Ngày 18-5, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh Đặng Huy Hậu đã ký quyết định về việc công nhận Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thắng là hiệu trưởng Trường ĐH Hạ Long.
Trường ĐH Hạ Long – Ảnh: TIẾN THẮNG
Ông Nguyễn Văn Thắng sẽ kiêm nhiệm giữ chức vụ hiệu trưởng Trường ĐH Hạ Long nhiệm kỳ 2020-2025. Theo đó, ông Nguyễn Văn Thắng thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và được hưởng các chế độ chính sách theo quy định của pháp luật hiện hành.
Tỉnh nói đúng quy định
Trường ĐH Hạ Long được thành lập ngày 13-4-2014 theo quyết định số 1869/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Hiệu trưởng đầu tiên của ngôi trường này là bà Vũ Thị Thu Thủy – phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đặng Huy Hậu – phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh – cho biết việc UBND tỉnh có quyết định công nhận ông Nguyễn Văn Thắng kiêm nhiệm thêm chức vụ hiệu trưởng Trường ĐH Hạ Long (trường trực thuộc tỉnh) là đúng quy định.
Theo ông Hậu, từ cơ sở đề nghị của hội đồng nhà trường và của giám đốc Sở Nội vụ cùng các quy định hiện hành, UBND tỉnh Quảng Ninh đã quyết định công nhận việc kiêm nhiệm chức vụ hiệu trưởng Trường ĐH Hạ Long đối với ông Nguyễn Văn Thắng – chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh.
Ông Hậu cho rằng việc chủ tịch UBND tỉnh kiêm nhiệm thêm chức vụ hiệu trưởng nói trên không làm ảnh hưởng tới các công tác điều hành khác tại tỉnh cũng như nhà trường bởi việc quản lý, điều hành trực tiếp tại nhà trường do một phó hiệu trưởng được phân công phụ trách.
“Trước đó, đồng chí Vũ Thị Thu Thủy – phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh – cũng kiêm nhiệm chức vụ hiệu trưởng Trường ĐH Hạ Long và luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao trước khi nghỉ hưu theo quy định” – ông Hậu chia sẻ.
“Buồn cười lắm”
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lại cho rằng không nên để người đang làm công tác quản lý nhà nước kiêm nhiệm chức vụ hiệu trưởng. TS Lê Viết Khuyến – Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam – cho biết: “Công việc chủ tịch UBND tỉnh hay hiệu trưởng đều đòi hỏi làm toàn thời gian, một cá nhân sao có thể làm kiêm nhiệm được? Nếu ông Nguyễn Văn Thắng làm kiêm chức vụ chủ tịch hội đồng trường (trong chừng mực nào đó) còn được. Còn theo quy định hiện nay, khi Luật giáo dục tăng quyền tự chủ cho các trường, thì hội đồng trường là tổ chức quyền lực cao nhất, có quyền bổ nhiệm và miễn nhiệm hiệu trưởng. Ông Nguyễn Văn Thắng là chủ tịch UBND tỉnh có quyền ra quyết định công nhận hiệu trưởng, giờ lại về trường làm hiệu trưởng thì hội đồng trường miễn nhiệm ông hiệu trưởng kiểu gì? Tôi thấy chuyện này buồn cười lắm”.
Còn TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT), khẳng định việc để chủ tịch UBND tỉnh kiêm nhiệm chức vụ hiệu trưởng là trái với điều 20 của Luật giáo dục đại học 2018. “Điều 20 có quy định về tiêu chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục ĐH: là người có uy tín khoa học và kinh nghiệm quản lý giáo dục ĐH. Hiệu trưởng sẽ quản lý các vấn đề liên quan đến trường ĐH, với khối lượng công việc rất lớn. Quản lý nhà nước là công việc rất khác với quản lý nhà trường ĐH. Một người làm quản lý nhà nước về giáo dục cho về làm hiệu trưởng một trường ĐH cũng chưa chắc đã làm được, nói gì đến một người làm công tác quản lý nhà nước về làm hiệu trưởng” – ông Vinh cho biết.
Trường hợp đặc thù
Trường ĐH Hạ Long do tỉnh Quảng Ninh mới thành lập nên đội ngũ cán bộ còn rất mỏng, rất cần một hiệu trưởng có uy tín để lãnh đạo nhà trường. Lãnh đạo tỉnh muốn xây dựng trường trở thành trung tâm phát triển nhân lực chất lượng cao nên mới cử lãnh đạo tỉnh về làm.
Trước đó, hiệu trưởng của trường do phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, chị Vũ Thị Thu Thủy, kiêm nhiệm. Nhờ có sự quản lý sát sao của chị Thủy mà trường mới trở thành một địa chỉ có nhiều chính sách mạnh, tốt như ngày hôm nay. Trước khi chị Thủy nghỉ hưu, Đảng ủy nhà trường đã thống nhất bầu Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thắng làm hiệu trưởng. Cán bộ cốt cán của trường đều rất vui và phấn khởi với kết quả này.
Về các tiêu chuẩn của hiệu trưởng, quan trọng nhất là học vị tiến sĩ, ông Nguyễn Văn Thắng đáp ứng đầy đủ. Chỉ có kinh nghiệm quản lý giáo dục thì thiếu. Nhưng tỉnh cũng coi đây là một trường hợp đặc thù nên có thể xem xét được. Trường cũng không lo lắng bởi vì trường còn có các phó hiệu trưởng, phòng khoa, hội đồng trường, hội đồng khoa học hỗ trợ cho hiệu trưởng.
Ông Trần Trung Vỹ (Phó hiệu trưởng Trường ĐH Hạ Long)NGỌC DIỆP – TIẾN THẮNG/TT Giáo dục , Tin trong nước , Xã hội
No comments:
Post a Comment