Trái với những lời nói của các “ông lớn” trong ngành chăn nuôi - cam kết bán lợn xuất chuồng giá thấp, giá lợn hơi trên thị trường vẫn tăng vùn vụt, có thời điểm lên đến hơn 100.000 đồng/kg.
Trái với yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ - đưa giá lợn hơi về mức 60.000 đồng/kg, các doanh nghiệp cam kết giảm giá lợn đã đột ngột… tăng giá.
Trách nhiệm của Bộ Công Thương
Không khó để thấy, không chỉ thịt lợn nhập khẩu khó tìm thấy ở nhiều siêu thị, mà giá bán thịt lợn tươi ở siêu thị cũng cao hơn ngoài chợ.
Thủ tướng đã nhiều lần yêu cầu các bộ ngành liên quan sớm có giải pháp để đưa giá lợn hơi xuống thấp, đồng thời phải tăng cường kiểm tra giảm thiểu tác động của khâu trung gian lên giá thành mặt hàng thịt lợn. Nhưng đến nay vẫn chưa thấy Bộ Công thương có văn bản nào thông tin về các khâu trung gian, giết mổ, bán buôn, bán lẻ với các mức “ăn lãi” cụ thể ra sao. Con số minh bạch về lợi nhuận của siêu thị khi phân phối - bán lẻ thịt lợn là bao nhiêu cũng chưa được nhắc đến.
Ảnh: Giá thịt lợn quá cao, tiểu thương cũng chật vật vì ế ẩm
Thực tế, trong tháng Tư, có vài ngày các siêu thị giảm giá thịt lợn, có siêu thị còn trưng biển “Điểm bán thịt lợn không lợi nhuận”, thông báo lỗ đến 17 tỷ đồng để “chia sẻ” khó khăn cùng người tiêu dùng. Nhưng ngoại trừ vài ngày giảm giá đó, thì giá thịt lợn tại siêu thị vẫn luôn cao hơn giá bán ngoài chợ, có thời điểm và có những loại thịt còn cao hơn ngoài chợ đến 40%; chưa kể việc mua - bán của các siêu thị luôn là mua tận gốc, bán tận ngọn. Rõ ràng, để xảy ra tình trạng này là trách nhiệm của Bộ Công thương.
Vấn đề rất đáng nói nữa là việc thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Từ ngày 1/4/2020, 15 doanh nghiệp chăn nuôi lớn đã giảm giá thịt lợn hơi xuống còn 70.000 đồng/kg. Trong khi lượng lợn hơi bán giá 70.000 đồng/kg đó được bán cho ai, bán bao nhiêu và tiêu thụ như thế nào còn chưa được minh bạch thì giữa tháng Năm, giá lợn hơi ngoài thị trường tăng lên 97.000 đồng/kg. Thủ tướng đã yêu cầu đưa giá lợn hơi về mức 60.000 đồng/kg ngay. Nhưng sau đó, từ ngày 22/5-24/5, các doanh nghiệp cam kết bán giá 70.000 đồng/kg đã tăng giá bán đột ngột lên 79.000 đồng/kg, những ngày sau là 80.000- 81.000 đồng/kg.
Việc tăng giá này không hề được “xin phép” hay thông báo trước. Đây là hành vi đi ngược lại tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng trong việc chung tay bình ổn giá thịt lợn. Đáng chú ý, các doanh nghiệp đó đều tăng giá như nhau, cùng nhau. Hoàn toàn có thể đặt câu hỏi về việc có hay không sự liên kết ngang, lợi dụng tình hình để thao túng giá?
Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn duy ý chí
Trong một cuộc họp liên bộ tìm phương án hạ nhiệt thị trường thịt lợn, Bộ Công thương “đá” trách nhiệm sang Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) rằng, thịt lợn khi ở các chợ, các lò mổ là trách nhiệm quản lý của Bộ NN-PTNT. Bộ NN-PTNT “đá” lại, rằng lỗi để thịt lợn tăng quá cao là trách nhiệm của Bộ Công thương, do bộ này quản lý vấn đề phân phối. Không thấy bộ nào nhận trách nhiệm, nhận lỗi mà bộ kia đã chỉ ra.
