Một vụ án về tai nạn giao thông nhưng kết quả xét xử không giúp bị cáo nhận ra lỗi của mình mà còn dẫn đến một kết cục bi thảm hơn, bị cáo chọn cách kết thúc sự sống để phản ứng lại mức án mà ông cho rằng mình đã bị oan sai.
Ảnh: Ông Lương Hữu Phước
Phiên tòa ở Bình Phước đã kết thúc nhưng để lại nhiều khoảng trống về pháp lý lẫn nỗi ám ảnh về số phận một con người.
Chiều 29/5, một người đàn ông nằm bất động ở khoảng sân phía trước Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Bình Phước. Nạn nhân là ông Lương Hữu Phước - 52 tuổi, ở phường Tân Xuân, TP. Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước, là bị cáo trong một vụ án được xét xử trong buổi sáng cùng ngày.
Công an cho biết, nạn nhân nhảy từ tầng hai xuống đất, dẫn đến tử vong.
Trước đó vài giờ, TAND tỉnh Bình Phước xử phúc thẩm, tuyên ông Phước y án sơ thẩm với mức án ba năm tù giam về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, theo điểm b, khoản 2, Điều 202 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Trước phiên xử phúc thẩm, ông Phước được tại ngoại vì bản án trước đó chưa thi hành. Vụ án về tai nạn giao thông này hầu như không được dư luận biết đến.
Sau phiên tòa, vụ việc mới được quan tâm đặc biệt, nhất là trước khi quyết định kết thúc sự sống, ông Phước viết trên Facebook cá nhân với nội dung hàm ý rằng, sẽ dùng cái chết để thức tỉnh những người đã khiến ông bị kết án oan…
Theo hồ sơ vụ án, từ sáng đến trưa 15/1/2017, ông Phước uống rượu rồi chở ông Trần Hữu Quý (36 tuổi) đi hát karaoke. Khi thấy ông Quý không đội mũ bảo hiểm, ông Phước chở ông Quý về nhà lấy mũ.
Đến đường Nguyễn Huệ, ông Phước rẽ trái về hướng nhà ông Quý nhưng không bật xi-nhan xin đường. Khi xe của ông Phước chạy tới phần đường ngược lại thì bị xe máy do ông Lâm Tươi điều khiển chở theo một thanh niên đâm vào. Vụ tai nạn khiến ông Phước và ông Quý bị thương nặng. Hai ngày sau, ông Quý tử vong.
Đến tháng 5/2017, ông Phước bị khởi tố về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.
Tháng 3/2018, TAND TP. Đồng Xoài xét xử sơ thẩm, tuyên phạt ông Phước ba năm tù.
Tuy nhiên, ba tháng sau, TAND tỉnh Bình Phước tuyên hủy án sơ thẩm, yêu cầu điều tra lại do “vi phạm tố tụng, thiếu sót nhiều chứng cứ quan trọng để buộc tội”.
Tháng 12/2019, TAND TP. Đồng Xoài mở phiên xử sơ thẩm lần thứ hai, tuyên ông Phước ba năm tù. Không chấp nhận bản án, ông Phước kháng cáo kêu oan.
Đến phiên phúc thẩm mới đây, ông Phước bị tuyên y án ba năm tù. Lần này, ông Phước nhảy lầu tự tử như một cách để khẳng định rằng mình bị oan sai.
Ảnh minh họa
Sau cái chết của ông Phước, trong giới luật sư xảy ra bất đồng quan điểm khi nhận định về mức án của ông Phước.
Một số luật sư cho rằng, trước khi nói “oan hay không oan”, phải nói đến lỗi của ông Phước như uống rượu khi tham gia giao thông, điều khiển phương tiện chở người tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm, quay đầu xe sang làn đường khác không quan sát, không bật đèn xi-nhan, không ưu tiên cho người đang tham gia giao thông theo đúng làn đường của họ… Các hành vi vi phạm này là lỗi trực tiếp dẫn đến vụ tai nạn khiến ông Quý tử vong.
