Cập nhật tin tức nóng hổi

Nếu lẽ công bằng chờ vào quả báo, chúng ta đã thất bại!

Nếu lẽ công bằng chờ vào quả báo, chúng ta đã thất bại!
1. Dân, một người gần như tứ cố vô thân, bị người ngồi sau giằng co khiến không làm chủ tay lái, sau đó bị xe của kẻ dùng chất kích thích tông vào khiến người ngồi sau tử vong. Dân bị thương nặng. Sau mấy ngày chữa trị xong, dân bị khởi tố và bị tuyên 3 năm tù.

Hai năm gõ khắp mọi ngóc ngách cửa công kêu oan, cuối cùng dân vẫn bị tuyên án một cách lạnh lùng. Phẫn uất, và muốn bảo vệ mình mãi mãi không có tội đến như thế, dân đã tìm đến cái chết, ngay sau buổi mức án được tuyên.

Hôm sau, toà án họp báo ngay tức thì. Khẳng định toà làm đúng pháp luật, trong cái bản mặt lạnh lùng cố hữu dù quá trình tố tụng đã bị chỉ ra nhiều sai phạm và phải trả hồ sơ để điều tra lại vụ án từ đầu.

Cái chết của "dân" không thức tỉnh được những bản chất lạnh, nhưng cũng đưa đến một câu hỏi: Có bao nhiêu "dân" như vậy trong cái lạnh lùng đến kinh hãi kia của cơ quan công quyền?

(Chuyện xảy ra ở Bình Phước, mới đây)

2. Quan, giữ đến chức Trưởng Ban Nội chính của một tỉnh, lái xe hơi sang trọng trong tình trạng sử dụng bia rượu. Quan đã tông xe thẳng vào một dân đang đi xe đạp khiến dân ngã vào một cái xe máy đang lao tới, dân tử vong tại chỗ. Dân chạy xe máy kia thì bị thương nặng.

Quan bất chấp, tiếp tục phóng xe điên cuồng, tông tiếp vào dân khác khiến dân bị thương. Quan tiếp tục lái xe bỏ chạy. Các dân khác hô hoán đuổi theo, đến một khu công nghiệp, bị bảo vệ chặn lại, quan tiếp tục tông xe vào cổng sắt khu công nghiệp.

Khi bị dừng xe, quan cố thủ trong xe, vẫn lướt điện thoại và tươi cười như thể không có gì phải sợ. Cái ung dung của quan mới gây kinh sợ, dù phía đằng sau là một mạng người và những mạng người khác chưa biết sẽ ra sao. Một chút trắc ẩn cho đồng loại cũng chẳng mảy may được tỏ ra dù cho là trắc ẩn giả dối đi chăng nữa. Hay cứ là quan điều phải "lạnh" như thế nhỉ?

Nghe sơ qua thì cũng hình dung đây không đơn thuần là một vụ tai nạn, mà là một vụ "truy sát" bằng xe ô tô, của quan.

Nếu không có những tấm hình được tung lên mạng, có lẽ giờ này vụ án chắc sẽ im lặng lắm. Báo chí viết lý nhí "nghi án" thời gian đầu. Nào đâu dám điểm đúng mặt chỉ đúng tên.

Vụ truy sát bằng xe ô tô xảy ra khá lâu, cơ quan điều tra mới khởi tố. Tang chứng vật chứng nhân chứng và nạn nhân rõ mười mươi ra đấy, nhưng "quan" vẫn chưa bị khởi tố bị can, ngoài cái việc họp và kỷ luật theo "quy trình".

(Chuyện xảy ra ở Thái Bình, mới đây)

3. Chúng ta thấy gì bằng 2 vụ việc ở trên? Tôi thấy ở hai vụ án đó, để dân thành tội phạm rất dễ dàng, còn để quan phải chịu trách nhiệm trước tội lỗi mình gây ra, khó khăn hơn rất nhiều. Hai vụ án với những tình tiết đối lập, mới thấy những người nắm trong tay cán cân công lý, đang cân đong những được mất của đồng loại như thế nào, ở nơi đây.

Người dân có số phận đầy bi kịch ở Bình Phước là ông Lương Hữu Phước, không có gì trong tay, từng có một thảm cảnh vì miệng lưỡi người đời sau khi người con gái qua đời nên phải bỏ xứ mà đi; gặp bao tai ương sóng gió trong đời; hai năm oan nghiệt đội đơn đi khắp nơi kêu oan nhưng cuối cùng, kể cả mạng sống, thứ quý giá nhất phải đưa đi đánh đổi, vẫn không thay đổi được cái oan nghiệt do đời và do người xô đẩy.

Ông quan có con đường quan lộ đẹp đẽ, đẹp đẽ đến mức "truy sát" người bằng xe, vẫn tươi cười ung dung trên xe và "không sao cả" trong những chuỗi ngày rất dài, là ông Nguyễn Văn Điều, Trưởng Ban Nội chính Thái Bình. Ông Điều có xe sang, nhà cao cửa rộng, tự cho mình cái quyền được uống rượu khi lái xe, tự cho mình cái quyền được băng qua mạng sống của bao con người. Cái gì "độ" cho quan mà quan có thể "an yên" lâu đến thế, khi mà trời Phật thì chắc chắn không thể độ cho quan như thế rồi vì trời Phật độ ai, phải căn cứ trên đạo lý và quả báo?

Không biết những người đức cao vọng trọng ở nước ta có mảy may so sánh đơn giản như hai cái vụ trên không?

Không biết những ông bà hay nói lời hay ý đẹp, có cảm thấy nổi da gà với cái lập luận: "Dù có sai phạm nhưng bản chất vụ việc không thay đổi" không?

Đó không phải là lập luận đáng xuất hiện trong ngành tố tụng, nếu không muốn nói là một lập luận đầy bất minh, bất công và vi hiến. Và "nhờ" cái hệ thống tư duy để đúc kết thành cái lập luận ấy, mà có thêm một người phải kết liễu đời mình sau khi tuyên án để rồi sau đó, những khuôn mặt lạnh tanh lại áp dụng ngay "làm đúng pháp luật"

Pháp luật đang đại diện cho ai, khi mà một người dân phải tự kết liễu đời mình ngay chốn công đường, và một ông quan nhởn nhơ yên bình dù mới gây ra án mạng liên tiếp trên đường?

Dù không muốn suy diễn, không muốn đúc kết, nhưng từ hai vụ việc trên, chúng ta có thấy mạng của người dân quá rẻ rúng không? Còn để quan phải đền tội là một việc vô cùng khó khăn không? Để quan phải chịu trách nhiệm trước cái sai khi tước đoạt mạng sống, tước đoạt tự do và danh dự của người dân, cũng là một việc vô cùng khó khăn không?

Lẽ công bằng ở đời mà cứ trông chờ vào quả báo, chúng ta đã mất mát và thất bại lắm rồi đấy, cao xanh ạ!

Theo FB Nhà Báo Hoàng Nguyên Vũ , ,

No comments:

Post a Comment