Rất nhiều ý kiến cho rằng Bộ NN-PTNT không đánh giá hết được thiệt hại về số lượng lợn do dịch tả châu Phi gây ra, vì nếu chỉ thiệt hại 20% như bộ này công bố, thì lợn thương phẩm trên thị trường không đến mức khan hiếm, đắt đỏ đến vậy.
Bộ NN-PTNT thì vẫn kiên định rằng, đó là con số thống kê từ các tỉnh báo cáo về. Đành rằng, đó là con số báo cáo từ các địa phương chứ không phải là con số do Bộ NN- PTNT… bịa ra, nhưng khi có sự khập khiễng quá lớn giữa con số báo cáo và thực tế thị trường thì Bộ NN-PTTN cũng nên và cần xem xét, nhìn nhận lại để có chỉ đạo đúng với thực tế, chứ không phải là những chỉ đạo sát với… báo cáo.
Bộ NN-PTNT cũng khẳng định, cuối quý II, đầu quý III (tức cuối tháng Sáu, đầu tháng Bảy) lợn thương phẩm sẽ đáp ứng được 90% nhu cầu của thị trường. Thế nhưng, đến những ngày đầu tháng Sáu này, thị trường thịt lợn vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Một chuyên gia cao cấp trong ngành chăn nuôi thẳng thắn, ông là cán bộ trưởng thành từ cơ sở nên biết rõ, và ông không nhất trí với con số thống kê của Cục Chăn nuôi. Vì con số báo cáo không đúng, dẫn đến chỉ đạo điều hành sai, từ đó dẫn đến việc đẩy giá thịt lợn thành một cuộc lúng túng trong chỉ đạo điều hành.
Khi xảy ra dịch tả châu Phi, Bộ NN-PTTN cho rằng các đơn vị chăn nuôi lợn chuyển sang chăn nuôi gia cầm sẽ hiệu quả hơn. Trong khi tập quán sử dụng thịt lợn (chiếm 65-70%) của người tiêu dùng Việt Nam dường như lại không được để ý đến. Hậu quả là có những thời điểm, giá gà công nghiệp bán ra rẻ ngang rau - chỉ 15.000 đồng/kg. Yếu tố quyết định là nhập đàn lợn giống thì mãi đầu tháng Năm mới được thực hiện.
Như phân tích của chuyên gia đầu ngành về chăn nuôi, thì với đàn lợn mới nhập này, ít nhất phải hai năm nữa mới có lợn con để nuôi làm lợn thương phẩm. Vì giá lợn giống cụ kỵ lên đến 120-150 triệu đồng/con, nên không ai mua lợn giống về để sản xuất lợn thương phẩm ngay, đó là nguyên tắc trong chăn nuôi.
Từ lợn cụ kỵ nhập về, ít nhất là 12 tháng sau mới đẻ ra lợn ông bà; và 12 tháng sau nữa lợn ông bà mới có thể phối giống, thêm gần bốn tháng mang thai - thì phải 16 tháng nữa mới có con bố mẹ; lại cộng tiếp 16 tháng nữa mới có lợn giống thương phẩm được.
Lợi nhuận khổng lồ chảy hết vào túi tư nhân?
Tỉnh Thái Bình được coi là vựa lợn giống của miền Bắc. Lợn giống của Thái Bình có đặc điểm là 100% được phối giống, thụ tinh nhân tạo. Khi chưa có dịch tả châu Phi, hàng năm, Công ty cổ phần Giống chăn nuôi Thái Bình cung cấp khoảng 450.000-500.000 liều tinh để phối giống cho lợn nái (trung bình 12.000- 15.000 liều/ngày). Nhưng cuối tháng 5/2020, nhu cầu của cả tỉnh chỉ là 200 liều/ngày, như vậy số lợn nái ở Thái Bình giảm đến 80% chứ không phải chỉ 15-20% như con số thống kê.
