Các nhà nghiên cứu Mỹ đã thu thập dữ liệu vệ tinh thu trong 28 năm, cho thấy đập thủy điện Trung Quốc làm thay đổi dòng chảy tự nhiên của sông Mekong.
Đập thuỷ điện Nọa Trác Độ của Trung Quốc trên thượng nguồn sông Mekong. Ảnh: bqaz.yn.gov.cn.
“Trong năm 2019, mực nước của sông Mekong đo được ở trạm Chiang Saen thấp hơn rất nhiều so với dòng chảy tự nhiên theo ước tính”, Alan Basist, Giám đốc Công ty Eyes on the Earth (EOE), đồng tác giả báo cáo “Giám sát khối lượng nước chảy qua thượng lưu Mekong”, nói trong họp báo trực tuyến ngày 7/5. Sự kiện do Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam tổ chức.
Theo Basist, EOE, được Bộ Ngoại giao Mỹ tài trợ, đã sử dụng dữ liệu từ vệ tinh để ước tính dòng chảy tự nhiên của sông Mekong từ 1992 đến 2019. Đường màu đen là lượng nước thực tế đo được tại Chiang Saen, đường màu đỏ là lượng nước ước tính của EOE. Chiang Saen là trạm đo thủy văn do Ủy hội sông Mekong (MRC) lập ra từ 1960, đặt tại tỉnh Chiang Rai, phía bắc Thái Lan. Dữ liệu tại trạm đo Chiang Saen do MRC cung cấp cho EOE.
Mực nước sông Mekong từ tháng 1/2010 đến tháng 9/2019. Ảnh: EOE.
“Từ dữ liệu trên, chúng tôi suy đoán dòng chảy tự nhiên của dòng Mekong đã hoàn toàn bị chặn lại bởi các đập thuỷ điện ở Trung Quốc”, Basist nói.
Trên thực tế, MRC hồi tháng 7/2019 công bố báo cáo cho thấy nước sông Mekong khi đó ở dưới mức thấp kỷ lục. Ở Chiang Saen, mực nước sông là 2,1 m, thấp hơn mức trung bình 3,2 m cùng kỳ trong suốt gần 6 thập kỷ qua và dưới mức thấp nhất từng đo được 0,75 m. Tại Việt Nam, hạn hán khiến ruộng vườn ở miền Tây nứt nẻ, người dân không thể canh tác. Ước tính 50.000 hộ thiếu nước sinh hoạt vào tháng 9 năm ngoái.
Basist liệt kê 11 đập thuỷ điện Trung Quốc vận hành từ năm 1993 đến 2018 là Mạn Loan, Đại Triều Sơn, Cảnh Hồng, Tiểu Loan, Noạ Trác Độ, Miêu Vĩ, Hoàng Đăng, Đại Hoa Kiều, Công Quả Kiều, Lý Để và Ô Nộng Long. Các dự án này có tổng sức chứa là 47,6 tỷ m3 nước, nằm trên đoạn sông Mekong dài hơn 2.100 km chảy qua lãnh thổ Trung Quốc, còn được gọi là Lan Thương.
Theo Basist, Trung Quốc còn thay đổi dòng chảy tự nhiên của sông Mekong bằng cách xả nước để vận hành các đập thủy điện.
Dữ liệu của EOE cho thấy vào năm 2002, một lượng lớn nước bất thường của sông Mekong chảy xuống hạ nguồn. Khi đó, lượng nước đo được tại trạm Chiang Saen cao hơn dòng chảy của Mekong theo ước tính. Ghi nhận của EOE trùng với thời điểm đập thuỷ điện Đại Triều Sơn của Trung Quốc đi vào hoạt động.
“Nước sông Mekong trong mùa khô năm 2002 tăng và giảm đột ngột so với chỉ số dự báo dòng chảy tự nhiên”, Basist nói.
Mực nước sông Mekong từ tháng 1/2001 đến tháng 12/2009. Ảnh: EOE.
Sau 2012, khi đập Noạ Trác Độ vận hành, dòng chảy tự nhiên của sông Mekong bị điều chỉnh đáng kể. Noạ Trác Độ có sức chứa đến hơn 27,4 tỷ m3 nước, lớn hơn dung tích của tất cả các dự án trước đó cộng lại, theo Basist.
Trong báo cáo Giám sát khối lượng nước chảy qua thượng lưu Mekong, Basist và các đồng nghiệp chỉ ra rằng trong giai đoạn 1994 và 2008, dữ liệu về dòng chảy của sông Mekong đo được tại trạm Chiang Saen và dữ liệu ước tính dòng chảy tự nhiên về cơ bản như nhau. Sau 2012, xu hướng này thay đổi, khi đập Nọa Trác Độ xuất hiện.
Basist cho rằng dòng chảy tự nhiên của Mekong là điều thiết yếu, để duy trì sức sống của con sông và tính toàn vẹn của cả lưu vực. Trung Quốc đã gây ảnh hưởng đến cả vùng châu thổ ở hạ lưu khi thay đổi nhịp đập của dòng sông dài hơn 4.800 km, chảy qua 6 nước gồm Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam.
Lý giải thêm tác động khi Trung Quốc thay đổi dòng chảy tự nhiên của sông Mekong, Brian Eyler, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á, Trung tâm nghiên cứu Stimson, Mỹ, cho biết hệ sinh thái của sông Mekong đóng vai trò cực kỳ quan trọng với sự ổn định kinh tế của các nước ở hạ nguồn. Khi dòng sông không còn phù sa, mất lượng cá tự nhiên, các nước trong khu vực sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có bất ổn về đời sống kinh tế của người dân.
Eyler cho biết trong nhiều thập kỷ Trung Quốc giữ kín thông tin về hoạt động của đập thuỷ điện và lượng nước xả xuống hạ lưu, không chia sẻ với các quốc gia liên quan. Tuy nhiên, ông cho rằng “thời kỳ bí mật của Trung Quốc” hiện đã chấm dứt, khi các nhà hoạch định chính sách trong khu vực có thể sử dụng các kết quả nghiên cứu (trong đó có báo cáo của EOE) để xác định lượng nước họ cần có hoặc lẽ ra nên có từ thượng nguồn Mekong, theo dòng chảy tự nhiên của con sông. Khi hạn hán xuất hiện với tần suất dày hơn, Trung Quốc có dữ liệu tốt nhất và giúp các nước tiết kiệm thời gian tìm hiểu nguyên nhân.
“Giờ là lúc Trung Quốc có trách nhiệm chia sẻ dữ liệu với các nước. Đó là bước đi tốt nhất để Bắc Kinh trở thành đối tác có tính xây dựng ở khu vực”, Eyler nói, trả lời câu hỏi của VnExpress về dữ liệu của Trung Quốc.
Theo VNExpress Chính trị , Môi trường , Tin quốc tế , Tin trong nước
No comments:
Post a Comment