Hồ Duy Hải có kêu oan không, đây là điều mà báo chí ở Việt nam lúc nó có lúc bảo không, vậy thì sự thật là thế nào?
Rất nhiều báo Việt nam dẫn lời bà Trần Thị Nhanh và giới thiệu là người đã nhiều lần vào tù trò chuyện với Hồ Duy Hải để kết luận rằng Hải không kêu oan.
Trong khi đó cả hai Luật sư bảo vệ cho Hải đều khẳng định Hải kêu oan. Rất nhiều báo cũng ghi nhận Hải kêu oan trong phiên tòa, trong đó một báo trích lời của Hội thẩm nhân dân Lê Văn Bảo nói “Tuyệt đại đa số bị cáo đều tâm phục khẩu phục. Duy chỉ có trường hợp Hồ Duy Hải kêu oan, không đồng tình với kết luận điều tra”.
Riêng về bà Trần Thị Nhanh, báo Việt nam viết rằng “Đại diện lãnh đạo Viện KSND tỉnh Long An giám sát trọng án “Bưu điện Cầu Voi” và ký cáo trạng truy tố bị can Hồ Duy Hải lúc ấy là một phụ nữ – đó là bà Trần Thị Nhanh – Phó Viện trưởng, sau này là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An.
Bà Trần Thị Nhanh nói bà tin rằng giác quan nhạy cảm của người phụ nữ sẽ giúp bà phát hiện ra dấu hiệu oan sai nếu có. Trong các lần tiếp xúc với bà, không khi nào Hồ Duy Hải kêu oan mà luôn thành khẩn nhận tội. Một lần tiếp xúc với bà, Hồ Duy Hải đã khóc và nói rằng nhiều đêm mình không ngủ được, bị lương tâm dằn vặt vì tội lỗi đã trót gây ra với 2 nạn nhân.
Sau này bà Nhanh còn vài lần đến Trại Tạm giam Long An để gặp, trò chuyện với Hồ Duy Hải. Những lần sau này, Hải ít nói hơn và cũng không một lời kêu oan.” Đó là nội dung trên báo chính thống.
Tuy nhiên một người tù cùng trại giam với Hồ Duy Hải sau khi được tự do lại kể câu chuyện hoàn toàn khác, đó là Đinh Nhật Uy một tù nhân lương tâm ở Long An.
“Tôi bị đánh đập dữ quá nên ký nhận tội, tôi bị oan cán bộ ơi”- Hồ Duy Hải đã thường xuyên la hét như vậy, anh Đinh Nhật Uy kể lại trên một bài báo.
“Tôi ở chung trại tạm giam với Hồ Duy Hải hơn 4 tháng trong năm 2013. Tôi gặp Hải ít nhất 4 lần vào những dịp thăm nuôi định kỳ khoảng tháng 8 đến 10.
Vào ngày thăm nuôi, cán bộ trại giam đến phòng dẫn người tù ra dãy đường chính của trại giam để xếp hàng chờ đợi đến lượt thăm. Trong lần thăm nuôi đầu tiên, tôi thấy 3 cán bộ áp tải một người tù bị cùm chân, cùm tay bằng xích bước đi lê lết. Tướng tá người tù to cao, tóc sát da đầu, mặc bộ áo đấu bóng đá. Tôi thắc mắc không biết là ai và bị tội gì? Bạn tù gần đó cho biết là tử tù Hải Cầu Voi, giết người trong bưu điện.
Ảnh 1: bà Trần Thị Nhanh Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Long An người ký cáo trạng truy tố Hồ Duy Hải
Tù có án thì thăm bên ngoài phòng thăm gặp nói chuyện qua điện thoại. Tử tù thì phải thăm trực tiếp bên trong phòng tra cung. Những lần tiếp theo tôi cũng thấy trong trường hợp như vậy. Tôi thường đưa tay chào tất cả những người tù mà tôi gặp. Hồ Duy Hải thường đáp lại lời chào của tôi bằng cái gật đầu và nụ cười buồn.
