Cập nhật tin tức nóng hổi

Căng thẳng biên giới với Trung Quốc đẩy Ấn Độ về phía Mỹ

Tranh chấp biên giới kéo dài giữa Trung Quốc - Ấn Độ đã làm căng thẳng thêm mối quan hệ song phương của hai nước. Tuy nhiên, đây được xem là cơ hội mang đến lợi thế cho Hoa Kỳ.

Căng thẳng vẫn chưa được giải quyết

Ngày 6/6, các tướng lĩnh hàng đầu Trung Quốc và Ấn Độ đã gặp nhau để giải quyết cuộc đối đầu kéo dài hơn một tháng giữa quân đội hai nước thông qua ngoại giao nhưng theo các nhà phân tích, cuộc họp kết thúc mà không có khả năng hóa giải khủng hoảng.

Cuộc khủng hoảng biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ bắt đầu căng thẳng từ tháng 5/2020, cả hai quốc gia âm thầm di chuyển nhiều vũ khí hạng nặng đến sát các căn cứ vùng tranh chấp. Các chuyên gia nhận định mối quan hệ Trung - Ấn đang ở giai đoạn nghiêm trọng nhất trong nhiều thập niên qua.

Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh cho biết, một “số lượng đáng kể” quân đội Trung Quốc đã di chuyển vào khu vực tranh chấp tại biên giới Hy Mã Lạp Sơn giữa hai nước.

"Ấn Độ đã làm những gì cần làm. Chúng tôi không muốn bất kỳ quốc gia nào cúi đầu trước chúng tôi và chúng tôi sẽ không cúi đầu trước bất kỳ quốc gia nào", ông Singh nhấn mạnh.

Trong khi đó, Trung Quốc lại cho rằng Ấn Độ đã vượt qua đường kiểm soát thực tế (LAC) ở Galwan và xâm nhập lãnh thổ Trung Quốc ở Aksai Chin.

Trước cuộc đối đầu gay gắt, Ấn Độ tiếp tục tiến hành những bước đi cứng rắn được cho là nhằm kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc tại Ấn Độ - Thái Bình Dương. Ngày 4/6, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và người đồng cấp Úc, Scott Morrison đã ký hiệp ước tăng cường quan hệ quân sự.

Ấn Độ tăng cường hợp tác với Mỹ

Căn cứ vào tình hình thực tế, mối quan hệ địa chính trị giữa Hoa Kỳ và Ấn Độ đã phát triển mạnh mẽ hơn theo thời gian, chủ yếu do Trung Quốc trở nên quyết đoán hơn.
Căng thẳng biên giới với Trung Quốc đẩy Ấn Độ về phía Mỹ
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi gặp mặt vào tháng 2/2020. Căng thẳng giữa Ấn Độ và Trung Quốc mang đến cho Washington cơ hội tăng cường mối quan hệ với New Delhi

Sáng kiến “Một vành đai, một con đường” của Bắc Kinh, cùng với việc Trung Quốc tăng cường sự hiện diện của mình ở Pakistan, Sri Lanka và các điểm khác dọc theo Ấn Độ Dương đã khiến mối quan hệ song phương Trung - Ấn nảy sinh những bất đồng. Ngược lại, Mỹ - Ấn có những bước tiến hợp tác đáng kể. Những năm gần đây, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nỗ lực tăng cường quan hệ với các nước ở Đông và Đông Nam Á thông qua chính sách Act East. Đồng thời, nhấn mạnh sự hiện diện ngày càng tăng của Mỹ vào Ấn Độ - Thái Bình Dương đã tạo ra một khuôn khổ hợp tác an ninh tốt hơn.

QUAD (Bộ tứ kim cương) dùng để chỉ quan hệ đối tác chiến lược không chính thức giữa Mỹ, Ấn Độ, Úc và Nhật Bản, đang tạo thành một liên minh ngầm chống Trung Quốc.

Với Mỹ, hợp tác Mỹ - Ấn rất quan trọng bởi nó không chỉ đảm bảo an ninh cho Ấn Độ Dương mà còn là đòn đẩy lớn hơn cho Tây Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, quan hệ đối tác chiến lược Mỹ - Ấn sẽ tạo nên những thách thức lớn cho Trung Quốc trong trường hợp chiến tranh xảy ra ở Đông Á.
Trong năm 2019-2020, Tổng thống Ấn Độ và Mỹ đã có nhiều chuyến thăm lẫn nhau, thúc đẩy hợp tác về thương mại và quốc phòng. Tháng 2/2020, Ấn Độ tuyên bố mua vũ khí của Mỹ trị giá 3 tỷ USD và đang dần thay thế, tránh phụ thuộc vào các chuỗi cung ứng ở Trung Quốc.

CHUNG THU HƯƠNG (theo CNN, SCMP và Japan Times)/ Báo Phụ Nữ ,

No comments:

Post a Comment