Cập nhật tin tức nóng hổi

Trung Quốc thu hoạch rau tươi tại Biển Đông, chế tạo bằng chứng mới để tăng cường yêu sách biển

Hải quân Trung Quốc gần đây đã thu hoạch 1,5 tấn rau tươi tại căn cứ quân sự lớn nhất của nước này tại Hoàng Sa dựa trên công nghệ “biến đất thành cát” xuất phát từ kỹ thuật “đất hóa” (soilization) sa mạc, một phương pháp sinh học-cơ học giúp biến đổi cát dần thành đất của nhóm nghiên cứu Dịch Chí Kiên (Zhijian Yi) & Triệu Triều Hoa (Chaohua Zhao) tại Đại học giao thông Trùng Khánh

Trang China Military Online, một trang thông tin dưới sự bảo trợ của Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc, dẫn một báo cáo của Hải quân Trung Quốc cho biết, xưa nay được ăn rau xanh luôn là bài toán khó cho các sĩ quan và binh lính chiếm đóng trên quần đảo Hoàng Sa. Từ những năm 1970, các sĩ quan và binh lính đóng quân trên đảo về cơ bản phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn vận chuyển từ đất liền ra để bổ sung rau quả. Nhiều khi do điều kiện bão to sóng lớn thậm chí 2, 3 tháng liền tàu không vào được đảo. Do thiếu rau tươi trong một thời gian dài, các binh sĩ Trung Quốc chiếm đóng trên đảo bị thiếu dinh dưỡng và mắc các bệnh ở các mức độ khác nhau như nhiệt miệng….
Trung Quốc thu hoạch rau tươi tại Biển Đông, chế tạo bằng chứng mới để tăng cường yêu sách biển
Theo báo cáo của Hải quân Trung Quốc, năm 2007, Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc đã thành lập ” mô hình mẫu công nghệ sản xuất rau trên đảo” tại đảo Phú Lâm (phía Trung Quốc gọi là Vĩnh Hưng). Sau đó, dựng các nhà kính trồng rau theo mô hình “bốn chống” tại đảo Quang Hoà (phía Quốc gọi là đảo Sâm Hàng) và các đảo khác để ngăn chặn bão, nắng, mưa và ăn mòn. Năm 2014, công nghệ trồng rau phun sương thông minh đã được đưa vào ứng dụng tại đảo Phú Lâm và làm gia tăng đáng kể sản lượng rau thu hoạch được.

Báo cáo cho biết, các sỹ quan hải quân và các nhà khoa học đã trộn một loại sợi thực vật kết dính nguyên liệu bột vào cát. Công nghệ này đã từng biến sa mạc thành những cánh đồng phì nhiêu ở Ô Lan Bố (Ulan Buh) thuộc khu tự trị Nội Mông năm 2017. Tuy nhiên, không giống như cát trên sa mạc, cát trên đảo Phú Lâm hạt lớn hơn, độ bám dính kém, chứa nhiều muối và kiềm. “Trải qua 4 tháng nghiên cứu liên tục, nhóm nghiên cứu đã thành công trong việc biến bãi biển thành cánh đồng rau màu mỡ”.

Một trong những thành viên của nhóm nghiên cứu cho biết, hiện giờ Trung Quốc đã có thể hỗ trợ duy trì đời sống của dân thường trên đảo, “điều này cho phép nhiều người sinh sống trên những hòn đảo này hơn.” Trong tương lai lợn, gà cũng hoàn toàn có thể được chăn nuôi trên những hòn đảo này. Vòng tuần hoàn sinh thái có thể khiến cho các đảo này có thể duy trì cuộc sống cho con người với thời gian dài hơn. “Trong tương lai, mỗi hòn đảo có thể tạo thành một khu dân cư độc lập”.

Theo Zachary Haver, một nhà phân tích tại Washington, Phú Lâm đang ngày càng trở nên tự chủ hơn ít nhất trong một số mặt, với năng lực sản xuất điện và ngọt hoá nước biển. Chưa kể, các quan chức ở đây còn đưa ra một số chính sách trợ cấp và nhà ở để khuyến khích người dân ra đảo sinh sống.

Trần Tương Miểu từ Viện Nghiên cứu Nam Hải Trung Quốc cho biết những thành tựu mới này sẽ phản biện lại lý thuyết quốc tế cho rằng các đảo ở Biển Đông không thể tự mình duy trì sự sống của con người.

Tuy nhiên, theo Phán quyết Toà trọng tài vụ kiện Biển Đông, tình trạng pháp lý của một thực thể là đá hay đảo, cùng với vùng biển mà thực thể đó được hưởng, được xác định trước thời điểm kết tinh tranh chấp. Mọi hoạt động cải tạo thực thể diễn ra sau thời điểm kết tinh tranh chấp đều không có giá trị thay đổi tình trạng pháp lý của thực thể.

Ngoài các hoạt động trên của Trung Quốc ở Phú Lâm, Đài Loan và Philippines cũng đã có các dự án tăng cường tính tự chủ về thực phẩm và nước uống cho các đảo Ba Bình và Thị Tứ.

Dự án Đại Sự Ký Biển Đông , , ,

No comments:

Post a Comment