Vụ án của Hải gây chấn động Long An một thời, hầu như ai cũng biết và tôi cũng biết rất nhiều tin vụ án từ báo chí.
Nhưng trong thời gian ở trại, tôi hỏi nhiều bạn tù về trường hợp của Hải. Những người tù trước đó có tiếp xúc với Hải đều nói Hải bị oan, khác với những gì báo đăng.
“Nó không giết người, nó bị ép, đánh đập đi không nỗi nên khai đại và nhận tội cho xong. Tối nào nó cũng la hét kêu oan“, một bạn tù ở trước tôi 4 tháng cho biết.
Rồi một bạn tù ở trước tôi 3 tháng nói: ” thằng Hải bị oan, nó kể cho những người tù gần đó là nó không giết người, nó đến đó thì 2 đứa kia chết rồi. Nó chỉ sơ múi mấy cái card điện thoại thôi mà bị tử. Nó là thằng tử tù sống dai nhất, hơn 5 năm có tử hình đâu. Nó bị tử là oan“.
Sau một vài trận xung đột bằng vũ lực với bạn tù lắm mồm. Tôi bị kỷ luật và chuyển phòng. Tôi chuyển xuống dãy cuối, sau lưng tôi là dãy phòng của tử tù. Tôi bắt đầu hỏi thăm các tử tù về tình trạng của từng người. Và Hồ Duy Hải đã có lần hét lớn rằng “Tôi không giết người, tôi bị ép cung đánh đập nên nhận đại. Tôi bị oan cán bộ ơi. Tôi bị oan“.
Trong trại giam, có rất nhiều giai thoại liêu trai được thêu dệt lên về Hồ Duy Hải. Một trong số đó có câu chuyện Hồ Duy Hải làm người hùng bất đắc dĩ khi bị ép nhận tội thay cho bạn thân là con ông gốc bự. Và trong cái nhìn của những người tù, Hồ Duy Hải là một tử tù huyền bí, có ma lực thu phục chim sẻ và quạ đen. Một tử tù sống dai nhất sau khi có án tử. Nhiều bạn tù đều tin rằng Hồ Duy Hải bị xử oan nên có được ma lực của những linh hồn người tù đã khuất giúp đỡ.
Lần thăm nuôi Đinh Nguyên Kha mới đây. Kha cũng có nói cho tôi nghe về Hồ Duy Hải. Kha từng nói chuyện với Hải trong thời gian gần 1 năm trong trại giam.
“Hải Cầu Voi bị oan đó, nó kể em nghe là nó không giết ai. Nó đến đó là hai người kia chết rồi. Nó lục để lấy mấy cái card điện thoại. Nó bị đánh quá nên nhận tội. Kết luận điều tra của nó sai sót đủ thứ và không trùng khớp“, Kha nói.
Ảnh 2: Bài đăng trên báo giấy về câu chuyện của Đinh Nhật Uy, một bạn tù với Hồ Duy Hải – nói rằng: “tối nào nó cũng la hét kêu oan”
Và với những bằng chứng không hợp lý trong hồ sơ vụ án Hồ Duy Hải được báo chí vạch ra trong những ngày gần đây. Thì rõ ràng Hồ Duy Hải chỉ là nạn nhân của những sai sót vô tình hay cố tình trong khâu điều tra tố tụng.
Trang facebook Báo sạch chia sẻ về “NHỮNG BỨC ẢNH RÙNG RỢN NỬA ĐÊM” như sau:
“Cứ đến nửa đêm thì lại có bạn đọc giấu mặt gửi đến cho chúng tôi những hình ảnh hoặc chi tiết có thể là chưa từng được công bố trong vụ án Bưu cục Cầu Voi.
Với hai hình ảnh dưới đây chúng tôi muốn đặt ra hai câu hỏi:
1/ Dấu vân tay trên bồn rửa mặt là của ai nếu không phải là của hung thủ?
