Nhẹ dạ vào những lời đường mật từ nhân viên tư vấn, chị Nguyễn Thị Thanh Yến bỏ ra hơn 2 tỷ đồng mua sản phẩm kỳ nghỉ dưỡng của Công ty Vịnh Thiên Đường. Nhưng đến giờ, hợp đồng đã ký, lời hứa hẹn chỉ là dối lừa khiến chị hóa tâm thần.
Hóa tâm thần vì vay mượn đầu tư
Cầm tờ giấy giám định tâm thần trên tay cùng quyết định nghỉ việc, chị Nguyễn Thị Thanh Yến (sinh năm 1969, Hà Nội), tay vẫn run run nhấc chiếc điện thoại đi cầu cứu ở mọi nơi. Hầu như ngày nào, chị cũng cùng với những người cùng hoàn cảnh đến trụ sở của Công ty Vịnh Thiên Đường để yêu cầu giải quyết trả lại tiền, thanh lý hợp đồng.
4 năm trước, chị Yến đã được mời đến hội thảo của Công ty TNHH Khu Du lịch Vịnh Thiên Đường về khu nghỉ dưỡng cao cấp ALMA Resort Cam Ranh, được giới thiệu gói sản phẩm nghỉ dưỡng. Trong 3 năm liền đều được mời tới hội thảo, nhưng chị vẫn quyết định không bỏ tiền mua bởi hoài nghi về sản phẩm.
Áp lực nợ nần khiến chị Nguyễn Thị Thanh Yến hóa "tâm thần" thân hình tiều tụy và những biến cố gia đình kể từ khi ký hợp đồng với ALMA - Vịnh Thiên Đường.
Đầu năm 2019, khi trở lại hội thảo với hình thức quảng cáo thay đổi, với lời tư vấn nhiệt tình mở ra viễn cảnh lợi nhuận khổng lồ từ đầu tư kỳ nghỉ dưỡng bên cạnh cơ hội hưởng thụ cho cả gia đình, chị Yến đã giấu chồng con quyết định mua 1 kỳ nghỉ dưỡng với mong muốn làm điều bất ngờ để hàng năm gia đình nội, ngoại có chỗ đi du lịch. Chị đã bỏ ra 500 triệu đồng mua một kỳ nghỉ dưỡng của ALMA. Ngay sau đó, bằng cách này hay cách khác, nhân viên tư vấn đã khôn khéo dụ dỗ “con mồi” vào tròng với việc lần lượt ký tới mua 6 hợp đồng của ALMA với tổng giá trị hơn 2 tỷ đồng.
6 bản hợp đồng thể hiện chị Nguyễn Thị Thanh Yến ký kết với ALMA - Vịnh Thiên Đường.
Nhưng đến giữa năm 2019, khi tìm hiểu về kỳ nghỉ dưỡng này, chị mới bất ngờ vì sự thật trái hoàn toàn so với lời quảng cáo. Cụ thể, mỗi một hợp đồng sẽ lên tới vài trăm triệu chỉ để sở hữu kỳ nghỉ 7 ngày mỗi năm và thời gian kéo dài hơn 35 năm. Trái với quảng cáo cho rằng, việc sở hữu kỳ nghỉ cho từng căn sẽ y như sở hữu căn hộ, và có thể chuyển nhượng được, sinh lời cao 10 - 16% thì thực tế khách hàng không được phép sang nhượng. Chưa kể, để được hưởng kỳ nghỉ này chỉ có chủ sở hữu mới được tham gia nghỉ dưỡng, không thể dành cho người khác và phải đóng phí hàng năm từ 5 - 9 triệu đồng/tháng.
7 bản hợp đồng chị Yến cho rằng phía ALMA - Vịnh Thiên Đường giả mạo chữ ký của chị để tạo lòng tin "lừa đảo" nhiều chủ sở hữu khác.
Tất cả điều đó chưa dừng lại, chị Yến còn cho biết, phía ALMA còn giả chữ ký của chị để tạo ra mã giảm giá mới cho khách hàng khác. “Nếu khách hàng cũ giới thiệu khách hàng mới sẽ được khấu trừ 35%. Nhân viên tư vấn đã chủ động tự ký chữ ký của tôi, sử dụng tên tôi trở thành mã giảm giá cho khách hàng mới mà không được sự nhất trí của tôi. Khi tôi yêu cầu làm rõ, họ đã từ chối trả lời và vòng vo giải quyết”.
