Thế giới ghi nhận gần 276.000 người chết vì nCoV trong hơn 4 triệu ca nhiễm, giữa lúc hoạt động kinh tế xã hội dần khôi phục ở nhiều nước.
212 quốc gia và vùng lãnh thổ hôm nay ghi nhận tổng cộng 4.008.110 ca nhiễm và 275.784 ca tử vong do Covid-19, tăng lần lượt 92.116 và 5.487 so với hôm qua, trong đó 1.377.123 người đã hồi phục, theo thống kê của WorldoMeters.
Mỹ là vùng dịch lớn nhất thế giới với 1.320.272 ca nhiễm, tăng 27.649 ca so với hôm trước. Thêm 1.604 người chết, nâng tổng số trường hợp tử vong lên 78.532.
Mỹ có thể tăng 200.000 ca nCoV mới một ngày vào tháng 6, gấp nhiều lần mức khoảng 25.000 ca/ngày hiện nay, số ca tử vong cũng có thể tăng gấp đôi, lên khoảng 3.000 trường hợp/ngày. Con số này dựa trên mô hình lấy dữ liệu từ Cơ quan Quản lý Tình huống Khẩn cấp Liên bang (FEMA).
Dự báo được đưa ra trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump thúc giục các bang mở cửa trở lại nền kinh tế. Các con số cũng nhấn mạnh thực tế nghiêm trọng rằng những rủi ro đáng kể từ dịch bệnh vẫn tồn tại.
Tây Ban Nha, vùng dịch lớn nhất châu Âu, ghi nhận thêm 229 người chết do nCoV, nâng tổng số lên 26,299, xếp thứ 4 thế giới, sau Mỹ, Anh và Italy. Số ca nhiễm tăng 3.262, lên 260.117.
Chính quyền tiếp tục nới lỏng hạn chế với khoảng một nửa dân số 47 triệu người, cho phép quán bar, nhà hàng và cơ sở tôn giáo ở một số khu vực hoạt động trở lại, tụ tập gia đình, bạn bè 10 người trở xuống và đi lại trong tỉnh từ 11/5. Nhưng hai thành phố lớn nhất Madrid và Barcelona không được nới lỏng.
Italy ghi nhận thêm 1.327 ca nhiễm và 243 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 217.185 và 30.201. Cả hai chỉ số đều giảm so với một ngày trước đó.
Italy từ tuần này bắt đầu nới lệnh phong tỏa được áp đặt từ hồi tháng ba. Người dân được phép đi lại trong vùng để thăm người thân, nhưng phải đeo khẩu trang. Trường học và nhiều hoạt động kinh doanh khác vẫn phải đóng cửa. Các hoạt động tôn giáo và đám cưới chưa được khôi phục.
Anh là vùng dịch lớn thứ tư thế giới với 211.364 ca nhiễm, tăng 4.649 ca, nhưng là vùng dịch chết chóc thứ hai thế giới với 31.241 ca tử vong, tăng 626 so với hôm trước.
Thủ tướng Boris Johnson cho biết sẽ thông báo kế hoạch nới phong tỏa trong cuộc họp ngày 10/5. Các biện pháp dỡ hạn chế sẽ không thực hiện đồng loạt mà theo từng giai đoạn, trong đó bỏ khuyến cáo ở nhà, cho phép cá nhân hoặc các thành viên cùng một gia đình ra ngoài tập thể thao “không giới hạn”.
Ông cũng dự định khuyến khích mọi người quay trở lại làm việc nếu an toàn, nhưng đề nghị người dân che mặt khi đi trên các phương tiện giao thông công cộng. Các trường học có thể bắt đầu mở cửa trở lại “theo giai đoạn” vào đầu tháng 6, nhưng các nhà hàng, quán bar và quán cà phê vẫn chưa được ấn định thời điểm chính xác có thể nối lại hoạt động.
Nga báo cáo thêm 10.699 trường hợp, nâng tổng số người nhiễm lên 187.859. Số người chết tăng lên 1.723 sau khi ghi nhận 98 ca tử vong mới. Thủ đô Moskva, tâm dịch của nước Nga, ghi nhận thêm 51 ca tử vong, nâng tổng số người chết ở đây lên 951.
Putin tuần này thông qua kế hoạch khôi phục hoạt động của lĩnh vực công nghiệp và xây dựng sau ngày 12/5 ở Moskva. Ông cũng cảnh báo các lãnh đạo địa phương không vội vàng nới các biện pháp hạn chế để ngăn dịch, khuyến cáo họ cân nhắc tất cả yếu tố và rủi ro có thể xảy ra.
Thị trưởng Moskva Sergei Sobyanin gia hạn lệnh phong tỏa thành phố tới ngày 31/5. Người dân Moskva cũng được yêu cầu đeo khẩu trang, găng tay ở tất cả các địa điểm và phương tiện giao thông công cộng từ ngày 12/5.