Con số thực tế đó thể hiện điều gì? Rằng lợn thương phẩm trong 65% là các hộ chăn nuôi và các hợp tác xã hầu như không còn. Và việc doanh nghiệp đổ lỗi thịt lợn đắt do 65% này không chịu giảm giá là ngụy biện.
Con số ấy cũng thể hiện: ngoài giá lợn giống cao (khoảng 3 triệu đồng/con khoảng 7kg), thì việc không có lợn giống để mua cũng là nguyên nhân khó khăn trong việc tái đàn của 65% kia.
Cần nhớ, DABACO là tập đoàn lớn về chăn nuôi, nhưng đàn lợn của DABACO chỉ chiếm 1,1%. Còn tỷ trọng của Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam là 16,5% lợn hơi toàn quốc; tỷ trọng này ở riêng phía Nam là hơn 50%.
C.P Việt Nam thuộc Tập đoàn Charoen Pokphand Group của Thái Lan. Hiện tập đoàn này có lượng nái và con giống lớn nhất nước, tuy nhiên không cung ứng ra bên ngoài mà chỉ đáp ứng nhu cầu nội bộ.
Thức ăn chăn nuôi tập đoàn này (cũng như các doanh nghiệp khác) sử dụng cho đàn lợn của họ là xuất kho nội bộ, không phải chịu thuế; trong khi cũng thức ăn đó, 65% là các hộ chăn nuôi và các hợp tác xã phải mua với giá cao hơn, qua các đại lý nên phải gánh cả thuế thu nhập doanh nghiệp lẫn mức lãi của đại lý.
Những năm qua, 65% là các hộ chăn nuôi và các hợp tác xã hầu như còn không được ưu đãi (tự thuê đất, tự mua đất…). Trong chăn nuôi, thức ăn đã chiếm 70% giá trị; để thấy rằng các tập đoàn lớn đã được lợi hơn như thế nào.
Cần nhớ nữa, thịt lợn bán ở siêu thị, cửa hàng tiện ích với mức giá cao hơn ngoài thị trường, hầu hết là thịt lợn thương phẩm nhập từ các doanh nghiệp chăn nuôi lớn; cũng như cần nhớ mức lãi “khủng” trong quý I mà các “ông lớn” đã công bố ra sao.
Bộ NN-PTNT từng nói, nếu các doanh nghiệp chăn nuôi lớn không giảm giá lợn thương phẩm, bộ sẽ xem xét lại những hỗ trợ. Rõ ràng về chính sách, 35% là các doanh nghiệp lớn đã và đang có nhiều ưu đãi hơn 65% là các hộ chăn nuôi và các hợp tác xã nhưng lại chiếm lĩnh phần lợi nhuận một cách vô lý.
Trong khi đáng lẽ, giữa khó khăn chung của toàn xã hội, họ cần nhớ đến đạo đức kinh doanh, trách nhiệm kinh doanh, trách nhiệm chia sẻ. Ít nhất là trong lúc cả xã hội khó khăn - công nhân chỉ được nhận 2/3 lương, nhưng lại phải chi số tiền gấp 2-3 lần cho thịt lợn, họ cần phải biết trả lại cho xã hội những ưu đãi mà họ đã được nhận.
Chưa kể việc họ đã cam kết bán giá thấp nhưng lại đột ngột đẩy thêm gần 10.000 đồng/kg lợn hơi trong vài ngày, gây ra những tác động tâm lý khiến giá ngoài thị trường tăng là điều rất khó chấp nhận.
NGỌC MINH TÂM/ Báo PHụ Nữ Kinh tế , Thực phẩm , Tin trong nước
No comments:
Post a Comment