Cập nhật tin tức nóng hổi

Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ngãi: Cứ đến tháng phải đi đòi tiền đi du học

Hàng loạt con các quan chức ở tỉnh Quảng Ngãi được cử đi nước ngoài du học nhưng khi trở về lại không phục vụ ở cơ quan nhà nước địa phương. Với số tiền phải bồi hoàn gần 10 tỷ đồng, Sở Nội vụ tỉnh phải đi thúc giục các phụ huynh nộp tiền.
Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ngãi: Cứ đến tháng phải đi đòi tiền đi du học
Ảnh: Trường đại học Phạm Văn Đồng - nơi có tám cán bộ, giảng viên bị Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu phải bồi hoàn kinh phí hỗ trợ đào tạo trong và ngoài nước

Thời gian qua, tại tỉnh Quảng Ngãi, trong mỗi kỳ họp hội đồng nhân dân, đại biểu lại nhắc chuyện con quan chức lấy tiền ngân sách đi du học rồi không về phục vụ quê nhà. Tháng 11/2019, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ngãi ký các quyết định buộc phải đền bù gấp hai lần chi phí đào tạo sau đại học ở nước ngoài đối với bốn trường hợp là con quan chức.

Theo đó, Huỳnh Thị Lan Viên - con ông Huỳnh Chánh, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Quảng Ngãi - phải đền bù hơn 2,05 tỷ đồng; Nguyễn Lê Ngọc Hà - con ông Nguyễn Chín, nguyên Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Ngãi - phải đền bù gần 2,4 tỷ đồng; Phạm Thị Mỹ Hạnh - con ông Phạm Thanh Hải, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ngãi - phải đền bù gần 3,5 tỷ đồng; Phạm Thành Việt - con ông Phạm Tấn Hoàng, Chủ tịch UBND TP. Quảng Ngãi - phải đền bù hơn 1,9 tỷ đồng.

Theo quyết định, các trường hợp nêu trên có trách nhiệm nộp số tiền thu hồi cho Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ngãi trong hai năm, chia làm 10 lần.

Trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM, ông Đoàn Dụng - Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ngãi - cho biết: “Đến nay, có hai người đã trả đúng tiến độ hai đợt rồi, là Phạm Thành Việt (đã trả 400 triệu đồng) và Huỳnh Thị Lan Viên (đã trả 450 triệu đồng); còn hai người chỉ mới trả một lần, chậm tiến độ, là Phạm Thị Mỹ Hạnh (mới trả 170 triệu đồng) và Nguyễn Lê Ngọc Hà (mới trả 120 triệu đồng). Số tiền hai trường hợp này nộp cũng chỉ là tiền gốc, chưa có tiền phạt. Nếu nộp đủ, bà Hạnh phải nộp 340 triệu đồng, bà Hà phải nộp 240 triệu đồng”.

Theo ông Dụng, hai trường hợp nộp chậm này viện nhiều lý do. Trong đó, bà Hạnh nêu do hoàn cảnh khó khăn, có con đang bị bệnh. Còn gia đình bà Hà có đơn đề nghị sửa quyết định 89/QĐ-UBND vì họ cho rằng quyết định trái với quy định pháp luật vào thời điểm ban hành và đề nghị chỉ trả tiền gốc mà không trả tiền phạt.

Ông Dụng cho biết, Sở Nội vụ đã trả lời gia đình này rằng, quyết định 89/QĐ-UBND được ban hành năm 2012 là một văn bản quy phạm pháp luật, từ nghị quyết của HĐND tỉnh. Thêm nữa, đây là chính sách của tỉnh nên không thể sửa được. Theo quyết định này, người trong diện được cử đi học phải về phục vụ tại tỉnh trong thời gian 10 năm, nếu không đáp ứng, sẽ phải bồi hoàn gấp đôi kinh phí du học.

“Tuy nhiên, nay người thì làm được một thời gian, người thì bỏ đi làm việc khác nên cứ đến tháng, sở phải gọi điện đòi một lần, gọi cho phụ huynh họ chứ họ đi làm ở đâu mình đâu có biết. Mình gọi cho cha mẹ những người này vì chính cha mẹ họ có ký trong hồ sơ cam kết khi được cử đi học. Nếu không có cha mẹ họ thì họ đâu đi được, nhưng mà quan trọng là ý thức của họ.

Mấy anh em cứ đến tháng là phải hỏi, chứ đến kỳ họp HĐND, đại biểu chất vấn hỏi thu được bao nhiêu, rồi các cụ hưu trí cũng hỏi nữa” - ông Dụng nói.

Về diện được du học từ ngân sách, ông Dụng chia sẻ thêm: “Khách quan mà nói, nếu không phải con của mấy ông thì ai cho đi học. Thậm chí, thông tin về việc du học đó làm sao mà biết được nếu không phải mấy ông (quan chức). Nhưng bây giờ nói cũng dở, mấy ông cũng về hưu hết rồi, mình tranh luận làm chi”.

Ngày 21/5/2020, ông Đoàn Dụng đã ký hàng loạt văn bản thu hồi kinh phí bồi hoàn đối với tám cán bộ, giảng viên đã và đang công tác tại Trường đại học Phạm Văn Đồng (trực thuộc UBND tỉnh Quảng Ngãi), cũng thuộc diện hỗ trợ đối với cán bộ, công chức của tỉnh được cử đi đào tạo trong và ngoài nước. Sau thời gian dài, những nhân sự này không hoàn trả kinh phí nên UBND tỉnh đã ủy quyền Sở Nội vụ ban hành quyết định thu hồi.

Cụ thể, các trường hợp phải bồi hoàn kinh phí cho Sở Nội vụ trong thời gian ba tháng (từ ngày 21/5 - 21/8/2020) gồm: ông Lê Hoàng Duy - nguyên Trưởng khoa Hóa - Sinh - Môi trường - phải bồi hoàn 198 triệu đồng; ông Nguyễn Thanh Hải - nguyên trưởng một bộ môn của Khoa Sư phạm xã hội - phải bồi hoàn gần 390 triệu đồng; bà Võ Thị Việt Dung - nguyên Phó trưởng khoa Hóa - Sinh - Môi trường - phải bồi hoàn hơn 329 triệu đồng; ông Nguyễn Khánh Thuật - nguyên giảng viên Khoa Công nghệ thông tin - phải bồi hoàn gần 82 triệu đồng; ông Phạm Trường Tùng - Phó trưởng phòng Hành chính - Quản trị - phải bồi hoàn gần 84 triệu đồng.

Hai trường hợp phải bồi hoàn trong thời gian một năm (tính từ ngày 21/5/2020) gồm: bà Trương Hoàng Lan - giảng viên, hiện đang công tác tại trường - phải nộp 76,5 triệu đồng; bà Nguyễn Thị Khương - giảng viên, hiện đang công tác tại trường - phải bồi hoàn hơn 26 triệu đồng.

Riêng bà Nguyễn Thị Thùy Linh - nguyên giảng viên Khoa Kỹ thuật - Công nghệ - phải bồi hoàn số tiền hơn 284 triệu đồng trong thời gian ba năm kể từ ngày 21/5.

LÊ ĐÌNH DŨNG/ Báo Phụ Nữ , ,

No comments:

Post a Comment