Cập nhật tin tức nóng hổi

Trung Quốc chuẩn bị lập vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông

Động thái này của Trung Quốc có thể là một toan tính mới ở Biển Đông, trong khi thế giới bận tâm chống dịch Covid-19.
Trung Quốc chuẩn bị lập vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông
Máy bay Trung Quốc trong cuộc tập trận ở Biển Đông, tháng 9/2018. (Ảnh: CCTV)

Hôm 4/5, Bộ Quốc phòng Đài Loan xác nhận việc Trung Quốc đang lên kế hoạch thiết lập một vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông, theo Taiwan News.

Vùng nhận dạng phòng không (Air Defense Identification Zone, viết tắt là ADIZ) là một phạm vi vùng trời do một quốc gia tự ấn định và đòi hỏi mọi phương tiện bay dân sự đi qua vùng này phải nhận dạng, xác định vị trí và chịu sự kiểm soát của quốc gia đó.

ADIZ không đồng nghĩa với không phận của một quốc gia, nhưng nó được coi như khu vực tồn tại song hành với khu vực an ninh quốc phòng.

Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan Nghiêm Đức Phát (Yen Te-fa) hôm 4/5 đã trả lời câu hỏi về các “vùng nhận diện phòng không” (Air Defense Identification Zone – ADIZ) quanh Đài Loan.

Theo ông Nghiêm Đức Phát, Trung Quốc xác định hai vùng ADIZ là vùng biển Hoa Đông (East China Sea) và vùng biển Hoa Nam (Biển Đông).

Thông tin Trung Quốc xúc tiến thành lập ADIZ đã được truyền thông thế giới đưa tin từ tháng 6/2016. Vùng ADIZ này dự định sẽ bao trùm trên đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa), và bảy đá ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Trung Quốc leo thang hoạt động ở Biển Đông

Lời xác nhận của ông Nghiêm Đức Phát diễn ra vào lúc đang có những dấu hiệu căng thẳng trên Biển Đông. Từ tháng 7/2019 đến nay, Trung Quốc cho một số tàu khảo sát địa chất hoạt động bất hợp pháp trong các vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Philippines, Indonesia, Malaysia.

Tháng 3/2020, chính quyền Bắc Kinh gửi công hàm đến Liên Hiệp Quốc lập lại tuyên bố chủ quyền theo hình “lưỡi bò” chiến hơn 80% đến 90% Biển Đông. Ngày 2/4 vừa qua, Trung Quốc cho tàu hải cảnh đâm chìm tàu đánh cá của Việt Nam ở khu vực quần đảo Hoàng Sa. Sau đó Trung Quốc thông báo thành lập hai quận “Tây Sa” (tức Hoàng Sa) và “Nam Sa” (tức Trường Sa). Tiếp theo, Trung Quốc đặt tên cho 80 đảo nhỏ, bãi đá ngầm ở cả những khu vực biển nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Nếu đơn phương tuyên bố thiết lập ADIZ trên Biển Đông, Trung Quốc có thể yêu cầu mọi máy bay dân sự phải báo cáo lộ trình bay, thiết lập liên lạc hai chiều và chịu sự kiểm soát của họ tại khu vực này.

Trong khi đó, Mỹ và nhiều nước coi Biển Đông là vùng biển quốc tế, nơi tàu thuyền, máy bay có thể tự do qua lại theo các quy định của luật pháp quốc tế mà không phải chịu sự kiểm soát của bên nào. Không quân và hải quân Mỹ vẫn thường xuyên tiến hành các hoạt động tự do hàng hải ở khu vực này để khẳng định quyền đó.

Nhận định của chuyên gia

Theo Derek Grossman, nhà phân tích quốc phòng cao cấp, Tổ chức Rand, Mỹ, tình hình Biển Đông chỉ có "đột biến" nếu Trung Quốc tuyên bố vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) hoặc triển khai cố định các chiến đấu cơ ở Trường Sa. Trong năm nay, Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng các hoạt động đòi yêu sách ở Biển Đông, thúc đẩy tuần tra, diễn tập, theo báo Vnexpress.

Cuối năm 2020, Trung Quốc có thể trở nên hung hăng hơn ở Biển Đông, nếu Mỹ vẫn chưa kiểm soát được Covid-19 và các vấn đề nội bộ khác, theo Peter Layton, Đại học Griffith, Australia. Mục đích là để giương oai sức mạnh quân sự.

“Những hành động gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông là sự tiếp nối cách tiếp cận hung hăng hơn để khẳng định các yêu sách lãnh thổ của mình, nhưng nó đang gây ra sự phẫn nộ hơn bao giờ hết của các nước láng giềng Đông Nam Á”, Giám đốc cơ quan Sáng kiến Minh bạch Hàng hải (AMTI) Greg Poling nhận định.

Ông Poling cũng không hy vọng Trung Quốc sẽ kiềm chế tham vọng phi lý ở Biển Đông, đồng thời cảnh báo Bắc Kinh có thể thực hiện các bước đi tiếp theo như thiết lập vùng nhận diện phòng không hoặc cơ sở thu thập thông tin tình báo, dữ liệu radar tại Scarborough – bãi cạn Trung Quốc đã giành quyền kiểm soát từ Philippines hồi năm 2012. , ,

No comments:

Post a Comment