Dân Thanh Hoá không nhận tiền hỗ trợ dịch bệnh hoá ra là do một số lãnh đạo thôn đã can thiệp. Liên quan đến vấn đề này, người ta đặt ra câu hỏi, ai đã cho phép lãnh đạo thôn tự tung tự tác như thế? Liệu có chỉ đạo từ cấp trên chăng? Cũng từ vụ vận động này, đã phơi bày sự thật mà có lẽ nhiều quan chức muốn che giấu.
Người ta cứ tưởng người dân của “quốc gia tự trị” Thanh Hoá nhường cơm sẻ áo cho đồng bào tỉnh khác còn khó khăn hơn khi không nhận tiền hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ của chính phủ. Nào ngờ đằng sau câu chuyện ấy có bàn tay lông lá của chính quyền thôn ấp. Một số lãnh đạo thôn đã đến nhà từng hộ dân vận động “xin tự nguyện không nhận tiền”.
Điển hình là ông Trưởng thôn Hạnh Phúc Lê Công Ngân đã khoe về thành tích đi vận động được hơn 20 hộ cận nghèo ký đơn không nhận tiền hỗ trợ. Ông Ngân khẳng định quá trình đi vận động “hoàn toàn công tâm, không ép buộc và không tư túi hay trục lợi”. Thế nhưng nhiều hộ dân phản ánh bị trưởng thôn “vận động thái quá”. Chị Nguyễn Thị Luyện (xóm 2, thôn Hạnh Phúc) thuộc diện hộ cận nghèo cho biết, ông Ngân nói nếu không đồng ý ký, xã sẽ về rà soát lại đưa ra khỏi danh sách hộ cận nghèo.
Thanh Hóa có gần 2.000 người ký đơn từ chối nhận tiền hỗ trợ. Xã Hải Ninh có ông Ngân “tự ý” thảo đơn đem cho 21 người dân ký, thế còn gần 1.900 người khác ở các xã khác thì sao? Phải chăng có hàng trăm ông Trưởng thôn tự nhiên vì bệnh thành tích cùng lúc ư? Liệu các ông có tâm ý tương thông hay sao mà thảo đơn từ chối giống nhau y hệt thế?
Từ sự trùng hợp trên, xin hỏi liệu một vị lãnh đạo thôn xã có dám đi vận động người dân không nhận tiền, nếu không có chỉ đạo hay hậu thuẫn chăng? Liệu đây có phải là chỉ đạo từ cấp trên hay không? Nếu không có chỉ đạo, sao các ông Trưởng thôn phải dùng đến biện pháp đe doạ để dân, để hoàn thành nhiệm vụ như thế? Rồi số tiền mà dân “xin tự nguyện không nhận trong ép buộc” có nộp về cho ngân sách hay không? Hay là các lãnh đạo cùng nhau chia chác?
Từ câu chuyện dân tự nguyện không nhận tiền trong ép buộc, người ta còn phát hiện ra bí mật động trời mà có lẽ nhiều quan chức Thanh Hóa muốn che giấu. Đó là nhiều thân nhân của lãnh đạo được xếp vào danh sách hộ nghèo hộ cận nghèo.
Điển hình là hộ bà Lê Thị Thọ, tuy sống trong căn nhà được xây dựng theo kiến trúc biệt thự, có trị giá nhiều tỷ đồng nhưng vẫn nghèo vì bà là chị gái của bà Lê Thị Chung – Bí thư chi bộ thôn Tu Mục 1. Còn ông Đoàn Đức Bình dù đang sinh sống trong một ngôi nhà 2 tầng khá bề thế, nhưng cũng thuộc diện hộ cận nghèo của xã Yên Thọ vì là con cô ruột của ông Hồ Xuân Bình – Chủ tịch UBND xã Yên Thọ. Không chỉ người thân của Chủ tịch mà dòng họ của Bí thư Đảng uỷ xã Thiệu Thành, huyện Thiệu Hoá cũng nằm trong danh sách hộ cận nghèo. Tuy có vợ con và các cháu có tên trong danh sách nhưng ông phủ nhận trục lợi chế độ. “Tôi phải làm rõ xem ai đã đưa vợ con tôi vào danh sách để làm ảnh hưởng công việc và thanh danh của tôi”, ông Bí thư nói. Đấy chỉ là bề nổi của tảng băng chìm, nếu điều tra rốt ráo chắc hẳn sẽ còn nhiều vô số kể.
Ngôi nhà của hộ gia đình là Lê Thị Thọ – “hộ cận nghèo” năm 2020 của xã Yên Thọ.
Hầu hết những hộ gia đình là người thân cán bộ nằm trong danh sách hộ cận nghèo để hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước, rất giàu có, ở nhà cao cửa rộng, biệt thự tiền tỷ, có ô tô đi lại. Còn những hộ có điều kiện kinh tế khó khăn, nghèo thực sự lại không được chính quyền hỗ trợ. Vì sao lại có nghịch lý như thế? Phải chăng là người thân của lãnh đạo mới được ưu tiên còn dân thì không? Ai đã cho phép đầy tớ xứ Thanh đối xử tàn nhẫn với chủ của mình như thế?
Chắc có lẽ những bí mật này, nhiều quan chức huyện xã không muốn bị bại lộ. Nhưng nhờ có covid mà bí mật đã được bật mí. Để xảy ra những chuyện gây bức xúc trong dân như thế này lẽ nào lãnh đạo tỉnh không biết? Liệu có sự bao che dung túng sai phạm từ tỉnh đến huyện xã hay không? Rất mong có một cuộc thanh tra kiểm tra để dân không còn bức xúc. Đừng để vụ việc bị chìm xuồng như trước đó. Chính trị , Pháp luật , Tin trong nước
No comments:
Post a Comment