Xôn xao nhất về mức học phí năm học 2020-2021 của các trường đại học vừa công bố là học phí tại Trường đại học Y Dược TP.HCM, từ 13 triệu đồng/năm lên 70 triệu đồng/năm.
Trường đại học Y Dược TP.HCM vừa công bố mức học phí "khủng"
So với mức thu hiện tại chỉ 1,3 triệu đồng/tháng, tương đương 13 triệu đồng/năm, học phí dành cho sinh viên khóa mới của Trường đại học (ĐH) Y Dược TP.HCM tăng đột biến: ngành răng - hàm mặt là 70 triệu đồng/năm, ngành y khoa 68 triệu đồng/năm, ngành kỹ thuật phục hình răng 55 triệu đồng/năm, ngành dược học 50 triệu đồng/năm.
Các ngành điều dưỡng, điều dưỡng chuyên ngành hộ sinh, điều dưỡng chuyên ngành gây mê hồi sức, kỹ thuật xét nghiệm y học, kỹ thuật phục hồi y học, kỹ thuật phục hồi chức năng 40 triệu đồng/năm. Ngành y học dự phòng và y học cổ truyền 38 triệu đồng/năm; ngành dinh dưỡng và y tế cộng đồng thấp nhất là 30 triệu đồng/năm.
Nhà trường cũng công bố, học phí các năm tiếp theo dự kiến sẽ tăng 10%. Như vậy, sinh viên ngành răng hàm - mặt với thời gian học sáu năm phải trả học phí hơn 500 triệu đồng.
Tương tự, các trường thực hiện tự chủ như ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Tôn Đức Thắng... cũng có học phí ngang ngửa, thậm chí cao hơn một số trường ngoài công lập.
Bên cạnh đó, học phí chương trình đào tạo chất lượng cao, chương trình tiên tiến của các trường ĐH công lập đang tăng mạnh, thậm chí ngang ngửa với trường tư. Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) có học phí chương trình đại trà là 6 triệu đồng/học kỳ. Trong khi đó, nếu chọn theo học chương trình tiên tiến hay chương trình chất lượng cao thì sinh viên phải trả học phí cao gấp năm lần là 30 triệu đồng/học kỳ.
Hay như Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM) có học phí chương trình đại trà 20 triệu đồng/năm, chương trình chất lượng cao 35 triệu đồng/năm, chương trình tiên tiến 40 triệu đồng/năm; chương trình liên kết 80 triệu đồng/năm.Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM có học phí hệ đại trà từ 17,5-19,5 triệu đồng/năm. Còn các ngành chất lượng cao tiếng Việt từ 28-30 triệu đồng/năm; chương trình chất lượng cao tiếng Anh, Việt - Nhật là 32 triệu đồng/năm.
Thư viện của Trường đại học Y Dược TP.HCM
Theo lý giải từ Trường ĐH Y Dược TP.HCM, tổng nguồn thu của trường năm 2019 là 225,8 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước cấp cho đào tạo ĐH là 90,8 tỷ đồng, trường thu học phí 134,936 tỷ đồng. Với kinh phí này, tổng chi phí đào tạo trung bình một sinh viên là 22,9 triệu đồng/năm. Việc thu học phí 13 triệu đồng/năm/sinh viên vì phần lớn chi phí đào tạo được ngân sách nhà nước hỗ trợ. Từ tháng 1/2020, trường không nhận ngân sách nhà nước, mà phải lấy thu bù chi để hoạt động và phát triển, vì vậy bắt buộc phải tăng học phí. Có những ngành đòi hỏi chi phí đào tạo cao như răng - hàm - mặt hơn 100 triệu đồng/sinh viên/năm nhưng trường vẫn bù lỗ và đưa ra mức thu 70 triệu đồng/năm. Ngoài ra, nhà trường luôn có chính sách hỗ trợ cho sinh viên nghèo, học giỏi.
Năm trước, tổng chi phí đào tạo trung bình một sinh viên/năm tại Trường ĐH Luật TP.HCM là 14,8 triệu đồng. Năm học 2020-2021, học phí lớp đại trà là 18 triệu đồng/sinh viên/năm; lớp Anh văn pháp lý: 36 triệu đồng/sinh viên/năm; lớp chất lượng cao ngành luật và ngành quản trị kinh doanh 45 triệu đồng/sinh viên/năm; lớp chất lượng cao ngành quản trị - luật 49,5 triệu đồng/sinh viên. Về mức học phí chương trình đào tạo chất lượng cao, nhà trường cho biết chương trình này có yêu cầu tuyển sinh cao.
Cụ thể, thí sinh phải đủ điểm chuẩn trúng tuyển hệ đại trà, có nhu cầu đăng ký và trường sẽ tổ chức kiểm tra tiếng Anh đầu vào, tương đương TOIEC 450, bởi sinh viên phải học khoảng 20% bằng tiếng Anh. Học phí chương trình chất lượng cao sở dĩ cao hơn chương trình đại trà nhiều là do tính toán trên chi phí đầu tư đào tạo. Giảng viên phải có kinh nghiệm và yêu cầu trách nhiệm cao hơn nên phải trả thù lao cao hơn. Giảng viên dạy lớp chất lượng cao phải soạn tài liệu giảng dạy riêng. Nguồn học liệu, cơ sở vật chất, sĩ số... đều tốt hơn. Chi phí đầu tư lớn hơn nên học phí phải cao hơn.
Có quan điểm cho rằng học phí quá cao sẽ giảm cơ hội học ĐH của thí sinh nghèo, học giỏi. Trong quyết định cho tự chủ ràng buộc các trường phải dành cho quỹ đầu tư phát triển, chưa kể tiền lãi ngân hàng cũng trích cho quỹ học bổng. Các trường tự chủ hiện nay có quỹ học bổng rất lớn, gấp nhiều lần so với trước khi tự chủ. Nên những suất học bổng rất có giá trị cho những sinh viên học giỏi. Các chính sách cho sinh viên diện chính sách vẫn đảm bảo. Tuy nhiên, Nhà nước phải điều tiết cho phù hợp với thực tế, vay vốn học tập hiện nay quá thấp so với học phí.
THANH THANH/Báo Phụ Nữ Giáo dục , Kinh tế , Tin trong nước
No comments:
Post a Comment