Người đàn bà ngoài 50 tuổi, đôi mắt đờ đẫn nhìn vào bảng hợp đồng ký kết chỉ lặp lại câu hỏi: “Đến bao giờ ALMA gửi lại tiền cho tôi!”. Chị chia sẻ, khoản tiền hơn 2 tỷ đồng đầu tư vào kỳ nghỉ dưỡng ALMA tích góp của vợ chồng làm công chức Nhà nước sau bao năm, cộng thêm vay từ bố người thân, họ hàng. Điều hối hận nhất với chị là đã vay một khoản tiền lớn từ bố đẻ vừa mới qua đời hôm 14/5 do căn bệnh hiểm nghèo mà không có tiền chạy chữa.
Người phụ nữ lúc tỉnh, lúc mê ấy chia sẻ: “Đến bây giờ tôi vẫn cảm thấy mình như đứa con bất hiếu, vay tiền bố để đầu tư. Chỉ vì không tìm hiểu kỹ lưỡng, đến khi bố ung thư giai đoạn cuối, tôi không có tiền trả bố, cũng chẳng có tiền để lo chữa trị cho bố. Đến khi bố lìa xa cõi đời này, đứa con bất hiếu như tôi chưa trả được vẹn tròn chữ hiếu. Vì vay mượn mà vợ chồng tôi lục đục, con cái vất vả. Nhiều biến cố ập đến khiến tình trạng sức khỏe của tôi sa sút, phải nghỉ việc”.
Đôi mắt chị vô hồn, ngước lên nhìn xung quanh như tìm một sự trợ giúp nào đó: “Tôi biết mình đã thiếu hiểu biết, không đọc kỹ hợp đồng, cả tin vào nhân viên của ALMA, họ đeo bám quấy rầy “khủng bố” bằng điện thoại suốt ngày. Tôi ốm, họ mua những đồ tưởng chừng có giá trị đến thăm, có những lần họ chầu trực từ sáng đến đêm khuya mục đích cuối cùng là tìm ở nơi tôi một cái gật đầu và một chữ ký thì mới chịu ra về. Thực lòng mà nói lỗi do tôi nhẹ dạ không chịu tìm hiểu kỹ trước khi ký hợp đồng, nhưng tôi không thể chấp nhận được việc doanh nghiệp nước ngoài, quảng cáo sai sự thật, lừa đảo người dân. Đến bây giờ không có cơ quan chức năng nào đứng ra cho người tiêu dùng, hành vi lừa đảo trắng trợn như tư vấn sai, cố tình làm khống hợp đồng, giả chữ ký là điều không thể chấp nhận được. Tôi cũng mong mọi người đang trong tầm ngắm của họ tốt nhất hãy tránh xa công ty này ra, "miếng pho - mát miễn phí" chỉ nằm nằm trong bẫy chuột” - chị Yến nói.
ALMA: Những tranh chấp không hồi kết
Câu chuyện của chị Yến chỉ là một trong hàng trăm người bị Công ty TNHH Khu Du lịch Vịnh Thiên Đường lừa đảo với công thức: Đưa một bản hợp đồng dày cộp, quảng cáo mỹ miều về một vùng đất hứa, chăm sóc tận tình với hình ảnh chuyên nghiệp và bài bản.
Thực tế, không chỉ bây giờ mà trước đó, đã có rất nhiều đơn tố cáo Công ty TNHH Khu Du lịch Vịnh Thiên Đường lừa đảo được gửi đến các cơ quan chức năng và báo chí. Song với thủ đoạn tinh vi, doanh nghiệp này vẫn vươn chiếc vòi bạch tuộc để mời chào khách hàng.
Thời gian qua, tần xuất khách hàng kéo đến trụ sở công ty ALMA- Vịnh Thiên Đường tại Phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm cũng như các văn phòng đại diện trên cả nước ngày một đông, tính chất vụ việc ngày càng nghiêm trọng hơn.
Phân tích về thủ đoạn tinh vi của Công ty TNHH Khu du lịch Vịnh Thiên Đường, anh Trần Phong - một chủ sở hữu, đồng thời là một luật sư cũng đã bị lừa ký 1 hợp đồng trị giá 500 triệu đồng cho rằng: "Vịnh Thiên Đường đã sử dụng dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp ALMA Resort Cam Ranh làm mồi nhử, sử dụng các sale làm công cụ và lợi dụng sự “nhẹ dạ” của khách hàng ký các bản hợp đồng để chiếm đoạt tiền của các chủ sở hữu. Để soạn thảo bản hợp đồng cho các chủ sở hữu xuống tiền, phía ALMA đã nắm được điểm yếu của nhiều người Việt Nam là rất hạn chế về kiến thức pháp luật và thông thường chỉ áp dụng các điều khoản của Luật Du lịch, Luật Dân sự và Luật Thương mại mà cố tình không áp dụng một số luật rất quan trọng là Luật Bảo vệ người tiêu dùng và Luật Doanh nghiệp. Vì nếu áp dụng các điều luật này thì hầu như tất cả các điều khoản trong bản hợp đồng này đều vi phạm. Tiếp đó họ đào tạo huấn luyện đội ngũ quản lý Sale hết sức kỹ lưỡng để dụ chủ sở hữu vào tròng. Còn sale tư vấn trực tiếp thì thực ra họ cũng chỉ như cái máy nói thôi.
