Cập nhật tin tức nóng hổi

Phạm lắm sai lầm sao giữ được cây xanh?

Thay vì lo sợ, đốn cây ồ ạt, hãy thay đổi cách trồng, cách chăm sóc và quản lý cây xanh. Chỉ có sự yêu quý cây thực sự mới giúp ngăn chặn được các vụ tai nạn chứ không phải những đối phó nửa vời.

“Mới mưa dông mà cứ ngỡ như có trận bão vừa quét qua vậy!”, một người dân sống ở chung cư Thới An (Q.12, TP.HCM) sửng sốt khi chứng kiến cây ngã la liệt trong khuôn viên chung cư này vào chiều tối ngày 9/6. TP.HCM mới vào mùa mưa nhưng số cây xanh ngã đổ đếm không xuể, khiến người dân vô cùng lo lắng. Sau vụ cây phượng trong sân trường bật gốc đè chết học sinh, nỗi lo sợ cây xanh ngã, gãy như bao trùm lên cả thành phố.

Đi ngược các tiêu chí trồng cây

Trở lại vụ cây ngã la liệt ở chung cư Thới An, trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM, một số người dân ở đây cho biết, họ không rõ cây trồng từ khi nào và cách chăm sóc ra sao, nhưng chỉ mới qua một cơn mưa dông mà cây ngã nhiều như thế chứng tỏ cây quá yếu. “Khi chung cư xây xong đã thấy cây xanh ở đây cao lớn rồi. Có thể chủ đầu tư trồng cây loại lớn bứng dời từ nơi khác đến để mau có bóng mát”, một người dân cho biết thêm.

Tương tự, sau vụ nhiều cây phượng vĩ ở “thành phố hoa phượng” bên hông Trường đại học Văn hóa TP.HCM (Q.9, TP.HCM) bật gốc sau cơn mưa chiều 28/5, người dân ở đây cũng cho hay, họ thấy những cây phượng được bứng từ nơi khác đưa về trồng khi đã cao to. “Khi khu dân cư này hình thành thì hàng phượng vĩ cũng đã cao lớn và có hoa. Mùa hè, tuyến đường này phượng nở hoa rất đẹp nên rất nhiều sinh viên, học sinh đến chụp ảnh. Năm nay, mới mưa sơ sơ mà cây đã ngã nhiều như thế nên không biết sau này còn ai dám đến nữa không”, một người dân phản ánh.

Chuyển cho chúng tôi xem bức ảnh một cây phượng vĩ cao lớn bị bật gốc dù cây vẫn còn xanh tươi, chị Huyền, sống ở một khu dân cư mới tại Q.9, chia sẻ: “Cây phượng này bị ngã trong cơn mưa cuối tháng 4/2020. Lúc trồng nó đã cao lớn rồi, đường kính đã chừng 30cm. Sau khi cây ngã, người ta trồng lại cây phượng khác cũng to như vậy. Cây phượng này giờ đã ra lá non nhưng nguy cơ còn đó. Mình phải thường xuyên dặn lũ trẻ đừng đến gần cây, nhất là khi trời mưa gió”.

Tiến sĩ Đinh Quang Diệp, chuyên gia về cây xanh đô thị, cho biết, TP.HCM có rất nhiều khu vực cây xanh được trồng theo kiểu bứng dời cây lớn từ nơi khác về trồng nên tiềm ẩn nguy cơ ngã đổ rất cao. “Cây trồng cao lớn sẵn thường có bộ rễ rất yếu nên tạo ra sự mất cân đối khi tán lá phát triển. Những cây trồng như vậy rất dễ bị ngã đổ, nhất là khi trồng cây to nhưng lại đào hố nhỏ và nông”.

Phó giáo sư - tiến sĩ Chế Đình Lý, nguyên Phó viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên - Đại học Quốc gia TP.HCM, cho rằng, ngoài chuyện trồng cây to nhưng đào hố nhỏ, việc xây bồn cao quanh gốc cây cũng là nguyên nhân làm cây dễ suy yếu, nguy cơ ngã đổ cao. “Do không biết nên nhiều đơn vị xây bồn cao quanh gốc cây làm rễ cây không nhận được nước và không có không gian để “thở”. Vì thế hãy phá bỏ hết các bồn cao quanh gốc, tạo không gian thoáng rộng quanh gốc để rễ cây phát triển. Ngoài ra, cũng nên thay đất quanh gốc để cây có dinh dưỡng. Như vậy, cây mới phát triển tốt, hạn chế tình trạng bật gốc”, ông Lý khuyến cáo.

