Các ngư dân trên tàu cá QNg 96416 TS vừa trở về cảng Sa Kỳ (Quảng Ngãi) ngày 12-6 với ký ức đầy ám ảnh sau khi bị tàu sắt Trung Quốc 4006 gây nguy hiểm, thiệt hại ước tính khoảng nửa tỉ đồng.
Họ bị tấn công ở ngư trường truyền thống bao đời nay của ngư dân ta: khu vực đảo Lin Côn ở quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Cũng tại cảng Sa Kỳ cách đây gần một năm, tháng 7-2019, ngư dân Việt Nam đã đưa 32 ngư dân Trung Quốc cập cảng để chăm sóc sức khỏe sau khi cứu mạng họ khỏi con tàu bị chìm ở khu vực quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Hai hình ảnh trái ngược nhau đã nói lên tất cả.
Ngư dân trình báo bị tàu Trung Quốc đâm va khiến tàu QNg 96416 TS nửa nổi nửa chìm hôm 10-6, trong khi Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 14-6 dẫn thông tin ban đầu từ cơ quan chức năng cho biết tàu sắt Trung Quốc 4006 và một canô áp sát tàu cá Việt Nam, gây sóng lớn khiến nước tràn vào, có nguy cơ chìm.
Dù cần thêm thời gian để điều tra làm rõ nhưng thông tin từ cơ quan chức năng đủ cơ sở để khẳng định hành vi của tàu Trung Quốc gây nguy hiểm cho ngư dân Việt Nam.
Hành vi này phải bị lên án bởi nó xâm phạm chủ quyền Việt Nam, vi phạm Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS) 1982 và Công ước về các quy định quốc tế về phòng ngừa đâm va trên biển năm 1972 (COLREGs) mà Trung Quốc là thành viên.
Đây không phải lần đầu tiên tàu Trung Quốc tấn công tàu cá Việt Nam. Gần nhất, ngày 2-4-2020, tàu cá QNg 90617 TS hoạt động tại vùng biển của đảo Phú Lâm ở quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam đã bị tàu hải cảnh số hiệu 4031 ngăn cản và cố tình đâm chìm.
Trước vụ việc này, Bộ Quốc phòng Mỹ bày tỏ quan ngại và nhấn mạnh hành vi của Trung Quốc trái ngược với tầm nhìn của Mỹ về một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở, trong đó tất cả các quốc gia lớn nhỏ đều được bảo đảm chủ quyền.
Bộ Ngoại giao Việt Nam đã yêu cầu Trung Quốc điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm nhân viên công vụ và bồi thường thỏa đáng cho ngư dân Việt Nam.
Tại sao thường là tàu Trung Quốc gây nguy hiểm, đâm va tàu khác? Bộ Ngoại giao Philippines, quốc gia có ngư dân cũng từng là nạn nhân của Trung Quốc, đã ra tuyên bố phản đối vụ tàu Trung Quốc tấn công tàu cá Việt Nam hồi tháng 4, bằng một thông điệp đầy ẩn ý về lòng tin: “Cho dù là nguồn lợi cá hay yêu sách lịch sử tưởng tượng cũng không đáng là lý do để Trung Quốc gây ra những vụ việc như đâm tàu cá ngư dân”, bởi theo Manila, “vụ việc này làm suy yếu tiềm năng xây dựng mối quan hệ khu vực thực sự sâu sắc và đáng tin cậy giữa ASEAN và Trung Quốc”.
Ngoài vi phạm luật pháp quốc tế, hành vi dùng vũ lực của tàu Trung Quốc cũng vi phạm Tuyên bố ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) và đi ngược lại nhận thức chung của lãnh đạo hai nước về việc đối xử nhân đạo với ngư dân.
Biển cả mênh mông, bởi thế, không chỉ pháp luật mà những người có lương tâm đều chỉ nghĩ đến chuyện cứu người, vậy tại sao lại có thể cố tình gây nguy hiểm để hại mạng sống và tài sản của những người lương thiện? Những hành vi như thế được gọi là vô nhân đạo.
Liên tục xảy ra nhiều vụ cố tình đâm va, Chính phủ Trung Quốc không thể vô can khi để những sự vụ “đi ngược lại nhận thức chung” như trên tái diễn liên tục trong thời gian ngắn.
Những vụ tấn công tàu cá như thế không chỉ bị lên án là vô nhân đạo, mà còn làm xói mòn lòng tin giữa hai nước. Lòng tin là thứ khó tìm nhưng cũng là thứ dễ mất nhất.
Theo Báo Tuổi trẻ Biển Đảo , Chính trị , Tin quốc tế , Tin trong nước
No comments:
Post a Comment