Đối với ông Lâm Tươi - người tông vào xe của ông Phước - luật sư cho rằng, người này cũng có lỗi như không có giấy phép lái xe, nhưng lỗi này chỉ là lỗi gián tiếp, không phải là nguyên nhân chính gây ra vụ tai nạn.
“Nếu bị cáo Phước chở ông Quý mà tuân thủ đúng luật giao thông, đội nón bảo hiểm, chú ý quan sát và nhường đường khi chuyển làn thì hậu quả đáng tiếc có thể đã không xảy ra” - một luật sư lập luận.
Tuy nhiên, một số luật sư cho rằng, trong vụ tai nạn này, cả ông Phước và ông Lâm Tươi đều có lỗi. Đây là lỗi hỗn hợp nên khi xét xử, phải làm rõ hành vi của hai bên, nhất là khi quá trình điều tra có nhiều tình tiết chưa được làm sáng tỏ.
“Tại hiện trường, không có vết thắng xe, chứng tỏ ông Lâm Tươi gần như không có phản ứng gì trước khi xảy ra vụ va chạm. Do vậy, cần làm rõ thêm nguyên nhân. Nếu ông Lâm Tươi không có bằng lái xe, lại uống rượu say tới mức không thể xử lý được tình huống bình thường khi tham gia giao thông thì không thể xem đây là lỗi gián tiếp được” - một luật sư phân tích.
"Nếu ông Phước bị oan, cần phải được minh oan"
Trao đổi với chúng tôi, luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TPHCM) nhận định: “Qua theo dõi vụ án, tôi nhận thấy tòa chưa làm rõ được lỗi bên nào lớn hơn bên nào; TAND tỉnh Bình Phước cũng cho thấy có mâu thuẫn trong việc đánh giá chứng cứ vì đã từng trả hồ sơ, yêu cầu điều tra, xét xử lại vì còn nhiều điều chưa rõ ràng".
Luật sư Hùng phân tích: “Ông Phước điều khiển phương tiện trong trạng thái có uống rượu và chở người ngồi sau không đội mũ bảo hiểm là sai, nhưng đây có phải là lỗi chính hay không thì chưa rõ, vì ông Phước khai khi qua đường, ông có quan sát và giảm tốc độ.
Hai chiếc xe tại hiện trường
Trong khi đó, tòa chưa xác định được lúc xảy ra tai nạn, ông Lâm Tươi đang chạy với tốc độ như thế nào, có quan sát hay không. Có nhân chứng cho rằng, lúc đó, ông Lâm Tươi chạy với tốc độ cao, lại quay đầu nói chuyện với người ngồi sau nên không quan sát, không xử lý được tình huống.
Mặt khác, vụ va chạm cũng chưa rõ xảy ra ở làn đường bên nào. Do còn nhiều tình tiết chưa được làm rõ nên người theo dõi vụ án cảm thấy mức án tuyên như vậy là chưa thuyết phục. Có thể đây cũng là nguyên nhân khiến bị cáo cảm thấy mình bị oan sai, dẫn đến hành động tự tử”.
Theo luật sư Hùng, với diễn biến vụ án như trên, việc TAND Tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại TPHCM yêu cầu cơ quan tố tụng tỉnh Bình Phước báo cáo toàn bộ vụ án để xem xét lại toàn diện là điều cần thiết. Sau khi xem xét, nếu thấy cơ quan tố tụng tỉnh Bình Phước vi phạm, thiếu sót, cơ quan tố tụng cấp cao sẽ ra kháng nghị xem lại bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Bình Phước. Nếu có căn cứ xác định ông Phước không có lỗi, bị oan, TAND hoặc Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Phước phải đình chỉ điều tra, ra quyết định minh oan dù ông Phước đã mất.
TRUNG THANH/ Báo Phụ Nữ Chính trị , Pháp luật , Tin trong nước
No comments:
Post a Comment