Cây quý còn chưa giữ, nói gì…

Theo tiến sĩ Đinh Quang Diệp, sau vụ cây ngã đè học sinh, đâu đâu cũng thấy cảnh đốn hạ hay chặt cành, cắt tán một cách vô tội vạ và không cần thiết. Thậm chí, tại Trường đại học Nông Lâm TP.HCM - nơi đào tạo chuyên ngành về cây xanh cũng thấy hàng loạt cây phượng bị cắt trụi, không mấy cần thiết. Một cựu giảng viên của trường này cho biết, trong số cây phượng bị chặt tàn, cắt nhánh ở đây có nhiều cây mới trồng và không hề có nguy cơ ngã đổ. “Đáng lẽ, nhà trường nên khảo sát kỹ và chỉ nên đốn một số cây có nguy cơ ngã đổ cao. Ngay cả Trường Nông Lâm mà đốn cây nhiều như thế thì các nơi khác làm sao họ biết cách bảo vệ cây”, vị này bày tỏ.
Phạm lắm sai lầm sao giữ được cây xanh?
Cây xanh trên địa bàn TP.HCM thường phải chặt tán, mé cành nhiều để ngăn ngã đổ - Ảnh: Hoàng Nhiên

Tiến sĩ Đinh Quang Diệp cho rằng, sở dĩ xảy ra tình trạng đốn cây ồ ạt là do TP.HCM chưa có quy định nghiêm ngặt về kỹ thuật trồng cây cũng như về quản lý - bảo vệ cây xanh, nhất là những cây quý giá. “Thành phố có nhiều cây cổ thụ, có giá trị về văn hóa, lịch sử cần phải bảo tồn nhưng đến nay vẫn chưa có quy chế bảo tồn, gìn giữ thì nói gì đến những loại cây khác”.

Cây vấp cổ thụ trên đường Nguyễn Đình Chiểu, đoạn gần giáp với đường Phùng Khắc Khoan (Q.1, TP.HCM) là một trường hợp như thế. Đây là cây vấp lâu năm nhất còn sót lại trên đường phố Sài Gòn, từng được đề xuất đưa vào diện phải bảo tồn từ nhiều năm trước nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện. “Nhiều năm trước, khi thực hiện dự án về bảo tồn cây cổ thụ ở TP.HCM do Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 (thuộc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM) làm chủ đầu tư, ngoài những loại cây quý hiếm, nhóm nghiên cứu của chúng tôi cũng đặt vấn đề về bảo vệ và phục hồi những giống cây xanh từng gắn liền với các địa danh quen thuộc ở Sài Gòn như cây vấp gắn với địa danh Gò Vấp, cây sanh gắn với ngã tư Hàng Xanh, cây chiếc gắn với khu Rạch Chiếc… Thế nhưng, không hiểu vì sao đến nay, thành phố vẫn chưa thực hiện”, ông Diệp cho hay.

Trao đổi với chúng tôi, một cán bộ kỹ thuật của Công ty Công viên cây xanh cho biết, hiện nay các cây cổ thụ được cho là có giá trị trên địa bàn thành phố vẫn chỉ được chăm sóc như những loại cây bình thường nên không thể đánh giá cây còn sinh trưởng được bao lâu. Trong khi đó, những khu vực có cây hạn chế trồng, nhiều cây ngã đổ hoặc bị sâu bệnh phải đốn bỏ hiện vẫn chưa thể trồng lại do chưa biết phải trồng cây gì thay thế. Đó là những khu vực có cây viết bị sâu đục thân, cây long não, cây phượng vĩ…

Trong một báo cáo mới đây, Công ty Công viên cây xanh cũng nhìn nhận, hiện nay, trên nhiều tuyến đường có nhiều loài cây không còn phù hợp nhưng chưa xác định được cây thay thế. Từ đó, dẫn đến tình trạng phổ biến là trồng lại các loài cây cũ hoặc tạm thời để trống.

Theo tiến sĩ Diệp, tình trạng cây xanh trên địa bàn TP.HCM bị ngã đổ, đốn hạ hay chặt tàn, cắt nhánh quá nhiều là do công tác trồng cây, chăm sóc và quản lý chưa hợp lý.

“Đối với cổ thụ có giá trị cần phải lập phương án bảo tồn. Đối với cây thông thường cũng cần ban hành quy định nghiêm ngặt về chủng loại, cách trồng, cách chăm sóc và quản lý cây. Khi một cây non trồng xuống phải biết được ươm đúng kỹ thuật không, quá trình chăm sóc ra sao, những dấu hiệu sâu bệnh, xâm hại phải được theo dõi, phát hiện kịp thời… Gần như phải có hồ sơ cho từng cây xanh thì mới có thể ngăn chặn được tình trạng cây ngã gây tai nạn như thời gian qua”, tiến sĩ Diệp đề xuất.

Chưa có hướng dẫn chẩn bệnh cho cây

Tính đến cuối năm 2019, Công ty Công viên cây xanh TP.HCM đảm nhận công tác chăm sóc, bảo dưỡng hơn 101.000 cây xanh trên địa bàn thành phố (gồm cây đường phố và một số công viên lớn). Đến tháng 4/2020, theo hợp đồng mới với Sở Xây dựng, công ty tạm dừng chăm sóc cây xanh trên nhiều địa bàn như quận 2, 9, 12, huyện Hóc Môn và Củ Chi, chuyển lại cho các địa phương chăm sóc.

Theo Công ty Công viên cây xanh, hiện nay, công tác tuần tra, phát hiện cây xanh bị hư hại còn nhiều hạn chế, chỉ nhìn nhận tình trạng bên ngoài. Việc kiểm tra, chẩn đoán tình trạng bên trong và đánh giá mức độ nguy hại của cây cũng gặp khó khăn vì thiếu trang thiết bị và chuyên gia. Đồng thời, cũng chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể về quy trình chẩn đoán, chưa có tiêu chí - tiêu chuẩn đánh giá mức độ nguy hại của cây.

TRUNG THANH/ Báo Phụ Nữ ,

No comments:

Post a Comment