Ngày 5/5, Đại hội cổ đông thường niên năm 2020 của Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros (mã: ROS) đã thông qua chủ trương sáp nhập với FLC GAB, bầu 4 thành viên HĐQT mới. Năm 2020, công ty đặt mục tiêu doanh thu đạt 3.400 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế ở mức thấp chỉ 54 tỉ đồng.
Đại hội cổ đông thường niên 2020 của FLC Faros đã thông qua chủ trương sáp nhập với FLC GAB.
Tại Đại hội cổ đông sáng 5/5, ông Lê Tuấn Hùng, Phó Tổng Giám đốc thường trực FLC Faros đã báo cáo kết quả kinh doanh năm 2019 và kế hoạch năm 2020. Năm vừa qua, công ty ghi nhận doanh thu hợp nhất tăng mạnh 36%, đạt 5.029 tỉ đồng. Lợi nhuận sau thuế giảm nhẹ 4% so với cùng kỳ năm trước, đạt 178 tỉ đồng, chỉ hoàn thành 55% kế hoạch đề ra.
Theo ban điều hành, FLC Faros không hoàn thành kế hoạch do những khó khăn chung của ngành bất động sản (BĐS) và xây dựng, trong đó có việc thắt chặt tín dụng bất động sản cũng như chính sách quản lý đất đai, tác động không nhỏ đến tiến độ cấp phép, phê duyệt và triển khai dự án mới. Đồng thời, các dự án, công trình của công ty hầu hết có quy mô lớn, thời gian thi công kéo dài nên các chi phí vật tư, nhân công… cũng tăng mạnh.
Dù vậy, trong năm 2019 FLC Faros đã hoàn thành, bàn giao vượt tiến độ các công trình lớn như: tòa tháp văn phòng Bamboo Airways Tower, tổ hợp chung cư FLC Green Apartment (Hà Nội), công trình Club House (Quảng Bình), dự án Nhà máy nước giải khát FLC (Bình Định)… Công ty cũng được chọn làm tổng thầu thi công nhiều dự án khu đô thị lớn của tập đoàn FLC như FLC Tropical City Ha Long giai đoạn 2 (Quảng Ninh), FLC Legacy Kontum (Kon Tum), FLC La Vista Sadec (Đồng Tháp), tổ hợp khách sạn và nhà phố thương mại FLC Hilltop Gia Lai.
Nhận định thị trường bất động sản và ngành xây dựng sẽ tiếp tục khó khăn và nhiều lĩnh vực khác của nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19, nên FLC Faros chỉ đặt mục tiêu doanh thu 3.400 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 54 tỉ đồng.
Tại đại hội, HĐQT đã trình nội dung về chủ trương sáp nhập FLC Faros và FLC GAB nhằm tái cấu trúc, tận dụng lợi thế và mở rộng phát triển kinh doanh. Đại hội cổ đông đã nhất trí thông qua chủ trương sáp nhập vào FLC GAB và ủy quyền cho HĐQT chịu trách nhiệm triển khai thực hiện việc sáp nhập.
Trước đó, Đại hội cổ đông của FLC GAB đã thông qua chủ trương sáp nhập với FLC Faros và FLC Stone. Hiện, phương áp sáp nhập cụ thể 3 công ty này, chi tiết về việc hoán đổi cổ phiếu và phương án hoạt động kinh doanh sau sáp nhập… chưa được các bên liên quan tiết lộ.
Được biết, FLC GAB với định hướng trở thành doanh nghiệp khai khoáng và quản lý tài sản, nhắm tới các mảng "màu mỡ" là kinh doanh bất động sản và dịch vụ bất động sản, du lịch nghỉ dưỡng, khoáng sản…
HĐQT của FLC Faros lại "thay máu" gần như toàn bộ thành viên cũ, ông Trịnh Văn Quyết rời ghế Chủ tịch.
Đại hội cũng đã thông qua việc miễn nhiễm 5 thành viên HĐQT cũ gồm: Chủ tịch Trịnh Văn Quyết, ông Lê Thành Vinh, Đỗ Như Tuấn, Doãn Văn Phương và Nguyễn Thiện Phú.