2/ Đã giết người cướp của tại sao lại bỏ qua cái két sắt có sẵn chùm chìa khoá?
Xin cám ơn người giấu mặt đã cung cấp những hình ảnh quá rùng rợn về hiện trường. Càng nhìn thi thể các nạn nhân, Báo Sạch càng mong mỏi công lý thật sự sẽ đến dù vụ án đã xảy ra hơn 12 năm.
Facebook Đoàn Kiên Giang cũng chia sẻ về cơ duyên kỳ lạ được biết đến những chứng cứ quan trọng với tựa đề” TRỜI CAO HAY NGƯỜI TỐT ĐỘNG LÒNG?”
Cách vài ngày, chúng tôi trên đường lần mò lại tìm được gì đó, hoặc nhận được tài liệu từ đâu đó, có khi rất tình cờ, như thể là cơ duyên…
Ngồi rà lại hình ảnh được ghi/thể hiện là hiện trường vụ án, các văn bản được ghi/thể hiện giống các bút lục, mà chưa thấy cơ quan hữu trách nào công bố công khai, mới thắc mắc:
1. Con gấu bông mà Hồ Duy Hải khai là thấy – và là 1 trong những cơ sở kết tội bị án – có hình thù rất to lớn, để ngay ghế phòng khách Bưu điện Cầu Voi, cạnh lối ra vào. Bất cứ ai đứng ngoài cửa cũng thấy chứ đừng nói từng vào trong giao dịch?
2. Bịch trái cây Vân mua còn để trên bàn. Lặng yên, gọn gẽ, ngay ngắn, như chưa hề có cuộc chạy trốn, la hét hãi hùng trước kẻ thủ ác…?
3. Khóa cửa ngoài Bưu điện Cầu Voi còn nguyên, Hồ Duy Hải lấy xe ra bằng cách nào?
4. Máu, tóc… ở rất rất nhiều nơi, tại sao lại để thật lâu mà không giám định khiến mẫu thu được hư hỏng?
Ảnh 3: Những bức ảnh được tiết lộ lúc nửa đêm với nhiều câu hỏi – két sắt có sẵn chùm chìa khoá bị bỏ qua sao gọi là cướp, con gấu rất to trên sa lông ai cũng nhìn thấy, ổ khóa cửa ngoài Bưu điện Cầu Voi còn nguyên, Hồ Duy Hải lấy xe ra bằng cách nào? Bồn rửa tay có dấu vân tay của ai?
Có một nghi can đặc biệt đã bị bỏ sót, không có lời khai, không được triệu tập mặc dù có mặt sát giờ gây án, và được nhiều nhân chứng nhận diện.
Nhà báo Trương Châu Hữu Danh bình luận như sau:
“Vụ án bưu điện Cầu Voi, ngoài vợ chồng chị Ngân bán trái cây (anh Long đã mất), có ít nhất 4 người nhìn thấy 2 nạn nhân trước khi họ bị sát hại. Cả 4 người này, đều nhìn thấy “người thanh niên” ngồi ở ghế salon bên trong.
1/ Anh Hồ Văn Bình (Bút lục 265, 266) chia làm 2 mốc:
– Hơn 19h, anh tới gửi xe để qua nhà người quen (anh thường gửi xe ở đây) và thấy có một thanh niên ngồi với Hồng.
– Hơn 19h30, anh quay lại, thấy người thanh niên vẫn đang ngồi.
Anh Bình thường gửi xe ở đây nên quen mặt hai cô gái. Tuy nhiên, anh không bước vào trong nên không nhận dạng được người thanh niên.
Anh Đinh Vũ Thường: Hơn 19h30, và xác định “chốt cứng” bằng cuộc gọi của anh tại bưu điện cho người thân lúc 19h39.
Với thiết kế cabin tại Bưu điện Cầu Voi, thì anh Thường sẽ không thấy bàn salon, mà khi ra tính tiền mới thấy.