Pháp xác nhận thêm 1.288 ca nhiễm và 243 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 176.079 và 26.230. Pháp dự kiến nới lệnh phong tỏa toàn quốc kéo dài gần 8 tuần từ ngày 11/5. Giới chức cho biết tình hình dịch bệnh đang ổn định, nhưng cảnh báo vẫn phải thận trọng để tránh làn sóng lây nhiễm thứ hai.
Đức ghi nhận thêm 1.158 ca nhiễm, nâng tổng số lên 170.588, trong đó 7.510 người chết, tăng 118 ca. Tỷ lệ tử vong tại nước này thấp hơn nhiều so với các quốc gia châu Âu khác.
Chính phủ tuần này nới lỏng thêm một loạt hạn chế. Nhiều cửa hàng được phép hoạt động trở lại, miễn là tuân thủ quy định vệ sinh và giãn cách. Người dân vẫn phải đeo khẩu trang khi di chuyển bằng phương tiện công cộng. Giải bóng đá Bundesliga sẽ trở lại vào ngày 15/5. Trường học tất cả các cấp dần dần tái mở cửa.
Tuy nhiên, Đức cũng thiết lập cơ chế “phanh khẩn cấp”, tái áp đặt hạn chế nếu một khu vực ghi nhận hơn 50 ca nhiễm mới trên 100.000 dân trong vòng 7 ngày.
Tại Mỹ Latin, Brazil là vùng dịch lớn nhất khu vực với 145.328 ca nhiễm và 9.897 ca tử vong, tăng lần lượt 9.635 và 709.
Hơn 20 quan chức chính quyền Tổng thống Jair Bolsonaro đã dương tính với nCoV, bao gồm thư ký báo chí Fabio Wajngarten và Bộ trưởng An ninh Quốc gia Augusto Heleno. Bolsonaro nói rằng ông xét nghiệm âm tính với virus, song không công khai kết quả.
Tổng thống Brazil coi Covid-19 chỉ như cúm mùa, từng tuyên bố tác động tiêu cực của nCoV đã bị phóng đại quá mức vì lý do chính trị. Ông cũng thường xuyên thể hiện sự thiếu kiên nhẫn với lệnh hạn chế do thống đốc các bang áp đặt, lên án “sự cuồng loạn” xung quanh Covid-19 và hối thúc lãnh đạo địa phương tái khởi động nền kinh tế.
Mexico báo cáo 29.616 ca nhiễm và 2.961 ca tử vong, tăng lần lượt 1.982 và 257 ca. Số ca nhiễm và tử vong thực tế có thể cao hơn nhiều so với thống kê.
Tại Trung Đông, Iran vẫn là vùng dịch lớn nhất với 104.691 ca nhiễm, tăng 1.556 ca trong vòng 24 giờ. Nước này cũng ghi nhận thêm 55 ca tử vong, nâng tổng số người chết vì nCoV lên 6.541.
Iran đã mở cửa lại các nhà thờ Hồi giáo tại một số vùng được cho là có nguy cơ thấp, sau khi thông qua kế hoạch nối lại hoạt động của doanh nghiệp theo giai đoạn từ hôm 11/4. Tuy nhiên, thành phố Qom, tâm dịch của đất nước, vẫn có “xu hướng gia tăng” số ca nhiễm mới.
Arab Saudi ghi nhận thêm 1.701 ca nhiễm và 10 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 35.432 và 229.
Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) báo cáo 553 ca nhiễm mới và thêm 9 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 16.793 và 174.
Tại Nam Á, Ấn Độ ghi nhận 3.342 ca nhiễm nCoV mới, nâng tổng số lên 59.693. Thêm 96 người chết, nâng tổng số ca tử vong lên 1.985.
Ấn Độ dường như đã tránh được kịch bản bị Covid-19 tàn phá nặng nề như một số nước khác dù có dân số đông thứ hai thế giới. Giới chuyên gia cho rằng điều này có thể do Ấn Độ áp lệnh phong tỏa nghiêm ngặt ngay từ 25/3, khi mới ghi nhận 60 ca nhiễm và 10 ca tử vong. Tuy nhiên, một số chuyên gia lo ngại số liệu thực tế có thể cao hơn nhiều so với thống kê, do nhiều người tại Ấn Độ không được tiếp cận dịch vụ y tế.
Đông Nam Á ghi nhận thêm 1.300 người nhiễm và 24 người chết do nCoV, nâng tổng số của toàn khu vực lên lần lượt hơn 55.000 và 1.800.
Singapore là vùng dịch lớn nhất khu vực với 21.707 ca nhiễm và 20 ca tử vong. Indonesia đứng thứ hai về số ca nhiễm nhưng đứng đầu khu vực về số ca tử vong, lần lượt là 13.112 và 943. Philippines, vùng dịch lớn thứ ba, ghi nhận 10.463 người nhiễm nCoV và 696 người chết.
Việt Nam, Lào, Campuchia và Đông Timor là các nước trong khu vực chưa ghi nhận ca tử vong do nCoV.
(Theo Reuters/Worldometer) Tin quốc tế , Y tế
No comments:
Post a Comment