Đồng thời, bầu bổ sung các thành viên mới gồm: bà Trần Thị Hương và bà Hương Trần Kiều Dung. Như vậy hiện nay FLC Faros có ba thành viên HĐQT đều là nữ gồm bà Nguyễn Bình Phương và hai cá nhân vừa được bầu.
Trong đó, bà Trần Thị Hương là Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Kinh doanh Phát triển Bất động sản FLCHomes, còn bà Hương Trần Kiều Dung là Phó chủ tịch Tập đoàn FLC, chủ tịch FLCHomes.
Cổ đông chất vấn về quyết định rời HĐQT của Chủ tịch Trịnh Văn Quyết và bán bớt 53,8 triệu cổ phiếu ROS, giảm tỉ lệ sở hữu từ 51,3% còn 41,8% vốn điều lệ, dù trước đó ông Quyết tuyên bố sẽ không bán cổ phiếu ROS trong năm nay. Phải chăng FLC Faros có vấn đề gì đó khiến ông Quyết không còn tin tưởng vào triển vọng của công ty?
Trả lời những băn khoăn này của cổ đông, Thành viên HĐQT Lê Thành Vinh cho biết ông Trịnh Văn Quyết ngoài vai trò Chủ tịch của FLC Faros còn là Chủ tịch Tập đoàn FLC và hãng hàng không Bamboo Airways. Đây đều là các doanh nghiệp lớn với nhiều công việc cần xử lý nên ông Quyết đã từ nhiệm vị trí Chủ tịch tại FLC Faros để tập trung giải quyết công việc tại Tập đoàn FLC và Bamboo Airways.
Còn việc ông Trịnh Văn Quyết bán lượng lớn cổ phiếu ROS, theo ông Lê Thành Vinh đây là quyết định nhằm đáp ứng nhu cầu tài chính cá nhân của ông Quyết nên HĐQT FLC Faros không bình luận thêm.
Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu ROS đã có những chuỗi ngày giao dịch tồi tệ khi rơi "không phanh" từ mức đỉnh 225.000 đồng/CP xuống còn 3.500 đồng/CP ở hiện tại. Đặc biệt, sau các đợt bán ra lượng lớn cổ phiếu của vợ chồng ông Trịnh Văn Quyết (tổng lượng bán hơn 124 triệu cổ phiếu) thì giá ROS đã rơi không thấy đáy. Ước tính, ở thời điểm bán ra cổ phiếu, vợ chồng ông Quyết đã thu được hơn 1.200 tỉ đồng và việc tháo chạy khỏi cổ phiếu ROS đã tác động tiêu cực đến tâm lý đầu tư, khiến cổ phiếu này càng giảm sâu.
Mới đây, sau thông tin ROS sáp nhập vào GAB - công ty có tiền thân là Công ty cổ phần Gạch FLC - hiện có thị giá 140.000-150.000 đồng/CP, cổ phiếu ROS đã hồi phục tích cực với 4 phiên tăng trần liên tiếp lên hơn 4.280 đồng/CP. Tuy nhiên, ngay sau đó ROS đã lại đảo chiều giảm mạnh.
Từ năm 2019, FLC Faros đã đẩy mạnh việc tái cấu trúc toàn diện đã được thực hiện từ 2019, trong đó có việc tái cơ cấu nguồn tài chính; tăng cường công tác tinh gọn và hiệu quả nguồn nhân lực. Công ty sẽ như tập trung vào các ngành nghề kinh doanh chính gồm tư vấn quản lý dự án và tư vấn thiết kế.
Năm 2020, FLC Faros tiếp tục làm tổng thầu thi công của nhiều dự án lớn như động thổ dự án tòa tháp 72 tầng tại Hải Phòng trong tháng 5/2020. Một số dự án khác đang được công ty xúc tiến cùng chủ đầu tư để triển khai trong quý 2 và quý 3 như: Khu du lịch nghỉ dưỡng Núi Mỏ Neo (Hà Giang), Khu du lịch sinh thái và dịch vụ thể thao Sơn Dương (Tuyên Quang); Khu đô thị Hồ Nước Ngọt (Sóc Trăng), Tổ hợp khu đô thị - thương mại Bạc Liêu…Hải Hà/Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường Chính trị , Kinh tế , Tin trong nước
No comments:
Post a Comment