Do đó, các bút lục thể hiện anh không nhận dạng được người thanh niên.
Anh Đinh Văn Còi, sĩ quan CSCĐ, thầy dạy võ, có mặt ở bưu điện trong khung giờ sau 19h30 (xuất phát từ Cầu Ván về Cầu Voi, khoảng 3km). Tuy nhiên, do anh Thường không thấy anh Còi và anh Trí, nên khả năng anh có mặt tại đây khi anh Thường đã rời đi – tức khoảng 19h42+.
Anh Còi đứng ngay quầy, nạp card mất 5 phút, và có điều kiện nhận dạng tốt hơn anh Bình và Thường – cả về con mắt của dân có nghề lẫn vị trí quan sát.
Ảnh 4: Sơ đồ bên trong Bưu điện Cầu Voi và hình chụp quầy giao dịch, nơi các nhân chứng anh Thường, anh Còi và anh Trí đứng và quan sát được phòng khách có ghế sa long dài, nơi có nghi can thứ năm ngồi chơi với cô Hồng
Anh Còi nhận dạng một thanh niên hơi tròn, tầm 30 tuổi, áo thun có màu vàng.
Anh Trí, nghề thợ hàn (mắt khá tinh), vị trí đứng như anh Còi và nhận dạng tương tự.
Nếu ráp khung giờ của 4 nhân chứng này, thì từ 19h trở đi, thì chỉ có một thanh niên duy nhất ngồi liên tục ở salong.
Còn Hồ Duy Hải, thì chứng cứ ghi nhận rằng lúc 19h13’39” vẫn còn đang nhận một cuộc gọi ở tiệm cầm đồ.
Do đó, nếu chỉ có một thanh niên, thì không phải là Hải.
Xem lại Báo cáo của bà Lê Thị Nga – Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội vụ án Hồ Duy Hải, cũng suy đoán được người thanh niên kia không phải là Hồ Duy Hải.
Báo cáo cũng tính toán, quãng thời gian mà các cơ quan tố tụng cho rằng Hải đi từ tiệm cầm đồ đến bưu điện mất 15′ thì chỉ chừa cho Hải đúng 1 phút 21 giây để vừa cầm đồ (mất 5 phút), vừa đổi xe (mất 3 – 4 phút), vừa gặp Đang (5 phút), và có cả bút lục Hải đi quán bà 2A trả tiền rồi mới về đổi xe…
Trong hàng loạt điểm vô lý mà báo cáo đã nêu, chúng tôi đã “thực nghiệm như chạy đua”, cũng mất tối thiểu 23 – 24 phút.” Nhà báo Trương Châu Hữu Danh nói.
Nếu theo tính toán của bà Nga (hoàn toàn theo bút lục), Hải cần ít nhất 30 phút mới hoàn thành quãng đường cũng như các giao dịch từ tiệm cầm đồ đến bưu điện Cầu Voi.
Cho nên, “người thanh niên” mà cáo trạng nhắc tới (anh Bình, anh Thường nhìn thấy) không phải là Hồ Duy Hải.
Vấn đề hiện nay là, anh Còi – người có bút lục khai nhận hoàn toàn khác biệt với anh Thường khi anh Còi còn là sĩ quan công an, lại đang ngồi tù vì tội đánh bạc.
Có ý kiến cho rằng, cần trích xuất anh Còi ra một trại giam của Bộ, rồi hủy án điều tra lại.
Ảnh 5: Bàn sa lông với trái cây còn nguyên, nơi nạn nhân Hồng ngồi với một thanh niên chưa được hồ sơ mô tả, cũng chưa có lời khai trong bất kỳ bút lục nào
Thông tin về người thanh niên này, cũng từng được báo chí gọi là nghi can thứ năm với rất nhiều bài viết.
