Không dừng lại ở một trường hợp thí sinh rớt cả ba nguyện vọng được vào học ngay nguyện vọng 1 là Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TPHCM) - Báo Phụ Nữ TPHCM đã có bài phản ánh (ngày 29/4), chúng tôi còn điều tra ra hàng chục trường hợp được Sở GD-ĐT TPHCM “hô biến” từ rớt thành đậu trong kỳ tuyển sinh lớp Mười năm học 2018-2019.
Theo điều tra của Báo Phụ Nữ TPHCM, chỉ tính trong kỳ tuyển sinh vào lớp Mười công lập năm học 2018-2019, có hơn 30 thí sinh không đủ điểm trúng tuyển mà vẫn đậu ngay từ đầu năm học. Nhưng chắc chắn, thống kê của chúng tôi vẫn chưa đầy đủ, chỉ có những nhà quản lý giáo dục mới biết chính xác. Có không ít trường hợp thiếu đến gần 10 điểm, trường hợp ít nhất thì thiếu 0,5 điểm…
Thiếu 10 điểm vẫn vào trường công lập
Thí sinh V. hiện đang là học sinh Trường THPT Nguyễn Hiền (Q.11). Ở kỳ tuyển sinh vào lớp Mười, V. có điểm thi văn 5,5; ngoại ngữ 5,75 điểm và toán 2,75 điểm. Công thức tính điểm tuyển sinh lớp Mười tại TP.HCM là toán, văn nhân hệ số 2. Như vậy, tổng điểm thi của thí sinh này là 22,25 điểm. Trong khi, điểm chuẩn trúng tuyển vào Trường THPT Nguyễn Hiền năm học 2018-2019 là nguyện vọng (NV) 1: 29 điểm, NV2: 29,75 điểm và NV3: 30,75 điểm. Giả sử chỉ lấy điểm chuẩn thấp nhất là 29 điểm thì thí sinh này thiếu tới 6,75 điểm. Theo Quyết định 1394 của UBND TP.HCM về Ban hành Kế hoạch huy động trẻ ra lớp và tuyển sinh các lớp đầu cấp năm học 2018-2019 thì điểm cộng thêm cho đối tượng hưởng chế độ ưu tiên, khuyến khích tối đa không quá 3 điểm. Như vậy, kể cả khi là đối tượng được hưởng tối đa điểm ưu tiên thì V. vẫn còn cách xa chuẩn để đậu vào trường này.
Tương tự, thí sinh H. cũng trúng tuyển Trường THPT Hoàng Hoa Thám (Q.Bình Thạnh) với tổng điểm thi chỉ đạt 22, trong khi điểm chuẩn để vào trường này thấp nhất là 30,25 điểm. Kể cả khi được hưởng điểm ưu tiên và khuyến khích tối đa thì H. vẫn thiếu đến hơn 5 điểm mới có thể vào học trường này. Cùng năm này, A. với điểm thi 4,75; 6,5 và 4,25 cũng được vào học Trường THPT Hoàng Hoa Thám.
Bất ngờ hơn, thí sinh M. với tổng điểm thi chỉ đạt 21,5 lại trúng tuyển vào Trường THPT Nam Sài Gòn (Q.7) có điểm chuẩn NV1 là 32 điểm.
Trường THPT Phú Nhuận (Q.Phú Nhuận) có điểm chuẩn tuyển sinh lớp Mười năm học 2018-2019 là NV1: 36,75, NV2: 37,75 và NV3: 38 nhưng một thí sinh tên H. dù chỉ thi được môn 1 là 6,75 điểm, môn 2 là 4,25 điểm và môn 3 là 4,5 điểm vẫn được vào học tại ngôi trường có điểm chuẩn cao chót vót này.
Còn P. từng là học sinh Trường THCS Lam Sơn (Q.6), tổng điểm dự thi tuyển sinh vào lớp Mười chỉ đạt 18,25 nhưng vẫn nghiễm nhiên vào học tại Trường THPT Phạm Phú Thứ. Được biết, năm học đó, trường này có điểm chuẩn thấp nhất là 24,75 điểm.
