Cập nhật tin tức nóng hổi

TP. HCM: Quản lý hơn 250 dự án giao thông nhưng... không thông

Theo nhìn nhận của đoàn giám sát Hội đồng Nhân dân (HĐND) TPHCM, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM (gọi tắt là Ban Giao thông) quản lý hơn 250 dự án giao thông nhưng chỉ chọn dự án dễ để làm, hàng loạt dự án quan trọng vẫn trong cảnh bị “treo” vô thời hạn.

Sáng 4/6, HĐND TPHCM đã có buổi giám sát hoạt động của Ban Giao thông. Mới thành lập hơn một năm nhưng Ban Giao thông được giao quản lý 252 dự án giao thông.

Dự án chậm trễ, pháp lý rối ren

Theo báo cáo của Ban Giao thông, trong số các dự án trên có 75 dự án đơn vị trực tiếp làm chủ đầu tư. Đến nay đã có 10 dự án hoàn thành, 10 dự án hoàn tất thủ tục, khởi công 10 dự án, 12 dự án hoàn tất thủ tục trình phê duyệt, tỷ lệ giải ngân các dự án thực hiện đạt trên 95% tổng vốn được giao (hơn 3.387 tỷ đồng)...

Dù con số đưa ra khá ấn tượng nhưng đoàn giám sát HĐND TPHCM nhìn nhận, Ban Giao thông chỉ chọn những dự án dễ dàng nhất để thực hiện, còn các dự án khó, đặc biệt hàng loạt dự án “treo” ròng rã nhiều năm vẫn tiếp tục giậm chân tại chỗ.
TP. HCM: Quản lý hơn 250 dự án giao thông nhưng... không thông
Ảnh: Cầu Long Kiểng thi công 20 năm chưa xong trong khi cây cầu sắt cũ kỹ bắc tạm qua sông Phước Kiểng đã xuống cấp và từng bị sập

Chỉ ra hàng loạt dự án “đứng hình” trong các cuộc thị sát và giám sát vừa qua, lãnh đạo HĐND TPHCM đặc biệt nhấn mạnh dự án xây dựng cầu Long Kiểng ở huyện Nhà Bè. Dự án này hiện đã dừng lại sau 20 năm khởi công. Bà Nguyễn Thị Lệ - Chủ tịch HĐND TPHCM cho biết, trong chuyến thị sát mới đây, bà đau xót bởi nhìn thấy hàng chục hộ dân từ có nhà mặt tiền đường, nay phải chui qua chui lại dưới gầm cầu dở dang.

“Có cụ bà mơ ước cuối đời được nhìn thấy cây cầu xây xong mà không biết có được toại nguyện hay không”, bà Lệ chia sẻ.

Đại diện HĐND TPHCM cho biết, mới đây Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu cho UBND TPHCM trình HĐND TPHCM 850 dự án thì có tới gần 500 dự án chuyển tiếp từ nhiều năm trước. Việc hàng loạt dự án treo từ năm này qua năm nọ không chỉ gây khổ cho người dân, mà còn kéo theo nhiều thay đổi về tính pháp lý. Nếu các đơn vị không thận trọng tháo gỡ, việc tiếp tục triển khai sẽ vi phạm pháp luật.

Theo ông Cao Thanh Bình - Phó trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TPHCM, trước đây, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, hàng loạt dự án được các đơn vị chủ động tách một thành hai (dự án bồi thường giải phóng mặt bằng và dự án xây lắp) vì cho rằng TPHCM có tính đặc thù riêng. Thế nhưng, Luật Đầu tư công 2015 lại không cho tách một dự án thành hai dự án và giờ đây, Luật Đầu tư công 2019 đã có hiệu lực cũng không cho tách.

Tương tự, do “treo” quá lâu, vướng pháp lý khiến hàng loạt dự án buộc phải chuyển từ hình thức BT (hợp đồng xây dựng - chuyển giao) sang đầu tư công, sử dụng nguồn vốn ngân sách.