Bài “Vụ sát hại 2 nhân viên Bưu điện Cầu Voi: Xuất hiện nhiều tình tiết mới” đăng ngày 17-1-2008
Theo lời khai ban đầu của Nghị, thì vào khoảng hơn 20 giờ đêm 13.1, anh ta có “nhìn thấy một thanh niên khác ghé vào Bưu điện Cầu Voi và người này cũng chính là bạn trai của Hồng (?!)”. Nghị nói: “Chỉ nghe nói người thanh niên kia tên Trung, là kỹ sư đang làm việc cho một công trình đi ngang qua địa bàn tỉnh Long An. Còn quê quán, địa chỉ cụ thể thì không nắm được“. Thông tin này cũng được một nhân chứng cung cấp tại cơ quan điều tra. Theo nhân chứng này, người kỹ sư tên Trung cũng quen với nạn nhân Ánh Hồng, ngoài ra, còn có một tài xế của cơ quan cấp tỉnh thỉnh thoảng cũng hay ghé ăn cơm trưa tại bưu cục.
Một nhân chứng khác ở thị xã Tân An cũng đã đến cơ quan công an cung cấp thông tin: Vào khoảng hơn 20 giờ đêm xảy ra án mạng, anh có vào Bưu điện Cầu Voi để mua thẻ cào điện thoại di động. Lúc đầu anh thấy tại phòng giao dịch chỉ có một nữ nhân viên; nhưng khi cô này bước ra đưa thẻ cào cho anh thì anh nhìn thấy ở phía trong còn có một thanh niên mặc áo khoác, quần jeans ngồi quay mặt ra ngoài. Nhân chứng cam đoan, nếu gặp lại anh sẽ nhận dạng được người thanh niên này.
Báo Người Lao Động ngày 17-1-2008, bài “Nghi can thứ 5 là một kỹ sư xây dựng?”
“Liên quan đến vụ hai nạn nhân bị giết tại Bưu điện Cầu Voi – Long An, ngày 16-1, theo lời khai ban đầu của 4 nghi can, trong đêm xảy ra vụ án còn có một nghi can thứ 5, cao to, có nước da sáng, tóc xoăn, mặc quần jeans và áo khoác rộng.
Người này cũng là bạn trai của nạn nhân Nguyễn Thị Ánh Hồng. Nghi can Nguyễn Văn Nghị khai khi vào bưu điện đã thấy “tình địch” (biết mặt nhưng không rõ tên) đã ngồi bên Hồng từ lâu. Nghị còn khai sau khi chạm trán “tình địch”, anh ta bỏ ra ngoài và không quay trở lại Bưu điện Cầu Voi cho đến sáng hôm sau.
Với những đặc điểm mà Nghị đã miêu tả, nghi can Nguyễn Văn Sol khai đó là Trung, một kỹ sư xây dựng, quê ở tỉnh Bình Dương, đang thi công một công trình ở tỉnh Long An. Sol cũng đã nhiều lần gặp người này và được Hồng giới thiệu là bạn mới.
Với những thông tin này cho thấy có ít nhất ba người bạn trai của cô Hồng đã có mặt ở Bưu Điện Cầu Voi vào chiều đêm xảy ra vụ án: Đó là Nguyễn Văn Nghị, Nguyễn Mi Sol, kỹ sư Trung.
Vì sao trong hồ sơ vụ án không có kết quả giám định vân tay của những đối tượng có quan hệ tình cảm và có khả năng có mặt tại bưu điện Cầu Voi tối 13-1-2008 như Nguyễn Văn Nghị, Nguyễn Mi Sol và kỹ sư Trung?”
Ảnh 6: Hiện trường bếp ăn bưu điện Cầu Voi, nơi 2 thi thể nạn nhân nằm, có một cái dĩa, một tô, 2 chén và một ly đã ăn uống xong. Có 3 đôi đũa, nhưng 2 đôi đã sử dụng nằm trên bàn, và một chiếc nằm rơi ở tấm thớt.
Thoibao.de (tổng hợp) Chính trị , Pháp luật , Tin trong nước
No comments:
Post a Comment