Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, cuộc khủng hoảng sức khỏe tồi tệ sẽ khiến 70-100 triệu người rơi vào tình trạng đói nghèo cùng cực.
Suy thoái kinh tế trầm trọng
Đại dịch COVID-19 là một “cú sốc nhanh và lớn” đã gây ra sự suy thoái kinh tế toàn cầu lớn nhất kể từ năm 1870, dù các chính phủ đã chi hàng ngàn tỷ đô la nhằm hỗ trợ và kích cầu kinh tế, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết. Nền kinh tế thế giới dự kiến sẽ giảm 5,2% trong năm nay khi số quốc gia hứng chịu thiệt hại nặng nề bởi dịch bệnh ngày càng gia tăng.
Bà Ceyla Pazarbasioglu, Phó chủ tịch Khối Tăng trưởng Bình đẳng, Tài chính và Định chế của WB cảnh báo: “Cuộc khủng hoảng có thể để lại những vết sẹo lâu dài và đặt ra những thách thức lớn trên toàn cầu.
Ảnh: Người dân xếp hàng tại một điểm phân phối thực phẩm miễn phí
Tác động sâu của cuộc khủng hoảng sẽ khiến 70-100 triệu người rơi vào tình trạng nghèo đói cùng cực - tệ hơn so với ước tính 60 triệu người trước đó”.
Trong khi WB kỳ vọng sự hồi phục sẽ đến vào năm 2021 nhưng vẫn không loại trừ nguy cơ một đợt bùng phát thứ hai có thể làm suy yếu sự phục hồi và biến cuộc khủng hoảng kinh tế thành một cuộc khủng hoảng tài chính.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh chưa có dấu hiệu được khống chế ở Hoa Kỳ, khu vực Nam Á và Nam Mỹ, kịch bản suy thoái kinh tế tồi tệ nhất mà WB dự báo sẽ ở mức giảm 8%.
Hoa Kỳ bắt đầu bước vào giai đoạn suy thoái trong tháng Hai, chấm dứt 128 tháng tăng trưởng không ngừng. Cục Nghiên cứu kinh tế quốc gia (NBER), một tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận, cho rằng tình hình hiện tại của nền kinh tế lớn nhất thế giới là một điều chưa từng thấy do sự sụt giảm việc làm và sản xuất.
Dù báo cáo mới nhất của Cục Thống kê lao động Mỹ cho biết hơn 2,5 triệu việc làm đã được bổ sung trong tháng Năm, giúp tỷ lệ thất nghiệp tại đây giảm xuống còn 13,3% so với mức cao kỷ lục 14,7% trong tháng Tư, song các chuyên gia cho rằng không nên quá kỳ vọng. Bởi sau khi chính phủ tạm dừng các khoản trợ cấp trong tháng Bảy, hàng triệu công dân nước này có nguy cơ sẽ ồ ạt nộp đơn xin hỗ trợ thất nghiệp.
Tương lai ảm đạm
Theo WB, trong khi Trung Quốc sẽ chứng kiến mức tăng GDP chỉ 1%, thì đa phần nền kinh tế các quốc gia còn lại khá ảm đạm: Mỹ và Nhật Bản giảm 6,1%, khu vực đồng euro (Eurozone) giảm 9,1%, Brazil giảm 8%, Mexico giảm 7,5% và Ấn Độ giảm 3,2%. Tùy theo tình hình thực tế của dịch bệnh, mức suy thoái có thể trở nên tồi tệ hơn.
Để cứu nền kinh tế khỏi bị sụp đổ, Brazil và Ấn Độ đã đánh cược lớn khi bãi bỏ lệnh giới nghiêm dù số lượng bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 không ngừng tăng cao. Các chuyên gia kinh tế cho rằng đây là bước đi khá mạo hiểm, nếu dịch bệnh lây lan diện rộng, tình hình sẽ khó kiểm soát hơn.
Trong khi đó, dịch COVID-19 vẫn tiềm ẩn những rủi ro cao nên nhiều quốc gia vẫn duy trì một số biện pháp hạn chế khiến nền kinh tế toàn cầu năm 2020 giảm sâu tới 8-10% ở các nước có nền kinh tế tiên tiến và giảm 5%ở các thị trường mới nổi.
Đặc biệt, sự gián đoạn trong sản xuất sẽ làm suy yếu khả năng các doanhnghiệp trong việc duy trì hoạt động và xử lý nợ của họ, dẫn đến việc vỡ nợ và khủng hoảng tài chính.
Ngay cả khi sự phục hồi toàn cầu dự kiến đạt mức 4,2% vào năm 2021 thành hiện thực, “ở nhiều quốc gia, suy thoái sâu được kích hoạt bởi COVID-19 có thể sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến sản lượng tiềm năng trong nhiều năm tới”.
CHUNG THU HƯƠNG (theo AP, Economist)/ Báo Phụ Nữ Kinh tế , Tin quốc tế , Tin trong nước , Y tế
No comments:
Post a Comment