Hàng ngày, lực lượng công an liên tục phải túc trực để duy trì an ninh trật tự tại trụ sở Công tỵ Vịnh Thiên Đường ở phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm, HN.
Họ rất tinh vi trong sự phối hợp giữa sale và quản lý sale. Nếu khách hàng có những câu hỏi khó dành cho sale thì không hiểu từ đâu, ngay lập tức, quản lý sale sẽ có mặt như một cơn gió để hướng dẫn khách hàng sang một chủ đề khác. Họ vẽ ra rất nhiều điều hoa mỹ và lợi ích kinh tế dành cho các chủ sở hữu nhưng thực tế thì không có bất cứ một điều nào của sale tư vấn được hiện hữu trong nội dung bản hợp đồng cả.
Họ dụ dỗ khách hàng để khách hàng hiểu rằng họ đang xây dựng một cung điện tráng lệ, nếu khách hàng bỏ tiền vào đó, thì sau này khách hàng sẽ được nghỉ ngơi trong đó với giá rẻ như cho. Nếu khách hàng không muốn nghỉ thì họ sẽ cho thuê giúp để khách hàng mang về một số tiền kếch xù! Tuy nhiên, trên thực tế trong nội dung hợp đồng thì khách hàng không hề có một sự liên quan pháp lý gì đến cái toà lâu đài đó cả".
"Sự việc khách hàng kéo lên trụ sở chính của công ty này không phải là lần đầu tiên, nó diễn ra như cơm bữa và xảy ra liên tục cách đây 3, 4 năm trở lại đây. Hàng ngày, chúng tôi liên tục phải trực tại đây để duy trì an ninh trật tự. Thấu hiểu là mất tiền "của đau con xót", nhưng mong bà con làm gì cũng phải tôn trọng pháp luật, cần nghiên cứu kỹ trước khi đặt ký kết một hợp đồng nào đó. Cá nhân tôi cũng bị nhân viên ở đây lôi kéo nhiều lần nhưng như tôi tôi làm gì có nhiều tiền như thế đê tham gia hợp đồng", một cán bộ Công an phường Cửa Nam, Hoàn Kiếm chia sẻ.
Theo các chuyên gia, bản chất sở hữu kỳ nghỉ là "sở hữu dịch vụ" chứ không phải là "sở hữu bất động sản". Trên thế giới rất nhiều người phải tháo chạy, chấp nhận chuyển nhượng kỳ nghỉ với giá rẻ vì không chịu nổi các loại phí mà có thể gắn với họ cho đến khi chết, nhưng để chuyển nhượng được cũng không hề dễ dàng.
Trên thế giới, hình thức “sở hữu kỳ nghỉ” đã có lịch sử ra đời hơn 50 năm. Tuy nhiên, tại Việt Nam hình thức này còn khá mới nhưng đã xuất hiện nhiều "biến tướng" khó lường gây nhiều rủi ro cho khách hàng. Hiện tại, mô hình này còn tồn tại nhiều bất cập trong vấn đề pháp lý do chưa có một văn bản cụ thể nào quy định về hợp đồng mua bán kỳ nghỉ. Khách hàng cần tìm hiểu kỹ, không nên tin vào lời "đường mật" để tránh những tranh chấp không đáng không có hồi kết.
Một vốn mười lời của ALMA - Vịnh Thiên Đường
Khách hàng bỏ ra 500 triệu đồng mua một kỳ nghỉ dưỡng của ALMA – Vịnh Thiên Đường trong 35 năm, mỗi năm chỉ được sử dụng 1 tuần, 51 tuần còn lại sẽ là 51 chủ sở hữu khác. Để nó duy trì trong 35 năm thì phải chăm sóc bảo dưỡng, mỗi năm các chủ sở hữu phải đóng trung bình 7 triệu đồng trong vòng 35 năm, tức là khoảng 245 triệu cộng với 500 triệu ban đầu tổng cộng là 745 triệu đồng. Vậy giá trị căn hộ đó là đồng sở hữu kỳ nghỉ của 52 chủ sở hữu khác trong 35 năm “không mua bán chuyển nhượng” được sẽ là 38.740.000 đồng. Một con số đáng mơ ước cho bất kỳ nhà kinh doanh bất động sản nào.
Theo Reatimes Kinh tế , Pháp luật , Tin trong nước
No comments:
Post a Comment