Hôm 3/6, hãng tin AFP dẫn lời Đặc phái viên Philippines tại Washington (Mỹ), thừa nhận, vấn đề an ninh ở Biển Đông bã giúp thuyết phục chính quyền của Tổng thống Rodrigo Duterte trì hoãn việc hủy bỏ hiệp ước quân sự quan trọng với Mỹ.
Trong một thất bại chiến lược đối với Trung Quốc, chính phủ Philippines đã đảo ngược quyết định và tuyên bố duy trì hiệp ước quân sự lâu dài với Mỹ, vốn từng bị Tổng thống Rodrigo Duterte chỉ trích là “không công bằng”.
Bộ trưởng Ngoại giao Philippines - Teodoro Locsin - đưa ra thông báo trên Twitter hôm 2/6 nói rằng, ông đã gửi công hàm thông báo cho Washington. Theo văn bản, quyết định không chấm dứt hiệp ước “Thỏa thuận Lực lượng thăm viếng”(VFA) được đưa ra trong bối cảnh yếu tố chính trị và các vấn đề khác có nhiều thay đổi trong khu vực.
Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt của Mỹ neo đậu ngoài khơi vịnh Manila năm 2018. Thỏa thuận Lực lượng thăm viếng năm 1998 là chìa khóa cho liên minh quân sự kéo dài hàng chục năm qua giữa Mỹ và Philippines - Ảnh: AP
Mỹ hoan nghênh động thái của Philippines. Đại sứ quán Mỹ tại Manila cho biết trong một tuyên bố: “Mối quan hệ đồng minh lâu đời đã mang lại lợi ích cho cả hai nước. Chúng tôi mong muốn tiếp tục hợp tác chặt chẽ về an ninh và quốc phòng với Philippines”.
Các nhà phân tích chính trị giải thích, sự đảo ngược quyết định này là một dấu hiệu cho thấy các nước láng giềng Trung Quốc đang lo lắng về sự hiện diện quân sự ngày càng tăng ở khu vực Biển Đông. Philippines, Việt Nam và Malaysia đều phản đối yêu sách lãnh thổ của Bắc Kinh ở Biển Đông. Một số nhà phân tích coi đây là lợi ích chiến lược đáng kể đối với Mỹ, bởi Philippines là đồng minh duy nhất của Washington giáp với Biển Đông - tuyến đường hàng hải quan trọng.
M. Taylor Fravel - giáo sư khoa học chính trị, Giám đốc Chương trình nghiên cứu an ninh tại Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ) - nhận định: “Từ khi Trung Quốc cố gắng áp đặt quyền kiểm soát ở vùng biển Việt Nam và Malaysia vào năm 2019, Manila có thể có kết luận rằng mối quan hệ với Bắc Kinh sẽ không bảo vệ lợi ích của Philippines”.
Theo Bonnie Glaser - Giám đốc dự án Nghiên cứu sức mạnh Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế ở Washington (Mỹ) - vẫn chưa rõ việc Philippines tạm thời kéo dài hiệp ước “Thỏa thuận Lực lượng thăm viếng” sẽ ảnh hưởng đến chính sách ở Biển Đông của Manila như thế nào, nhưng đó chắc chắn là một thất bại cho Trung Quốc.
Từ lâu, Bắc Kinh đã tìm cách làm suy yếu các liên minh của Mỹ và hưởng lợi từ sự xích mích giữa mối quan hệ Mỹ - Philippines trong vài năm qua. Vì vậy, quyết định mới của Manila được coi là trái với lợi ích của Trung Quốc.
Máy bay E-2C của Hải quân Mỹ chuẩn bị cất cánh từ tàu sân bay USS Theodore Roosevelt khi tàu này hoạt động trên biển Philippines ngày 26/5 - Ảnh: US NAVY
Hiệp ước VFA cho phép quân đội Mỹ tiến hành các cuộc tập trận quy mô lớn ở Philippines, đồng thời các lực lượng Philippines sẽ được đối tác Mỹ đào tạo để chống nạn khủng bố và buôn bán ma túy, với hàng trăm cuộc tập trận hằng năm.
Vào tháng 2/2020, Tổng thống Duterte ra lệnh chấm dứt hiệp ước VFA, gây ra lo ngại về vấn đề an ninh cho Philippines - nơi đang phải đối mặt với hành động ngày càng thù địch của Trung Quốc ở Biển Đông. Theo quy định, Washington và Manila có 180 ngày sau khi thông báo chấm dứt được đưa ra (đến tháng 8/2020) để cố gắng cứu vãn thỏa thuận. Kể từ khi lên cầm quyền, ông Duterte có xu hướng thân thiết hơn với Trung Quốc trong khi xa cách Mỹ - nhà cai trị thuộc địa cũ của Philippines - và báo động những quan chức trong chính quyền của ông rằng, không nên coi mối quan hệ Mỹ - Philippines là nền tảng của an ninh quốc gia.
Tuy nhiên, Jose Antonio Custodio - nhà sử học quân sự tại Viện Nghiên cứu chính sách, chiến lược và phát triển Philippines - cho rằng, nhiều đồng minh của ông Duterte không muốn chấm dứt hiệp ước, vốn có khả năng ảnh hưởng cả một liên minh quân sự kéo dài từ năm 1951. Manila cần liên minh này nhiều hơn Mỹ.
LINH LA (theo AFP, NY Times)/ Báo Phụ Nữ Biển Đảo , Chính trị , Quân sự , Tin quốc tế
No comments:
Post a Comment