Nếu doanh nghiệp (DN) phát hành trái phiếu với lãi suất cao nhưng tiếp tục kinh doanh thua lỗ, không có tiền trả lãi thì người đầu tư mất trắng, nhất là khi trái phiếu không có đơn vị bảo lãnh.
Ảnh minh họa
Nhân viên ngân hàng tiếp thị trái phiếu
Gần đây, khi đến giao dịch tại một số ngân hàng, khách hàng thường bị nhân viên rủ rê mua trái phiếu với lãi suất cao, được tặng quà hấp dẫn.
Nhân viên ngân hàng T. mời chúng tôi mua trái phiếu vì cho rằng, các kênh đầu tư như vàng, ngoại tệ, bất động sản, cổ phiếu có mức rủi ro cao, lại đòi hỏi số vốn lớn, trong khi trái phiếu rủi ro ở mức trung bình, lợi suất lại cao hơn lãi suất tiền gửi tiết kiệm.
Hiện ngân hàng đang tổ chức quản lý tài sản đảm bảo về trái phiếu của Công ty TNHH một thành viên Saigon Glory thuộc Tập đoàn Bitexco, kỳ hạn một tháng thì lợi tức đến cuối kỳ là 7,8%, kỳ hạn 12 tháng thì lợi tức 9,5%, còn kỳ hạn 24 tháng thì lợi tức 10,2%.
“Ngày nào em cũng tư vấn và bán được cả trăm chứng chỉ trái phiếu cho khách hàng cá nhân. Chỉ cần khởi đầu từ 10 triệu đồng, người mua đã kiếm được lời” - nhân viên ngân hàng tư vấn.
Theo đánh giá mới nhất từ Trung tâm Nghiên cứu kinh tế của Maritime Bank, tỷ lệ cá nhân đầu tư vào trái phiếu những tháng đầu năm 2020 tăng lên 30%. Nguyên nhân là do lãi suất tiền gửi tiết kiệm liên tục hạ thấp, không còn hấp dẫn như trước.
Được biết, từ ngày 13/5, khi Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-6 tháng từ 5,25%/năm xuống còn 4,75%/năm, các ngân hàng thương mại đồng loạt điều chỉnh giảm lãi suất huy động xuống. Chẳng hạn như lãi suất kỳ hạn 6 tháng của ACB hiện là 6,3-6,6%/năm, giảm khoảng 0,2% so với trước đó.
Tại BIDV, người gửi tiền kỳ hạn từ 12 tháng trở lên chỉ nhận được lãi suất 6,5%, lãi suất kỳ hạn 9 tháng còn 5,1%, kỳ hạn 6 tháng còn 4,9%. Tại Vietinbank, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6-8 tháng cũng giảm về mức 4,9%, lãi suất kỳ hạn từ 9-12 tháng chỉ còn 5,1%.
Nhiều người cho rằng, mua trái phiếu sẽ sinh lời cao hơn so với gửi tiết kiệm và mức chênh lệch lên tới 4%/năm.
Tiệm cầm đồ cũng phát hành trái phiếu
Không ít DN huy động vốn bằng cách phát hành trái phiếu với lãi suất cao do không có tài sản đảm bảo để tiếp cận vốn vay ngân hàng. Đây được xem như cách để trang trải nợ nần và có vốn tái khởi động kinh doanh khi dịch COVID-19 tạm lắng.
Đối tượng phát hành trái phiếu cũng đa dạng, thậm chí tiệm cầm đồ cũng phát hành trái phiếu.
Theo báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán SSI, trong quý I/2020, DN đã phát hành được 47.500 tỷ đồng trái phiếu, tăng 39% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, khối DN bất động sản dẫn đầu về khối lượng phát hành trái phiếu với tỷ lệ 49%, tương đương 23.202 tỷ đồng, trong khi tỷ lệ này của cả năm 2019 chỉ 38%. Không chỉ tăng về lượng, lãi suất cũng được nâng lên 10,3-10,8%/năm, một số DN phát hành trái phiếu riêng lẻ với lãi suất lên tới 15-19,5%/năm.
Có không ít DN kinh doanh thua lỗ trong quý I/2020 vẫn phát hành trái phiếu để huy động vốn. Chẳng hạn như Tập đoàn Masan báo lỗ trước thuế 60 tỷ đồng, lỗ sau thuế hơn 216 tỷ đồng, nhưng phát hành 3.000 tỷ đồng trái phiếu và huy động được gần 1.148 tỷ đồng với lãi suất kỳ đầu 9,3%/năm, các năm sau cộng thêm 2,5%.
Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt giảm lợi nhuận hơn 88,3 tỷ đồng sau thuế, nhưng cũng thông báo phát hành 800 tỷ đồng trái phiếu với lãi suất 9,5%. Công ty cổ phần Chứng khoán IB giảm lợi nhuận sau thuế 24,5 tỷ đồng, cũng phát hành riêng lẻ 2.000 trái phiếu với mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu, lãi suất 9,5%/năm.
Trước thực trạng này, Bộ Tài chính phải khuyến cáo người dân, DN thận trọng với kênh đầu tư này. Hiện có hai loại trái phiếu: trái phiếu ra công chúng và trái phiếu riêng lẻ.
Nếu DN phát hành trái phiếu ra công chúng, phải tuân thủ nguyên tắc công bố thông tin, làm thủ tục đăng ký chào bán và phải được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp giấy chứng nhận.
Riêng với trái phiếu riêng lẻ, DN chỉ cần đáp ứng điều kiện phát hành, công bố thông tin trực tiếp cho bên mua và cho Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội. “Trái phiếu DN phát hành riêng lẻ chỉ phù hợp với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, có khả năng phân tích và đánh giá được rủi ro. Người dân không nên đầu tư trái phiếu chỉ vì lãi suất cao” - Bộ Tài chính cảnh báo.
Theo tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng - đầu tư vào trái phiếu có nhiều rủi ro, nhất là đối với DN không có tài sản đảm bảo. Nhiều khách hàng nghĩ rằng, mua trái phiếu thì tính thanh khoản (mua lại) cao hơn so với các tài sản đầu tư khác.
Thực tế, chỉ DN phát hành trái phiếu được niêm yết trên sàn, làm ăn có lãi, tình hình tài chính tốt thì trái phiếu của họ mới thanh khoản tốt. Nếu DN chưa được niêm yết hoặc được niêm yết nhưng tình hình tài chính không ổn định thì rủi ro trái phiếu rất lớn.
Giả sử DN phát hành với lãi suất cao nhưng tiếp tục kinh doanh thua lỗ, không có tiền trả lãi thì nhà đầu tư mất trắng, nhất là khi trái phiếu không có đơn vị bảo lãnh hoặc nhà đầu tư không rõ đơn vị nào bảo lãnh.
Việc đầu tư trái phiếu DN hoàn toàn khác với gửi tiết kiệm ngân hàng, vì một bên rủi ro chực chờ, một bên đảm bảo an toàn tuyệt đối.
“Khi mua trái phiếu, nhà đầu tư được cam kết sẽ có các tổ chức bảo lãnh, phân phối trái phiếu là các ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán mua lại. Tuy nhiên, do phải đáp ứng chỉ tiêu an toàn tài chính, các đơn vị này không dễ dàng mua lại được trái phiếu như đã cam kết” - tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nhận định.
Theo Báo Phụ Nữ Kinh tế , Tin trong nước
No comments:
Post a Comment