Cụ thể, trước đây, dự án nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (quận 7) được phê duyệt chủ trương đầu tư theo cơ cấu do doanh nghiệp ứng vốn. Bây giờ, chuyển sang hình thức đầu tư công đồng nghĩa phải thanh lý hợp đồng với nhà đầu tư nhưng không rõ nhà đầu tư có chấp nhận hay không.

Thêm một dự án khác là dự án đoạn 3 của dự án đường Vành đai 3, trước đây doanh nghiệp đã bỏ vốn đầu tư hơn 1.600 tỷ đồng và theo hợp đồng, sẽ nhận lại đất nhưng đến nay, họ vẫn... chưa nhận được gì. Con số 1.600 tỷ đồng này nếu bị thanh lý hợp đồng do thực hiện theo quy định mới, sẽ phải bồi thường cho doanh nghiệp ra sao.

Mặt khác, theo phân tích của đoàn giám sát HĐND TPHCM, Luật Đầu tư công hiện nay khống chế rất chặt tỷ lệ chuyển tiếp vốn trung hạn cho kỳ sau. Với hàng loạt dự án không hoàn thành kế hoạch, buộc phải chuyển tiếp vốn trung hạn của giai đoạn 2016-2020 sang kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025 (đang xây dựng), nếu việc chuyển tiếp không khéo sẽ dẫn đến toàn thành phố vướng về vốn đầu tư công.

Chưa kể, việc giậm chân tại chỗ còn khiến các dự án liên tục đội vốn, buộc phải điều chỉnh toàn dự án, dẫn đến trở lại vòng loay hoay phải phê duyệt, triển khai như... từ đầu. Dự án đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh) là dẫn chứng cho trường hợp này.

Dự án trên đã được trình Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM nhưng sau đó phát hiện phải có thêm hạng mục nút giao vòng xoay giao với dự án xây dựng đường Vành đai 3. Quy mô dự án theo đó đã hoàn toàn thay đổi, chi phí tổng đầu tư lẽ ra khoảng 9.000 tỷ đồng, tăng thành xấp xỉ 13.000 tỷ đồng. Khi vốn đầu tư một dự án hơn 10.000 tỷ đồng thì việc thẩm định, phê duyệt vượt quá quyền hạn của HĐND TPHCM.

Chưa đánh giá hiệu quả dự án

Tại cuộc giám sát, HĐND TPHCM còn chỉ ra sự bất cập khi các đơn vị cho khởi công hàng loạt dự án giao thông trọng điểm, nhưng hiệu quả từng dự án lại không hề được đánh giá.

Theo đó, đối tượng thụ hưởng ra sao, ý nghĩa về kinh tế xã hội tạo chuyển biến gì cho người dân, cho bộ mặt thành phố cũng như tính liên kết của các công trình cũng không được chỉ rõ. “Mỗi năm, chúng ta cứ đề xuất thêm dự án mà không đặt trong tổng thể quy hoạch chung hoặc có sự kết nối, đồng bộ với các dự án khác dẫn đến cùng một địa điểm, người dân phải chấp nhận di dời giải tỏa 2, 3 lần”, lãnh đạo HĐND TPHCM nhận định.

Giải trình nguyên nhân khiến các dự án “treo” hoài không tháo gỡ được, ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban Giao thông cho rằng, mấu chốt chính vẫn là do các địa phương không bàn giao mặt bằng. Ông đơn cử dự án cầu Long Kiểng, đến nay, huyện Nhà Bè vẫn chưa giải được bài toán đền bù, giải tỏa, không có quỹ nhà tái định cư để hoán đổi cho người dân.