Không chỉ có một trường hợp ở một trường
Trường hợp M. lần lượt có điểm thi là 4; 2,5 và 2 nhưng sau đó thí sinh này vẫn đi học tại Trường THPT Linh Trung (Q.Thủ Đức). Trong khi điểm chuẩn tuyển sinh năm học 2018-2019 của trường này là 22,25 cho NV1. Ngoài M. không đủ điểm vẫn trúng tuyển, còn có L. và K. tuy không đủ điểm chuẩn nhưng vẫn vào học lớp Mười của trường này ngay từ đầu. Trong khi theo quy định, thí sinh tuyệt đối không được đổi nguyện vọng sau khi đã có kết quả. Và trường THPT chỉ được nhận thí sinh trúng tuyển vào trường theo danh sách NV đã đăng ký.
Cùng năm, Trường THPT Hàn Thuyên “vớt” hàng loạt thí sinh thiếu điểm. Thí sinh B. có điểm thi lần lượt là 4,25; 4,5; 0,5. Dù có tính theo công thức nào thì thí sinh này cũng cách điểm chuẩn NV1 năm đó của trường là 25,25 điểm một khoảng cách quá xa. Thí sinh N. cũng có tổng điểm thi (chưa tính điểm ưu tiên, khuyến khích) là 18,25 điểm cũng được vào lớp Mười trường này.
Một vài phụ huynh còn bán tín bán nghi trước thông tin thí sinh B. (cựu học sinh Trường THCS Cầu Kiệu, Q.Phú Nhuận) có điểm thi rất thấp nhưng vẫn vào học lớp Mười tại Trường THPT Lê Thị Hồng Gấm (Q.3). Theo tìm hiểu của chúng tôi, B. thi được 14,25 điểm, trong khi điểm chuẩn của trường này là 24,75 điểm. Dù có cộng điểm ưu tiên, khuyến khích tối đa thì B. vẫn không đủ điểm để vào trường này. Phụ huynh còn xầm xì trong năm học này, có không dưới 2-3 thí sinh không đủ điểm được vào học tại đây.
Trường THPT Thanh Đa (Q.Bình Thạnh) có hàng loạt thí sinh như T. chỉ thi được 17,25 điểm; H. (19 điểm), V. (19,75 điểm) và nhiều thí sinh khác không đủ điểm được vào học lớp Mười tại đây. Trong khi điểm chuẩn tuyển sinh NV1 của trường này là 25,5 điểm.
Dù điểm chuẩn Trường THPT Phan Đăng Lưu (Q.Bình Thạnh) lần lượt là 26,25; 27; 28 nhưng có không ít thí sinh chỉ đạt 16,5 điểm, 18 điểm, 19,75 điểm… vào học lớp Mười.
Tương tự, Trường THPT Thạnh Lộc (Q.12) cũng có hàng loạt thí sinh dưới 20 điểm vào học trong khi trường này điểm trúng tuyển vào trường từ 25,75 điểm trở lên.
Như vậy, có những học sinh thiếu tới 9 điểm (nếu không tính điểm ưu tiên) vẫn được vào học. Vậy liệu có công bằng với những học sinh vất vả dự thi hay không? Chúng ta sẽ trả lời sao với học sinh, phụ huynh? Đó cũng là câu hỏi mà Báo Phụ Nữ TP.HCM muốn gửi đến các nhà quản lý giáo dục, những người có quyền và nhiệm vụ cầm trịch kỳ tuyển sinh “nóng” này.
Ai sẽ có kim bài... miễn rớt?
