là những áng văn lừng danh, phải là một mẫu án của quốc gia, chứ không phải một bản án về Hồ Duy Hải được viết ra rất bình thường và không phù hợp. Tôi cho rằng, trong vụ án này, nếu chúng ta rút được kinh nghiệm thì nó sẽ góp phần vào cái chung.
Vị thẩm phán cho rằng chúng tôi nêu ý kiến về phán quyết của TAND tối cao về vụ án Hồ Duy là nguy hiểm và ảnh hưởng tới xã hội. Tôi xin khẳng định lại, chính bản án giám đốc thẩm ấy là “ngòi nổ” của bức xúc xã hội hiện nay. Xã hội bức xúc về bản án đó chứ không phải vì chúng tôi nêu ra vấn đề. Tôi chỉ nêu ra ý kiến của cử tri. Tôi được Hiến pháp trao cho trách nhiệm phải cất lên tiếng nói của cử tri và nhân dân. Cử tri gửi gắm quan điểm, tôi phải nêu ý kiến.
Tôi nêu ý kiến thì các cơ quan có trách nhiệm phải trả lời tôi, chứ không phải tôi phải biện luận cho họ thấy là tôi đang nói đúng. Tôi không phải là bị cáo, là bị can. Nếu nói như ông Phó Chánh án TAND tối cao thì chúng tôi là những người đang đi gây rối, khi không đồng tình với quan điểm của họ. Tôi chỉ bảo vệ công lý, bảo vệ uy tín của Đảng và Nhà nước.
Giám đốc thẩm vụ Hồ Duy Hải. Ảnh TTXVN
Không thể làm án kiểu “giết nhầm còn hơn bỏ sót”
PV: Trong nội dung kiến nghị của ông gửi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, ông cho rằng, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao đã tự cho mình áp đặt thêm quyền năng thứ 7 đứng trên luật pháp khi phán quyết về việc kháng nghị của VKSND tối cao không đúng pháp luật. Ông có thể nói rõ hơn về điều này?
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng: Theo Điều 388 của Bộ luật Tố tụng Hình sự thì Hội đồng xét xử giám đốc thẩm có 6 quyền năng. Với việc Hội đồng giám đốc thẩm của TAND tối cao biểu quyết 17/17 bác kháng nghị của Viện trưởng VKSND tối cao thì họ đã đặt ra một quyền năng thứ 7 cho hội đồng, và điều này chưa từng có tiền lệ trên thế giới. Bởi vì, trên thế giới không có Tòa án nào cho rằng kháng nghị của VKS trái pháp luật, người ta chỉ khẳng định hành vi trái pháp luật. Mà đã là hành vi trái pháp luật thì phải có quy định về trái pháp luật. Một cơ quan nắm quyền tư pháp mà làm như thế, tôi cho rằng rất nguy hiểm về mặt thể chế chính trị.
PV: Nếu ông là một trong 17 vị thẩm phán của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao trong phiên giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải, ông có giơ tay khi biểu quyết?
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng: Tôi không giơ tay nhưng tôi nghĩ những người còn lại sẽ vẫn giơ tay, bởi vì, ông Chánh án TAND là thủ trưởng của họ. Công lý là tuyệt đối, chính vì thế càng tiệm cận với điều đó càng tốt. Chúng ta có thể không tìm ra một thứ công lý tuyệt đối nhưng phải tiệm cận, với việc này cho thấy dường như nó vẫn đang lảng vảng ở đâu đó, chứ chưa tiệm cận được với “lâu đài” công lý.
PV: Trong nhiều trường hợp, vấn đề còn nằm ở chỗ người ta có muốn đến với “lâu đài” công lý hay chỉ muốn lảng vảng đâu đó, thưa ông?
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng: Việc người ta có muốn đến “lâu đài” công lý hay không hoặc cố tình đạp đổ lâu đài công lý lại là câu chuyện khác. Nói chung, trong một số trường hợp, một số người muốn đạp đổ "lâu đài" công lý, họ dựng hiện trường giả, ngụy tạo chứng cứ, vứt cái nọ, bỏ cái kia, người không phạm tội bị xét xử, người phạm tội lại không bị xử, như vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén. Có người cho rằng, nhắc tới những vụ án oan này nhiều quá, nhưng đây là những điển hình tư pháp ở Việt Nam, không thể không nói đến. Bởi vì, nỗi đau đó, nỗi oan đó, những sai phạm ấy có thể khắc mười lần vào bia đá. Bia đá còn mòn, bia miệng vẫn còn trơ trơ, người đời vẫn cứ nhắc đến.