Ông Lê Trương Hải Hiếu - Chủ tịch UBND quận 12, thành viên đoàn giám sát HĐND TPHCM cũng thừa nhận, việc bàn giao mặt bằng là nội dung rất khó. Tuy nhiên, dưới góc độ thực tiễn mà quận 12 từng được giao làm chủ đầu tư một dự án, cũng là địa phương được UBND TPHCM tin tưởng giao vai trò này, ông Hiếu cho rằng, nên chăng có sự thay đổi như một phương pháp gỡ khó trong công tác đền bù, giải tỏa và bàn giao mặt bằng.

Cụ thể, HĐND cấp quận, huyện sẽ là đơn vị chịu trách nhiệm đưa ra và thông qua đơn giá bồi thường, bởi ngoài sát với thực tế, còn ở sự uyển chuyển của địa phương trong đàm phán với người dân.

“Ví dụ như dự án tuyến metro 2, thành phố xây dựng đơn giá chung và giao nhiệm vụ cho quận huyện phải vận động người dân miễn sao cho dân chịu nhận tiền là được. Nhưng quận Tân Phú và quận Tân Bình phản ánh là hai hộ dân ở đối diện nhau lại nhận giá đền bù khác nhau, rất khó” - ông Hiếu phân tích.

Theo ông Hiếu, tính chủ động của địa phương còn ở chỗ có thể vay vốn từ Quỹ phát triển đất để hỗ trợ bồi thường cho dân, bởi quá nhiều dự án dân đã đồng ý nhận bồi thường nhưng nguồn ngân sách chưa có hoặc chưa kịp rót xuống nên không thể chi trả cho dân.

Chủ tịch HĐND Nguyễn Thị Lệ cho rằng, vướng pháp lý hay công tác bồi thường là yếu tố khách quan. Nhưng, nguyên nhân chủ quan khiến các dự án chậm tiến độ vẫn là yếu tố quan trọng.

“Vướng, thì ai là người gỡ nút thắt hay các đơn vị chỉ đùn qua đẩy lại?” - bà Lệ chất vấn, đồng thời chỉ ra trách nhiệm của các đơn vị liên quan trong việc để dự án chậm trễ do mải miết nhìn nhau và chờ đợi.

Riêng Ban Giao thông, theo bà Lệ, với 252 dự án quản lý, cần chủ động làm đầu mối liên kết trong giải quyết vướng mắc. Bà yêu cầu ban này trong từng dự án cần sự trình bày cụ thể về tiến độ, hiệu quả, phân tích nguyên nhân chậm và tính khả thi để hướng đến sự tháo gỡ đối với từng dự án, tránh tình trạng để lâu, khó chồng thêm khó.

Cần hơn 33.000 tỷ đồng để giảm ùn tắc giao thông

Ban Giao thông cho biết, đơn vị này đang chuẩn bị hồ sơ 8 công trình trọng điểm kéo giảm ùn tắc giao thông (tổng mức đầu tư hơn 33.000 tỷ đồng) để UBND TPHCM trình ra HĐND trong kỳ họp tháng Bảy sắp tới.

Các dự án cụ thể gồm: cao tốc TPHCM - Mộc Bài dài 55km quy mô 4-6 làn xe; cầu đường Nguyễn Khoái (quận 4, quận 1, quận 7); nút giao An Phú (quận 2); mở rộng Quốc lộ 50 thuộc huyện Bình Chánh; nâng cấp Quốc lộ 22; xây hai cầu trên đường N2 và N4 nối Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2); hai dự án khép kín đường Vành đai 2 gồm đoạn từ cầu Phú Hữu đến Xa lộ Hà Nội (quận 9, quận Thủ Đức) và đoạn từ nút giao Bình Thái đến Phạm Văn Đồng (quận Thủ Đức).

Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ cho rằng, cần đánh giá tính khả thi các dự án trên trước khi trình HĐND TPHCM, tránh tình trạng khởi công rồi trùm mền, phát sinh nhiều vướng mắc.

TUYẾT DÂN/ Báo Phụ Nữ , ,

No comments:

Post a Comment