Trước đó, Báo Phụ Nữ TPHCM đã có bài Rớt cả ba nguyện vọng nhưng vẫn đậu lớp Mười nhờ quyết định trúng tuyển của Giám đốc Sở GD-ĐT? phản ánh thí sinh A. trúng tuyển vào Trường THPT Nguyễn Du (Q.10) dù thiếu đến 7,25 điểm - một con số không tưởng trong kỳ tuyển sinh cạnh tranh gay gắt có tỷ lệ “chọi” cao như kỳ tuyển sinh vào lớp Mười công lập ở TPHCM. Ở kỳ thi này, số phận đậu - rớt được định đoạt bởi điểm số sít sao đến từng 0,25 điểm. Vào năm đó, có khoảng 86.000 thí sinh dự thi trong khi chỉ tiêu hơn 68.000, nghĩa là có khoảng 17.000 học sinh phải rớt.
Trong buổi gặp với Báo Phụ Nữ TPHCM sau bài viết, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, thừa nhận, sở đã giải quyết cho trường hợp thí sinh A. vào Trường THPT Nguyễn Du (Q.10) vì hoàn cảnh gia đình quá neo đơn, cũng là con em trong ngành cần chỗ học gần nhà. Theo ông Hiếu, trước đây, ngành giáo dục vẫn có thông lệ giải quyết chỗ học cho con em có cha mẹ đang công tác trong ngành nếu chẳng may rớt hết ba NV và có đơn xin. Phương án giải quyết là cho có chỗ học, gần nhà nên thường du di trong khoảng 2 điểm. Khi xác minh lại với một vị nguyên phó giám đốc phụ trách khảo thí thì ngành giáo dục đúng là có sự du di này, vì nếu không giúp người trong ngành thì làm sao họ yên tâm công tác, với thu nhập của nhân viên, giáo viên không đủ nuôi con học trường tư.
“Năm 2018 là năm đầu tiên tôi phụ trách công tác khảo thí, hội đồng có giải quyết cho một vài trường hợp. Tuy nhiên, tôi thấy không hợp lý nên đề xuất từ kỳ tuyển sinh sau bỏ việc giải quyết theo hướng tình cảm như vậy”, ông Hiếu
cho biết.
Không chỉ một vài mà là hàng chục thí sinh được “hô biến” từ đậu thành rớt với cách biệt điểm số không tưởng cho một kỳ thi tuyển. Xét về lý, rõ ràng đã sai. Bởi, nếu ngành giáo dục phải giúp con em trong ngành thì ai sẽ giúp con em người lao động - chắc chắn có không ít trường hợp còn khó khăn hơn thầy cô giáo?
Tạm bỏ qua khía cạnh nhà quản lý “chăm lo” cho cấp dưới, người lao động. Ở khía cạnh khác, nhà quản lý ở đây cũng chính là nhà sư phạm. Phụ huynh của những thí sinh được đặc cách cũng là những nhà sư phạm, nhà quản lý giáo dục ở các trường. Hơn ai hết, cần phải làm gương cho người trong ngành, cho con em mình bài học về sự trung thực; và càng phải giữ sự công bằng cho những đứa học trò còn lại của mình. Còn những học sinh bước vào lớp Mười bằng tấm “kim bài” lại thừa nhận sự ngoại lệ của bản thân một cách mặc nhiên thì thật nguy hiểm. Khi đó, ở độ tuổi 15, chẳng lẽ, các học sinh này chưa từng thắc mắc vì sao mình thi chỉ ngần ấy điểm mà vẫn đậu trường A, trường B? Còn điều quan trọng nữa là ở một kỳ tuyển sinh, quy chế thi được ban hành chính là pháp lệnh, không có ngoại lệ, không thay đổi hay du di cho bất kỳ ai. Nếu người trong ngành giáo dục vi phạm quy chế của mình thì làm sao có thể dạy học sinh thượng tôn pháp luật khi lớn lên?
Liệu kim bài miễn rớt có dừng lại ở con em trong ngành hay còn mở rộng ra các mối quan hệ, thậm chí là có tiêu cực… Câu trả lời xin dành cho các vị quản lý giáo dục.
Nhóm Phóng Viên/ Báo Phụ Nữ Giáo dục , Tin trong nước , Xã hội
No comments:
Post a Comment