Đại diện VKSND tối cao nhấn mạnh về những mâu thuẫn trong việc thu giữ dấu vân tay tại hiện trường vụ án.
PV: Bộ luật tố tụng hình sự đã có quy định về nguyên tắc suy đoán vô tội, ông có thể phân tích sâu hơn về nguyên tắc này trong vụ án Hồ Duy Hải?
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng: Nguyên tắc suy đoán vô tội và nguyên tắc tranh tụng là 2 nguyên tắc vô cùng quan trọng trong tố tụng hình sự. Bởi vì, trong trường hợp chúng ta không đủ bằng chứng để kết tội thì phải công nhận về mặt pháp lý là người đó không phạm tội và điều đó không có nghĩa là bỏ lọt tội phạm. Ở đây không thể sử dụng quan điểm “giết nhầm hơn bỏ sót”. Tư pháp được giao quyền lớn thì phải đi liền với trách nhiệm lớn. Nếu có quyền thì có thể bắt, bỏ tù, tử hình bất kỳ ai, sau đó lấy tiền của nhà nước bồi thường sao? Vậy thì vừa mất người vừa mất của, Nhà nước “mất cả chì lẫn chài”, chỉ vì hành vi độc đoán, chuyên quyền, vô thiên, vô pháp của một số cán bộ.
Trong trường hợp Hồ Duy Hải, suy đoán vô tội ở đây nghĩa là không đủ chứng cứ thì phải suy đoán vô tội. Một nhà báo đã viết, họ vào tận hiện trường để thực nghiệm vụ án, họ chứng minh Hồ Duy Hải không đủ thời gian để thực hiện tội ác, và họ chứng minh đến từng giây. Nếu cơ quan tố tụng thận trọng, tiến hành thực hiện thực nghiệm lại hiện trường vụ án ở Bưu điện Cầu Voi bảo đảm tính khách quan, có căn cứ để xem xét trước khi phán quyết thì sẽ tốt hơn là ngồi nghĩ. Nếu ngồi nghĩ bằng hồ sơ thì phải theo hướng suy đoán vô tội, chứ không phải theo hướng buộc tội.
Dư luận không đồng tình với phán quyết của TAND tối cao
Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao Bùi Ngọc Hòa đọc lại toàn bộ bản án. (Ảnh: TTXVN)
PV: VKSND tối cao cho rằng vụ án Hồ Duy Hải có những sai lầm nghiêm trọng về tố tụng và đề nghị hủy án, điều tra lại. Tuy nhiên, phía Hội đồng thẩm phán đặt câu hỏi: Điều tra lại có khắc phục được không? Ông nghĩ gì về chi tiết này?
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng: Tôi đồng tình với ý từ phía VKSND tối cao trả lời trong phiên giám đốc thẩm rằng: Điều tra lại có khắc phục được không, không phải là việc của VKSND tối cao. Nhưng tôi muốn bổ sung thêm: Việc điều tra, được hay không được hoàn toàn khác với việc không đủ yếu tố buộc tội nên bắt buộc phải điều tra. Có nghĩa rằng, bắt buộc phải điều tra lại, còn không điều tra được thì buộc phải chấp nhận. Chứ không thể cho rằng, cho điều tra lại nhưng không điều tra được thì phải buộc tội.
Vụ án Hồ Duy Hải có nhiều vấn đề phải điều tra lại, như: thời gian, vân tay, chưa xác định lời kể của các nhân chứng quan trọng: Xác định Hồ Duy Hải nhận tội trong khi trên thực tế Hồ Duy Hải liên tục kêu oan; khuất tất trong việc loại trừ hai nghi can Nguyễn Văn Nghị và Nguyễn Mi Sol; báo chí đưa thông tin về một số cá nhân liên quan đến vụ án “chết bất thường"...
Viện kiểm sát giữ quyền công tố, mà công tố không có nghĩa chỉ đi buộc tội. Có người nói, tại sao Chủ tịch nước đã bác đơn xin ân giảm của Hồ Duy Hải mà VKSND tối cao vẫn ra kháng nghị? Nhưng quyền kháng nghị của Viện kiểm sát là quyền theo luật. Chưa có quy định nào là không được phép kháng nghị khi đã có ý kiến của Chủ tịch nước.
Về mặt nguyên tắc, để bảo vệ một người, để minh oan cho một người thì không có điều gì ngăn cản. 100 năm sau hoặc hơn thế vẫn có thể giải oan, không có thời hạn, thời hiệu. Tại sao Hồ Duy Hải đang sống mà lại bảo VKSND tối cao không có quyền kháng nghị, đó là tư duy sai khoa học.
PV: Ông cảm nhận thế nào về dư luận sau phán quyết của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao về vụ án Hồ Duy Hải?
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng: Dư luận có nhiều luồng khác nhau, nhưng theo tôi cảm nhận thì đa số không đồng tình với phán quyết của TAND tối cao. Và, nhiều người muốn TAND tối cao nên theo hướng đề xuất trong kháng nghị của Viện trưởng VKSND tối cao là phải trả hồ sơ điều tra lại từ đầu. Bởi vì, có sai lầm trong tố tụng điều tra thì phải khắc phục bằng chính cái đó, chứ không phải khắc phục bằng ngồi ở Tòa án phán quyết rằng sai lầm đó không ảnh hưởng tới bản chất vụ án./.
VKSND tối cao đề nghị 6 việc phải làm khi điều tra lại, nhằm tránh oan, sai, bỏ lọt tội phạm
Tham gia phiên tòa giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải, đại diện VKSND tối cao cho biết, căn cứ để Viện trưởng VKSND tối cao quyết định kháng nghị bản án là bởi trong hai bản án còn nhiều mâu thuẫn chưa được làm rõ: Thời gian xuất hiện của Hồ Duy Hải tại bưu điện Cầu Voi; Khám nghiệm tử thi chưa làm rõ thời gian tử vong của nạn nhân; Về những vật chứng, dao, thớt, ghế được mua về để thay thế là không đúng quy định của pháp luật. Đặc biệt, việc tài liệu tố tụng đưa ra ba con dao không nhất quán về mặt kích thước, thì không thể khẳng định con dao nào là công cụ gây án. Nhận định về mẫu than tro của việc đốt quần áo và dây lưng của Hải còn mơ hồ. Bên cạnh đó, quá trình tố tụng cũng chưa làm rõ việc bưu điện Cầu Voi hôm xảy ra án mạng có bị mất nước hay không; cũng như chưa làm rõ được việc bán tài sản mà Hải lấy của nạn nhân, mới chỉ dựa vào lời khai của Hải.
Cũng theo đại diện VKSND tối cao, có nhiều tình tiết phải chứng minh theo quy định của pháp luật nhưng không được làm rõ: Việc lấy dấu vân tay ở hiện trường phải truy nguyên nhưng chưa được làm rõ, chưa lí giải được vì sao lại có nhiều mẫu dấu vân tay của nhiều người ở hiện trường nhưng lại không có dấu vân tay của Hồ Duy Hải. Cơ quan điều tra chưa làm rõ được cơ chế hình thành vết thương ở trên vùng mặt và đầu của nạn nhân, hai vết thương trên cổ của nạn nhân giống nhau cả về độ sâu và chiều dài của vết cắt. Đồng thời, theo lời khai của nhân chứng thì khu vực bếp ăn có 2 con dao nhưng không được thu giữ, không có trong bản ảnh...
Đại diện VKSND tối cao cũng nhấn mạnh, trong phiên giám đốc thẩm, Chủ tọa và Điều tra viên đều thừa nhận có nhiều vi phạm về tố tụng, như: Vi phạm việc khám nghiệm hiện trường không thu giữ vật chứng; Không truy nguyên dấu vân tay; Không trưng cầu thời điểm chết của nạn nhân; Không đưa biên bản, lời khai không nhận tội của bị cáo vào hồ sơ; các lời khai nhân chứng Đinh Vũ Thường, Nguyễn Văn Nghị, Phùng Phụng Hiếu, Nguyễn Mi Sol. Một số biên bản nhận dạng không có người chứng kiến. Một số biên bản lời khai, hỏi cung của bị cáo không có ký xác nhận; Ghi nhận sai mã số ghế.
Đại diện Viện Kiểm sát đề nghị có 6 việc phải làm khi điều tra lại. Đó là thực nghiệm lại điều tra hiện trường; xác định dấu vân tay là của ai và các đối tượng tình nghi; trưng cầu giám định thời điểm nạn nhân chết; làm rõ cơ chế gây thương tích; xác định rõ hơn động cơ, mục đích gây án; bổ sung vào hồ sơ vụ án những tài liệu, chứng cứ đang có trong hồ sơ nghiệp vụ của cơ quan điều tra.
VKSND tối cao khẳng định có đủ căn cứ và thấy cần thiết kháng nghị 2 bản án sơ thẩm, phúc thẩm, để làm rõ mâu thuẫn, thiếu sót trong tố tụng. Những vấn đề trên cần phải khắc phục để bảo đảm việc giải quyết vụ án khách quan, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội và không bỏ lọt tội phạm./.Theo BVPL Chính trị , Pháp luật , Tin trong nước
No comments:
Post a Comment