Mới đây, TS Nguyễn Chiến Thắng, Giám đốc Trung tâm tư vấn nhiệt điện và điện hạt nhân của Viện Năng lượng thuộc Bộ Công Thương, cho rằng tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện không đáng lo ngại. Nhưng có thật là "không đáng lo ngại" như vị Tiến sĩ này nói hay không?
Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh. Ảnh: Trung Chánh
Trao đổi với TBKTSG Online, về quan điểm nêu trên của TS Thắng, ông Trần Đình Sính, Phó giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID), nhấn mạnh: “Tro xỉ của nhiệt điện than rất đáng lo ngại”.
Cụ thể, ông Sính dẫn thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, năm 2019, các nhà máy nhiệt điện than đang vận hành tiêu thụ khoảng 47,8 triệu tấn than, thải ra mỗi năm hơn 16,4 triệu tấn tro xỉ, thạch cao và tổng diện tích các bãi thải xỉ khoảng hơn 700 héc ta.
GreenID kiến nghị, không nên xây dựng thêm các nhà máy nhiệt điện than mới sau năm 2020 vì nó không còn rẻ và quá rủi ro cho an ninh năng lượng quốc gia, môi trường sống và sức khỏe của người dân; cần đáp ứng nguyện vọng của người dân và thị trường về tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo lên ít nhất 30%.Đến năm 2030, nếu không được xử lý, tro xỉ tồn đọng sẽ lên đến 422 triệu tấn và mỗi năm thải ra thêm khoảng 32 triệu tấn. “Nếu chiều cao bãi chứa tro xỉ khoảng 5 mét, thì chúng ta cần 65km2, gần bằng diện tích TP Huế (71,6km2) để chứa tro xỉ tồn đọng và mỗi năm cần thêm khoảng 5km2 để chứa tro xỉ tăng thêm”, ông cho biết.
Về chính sách, ông Sính cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1696 và 452 về tiêu thụ tro xỉ thạch cao của các nhà máy điện, trong đó, có quy định các nhà máy điện than chỉ được thiết kế bãi chứa tro xỉ có dung tích chứa trong hai năm.
Tuy nhiên, theo ông, cho đến nay vẫn chưa có nhà máy điện nào thực hiện. “Tro xỉ của Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân sắp đầy, không còn chỗ chứa”, ông dẫn chứng và cho rằng có nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật vẫn chưa được ban hành nên không có cơ sở để quản lý tro xỉ cũng như các doanh nghiệp có cơ hội đầu tư.
Ông Sính dẫn các tài liệu quốc tế cho biết, tùy theo mỏ, trong tro xỉ có thể chứa nhiều chất độc hại, kim loại nặng, thậm chí cả phóng xạ. “Liệu trong than của Việt Nam có hay không (chất độc hại, phóng xạ, kim loại nặng - PV) và khi đốt xong thì tồn dư trong tro xỉ là bao nhiêu?”, ông nêu câu hỏi và cho rằng, đến nay có rất ít nghiên cứu về vấn đề được đặt ra.
Còn một báo cáo tại hội thảo ở Đại học Tài nguyên Môi trường, tổ chức ngày 1-11-2019 đã chỉ ra rằng: nồng độ thủy ngân trong than Quảng Ninh khá lớn, ước tính khoảng 0,446mg/kg. Trong khi đó, theo Quy hoạch điện VII (điều chỉnh), đến năm 2030 sẽ đốt khoảng 129 triệu tấn than mỗi năm, trong đó có khoảng 1/3 là than Quảng Ninh (khoảng 44 triệu tấn). “Với tỷ lệ loại được thủy ngân trong than khoảng 65%, lượng thủy ngân xả ra khoảng 6,8 tấn/năm”, ông Sính cho biết và nói thêm rằng đó là chưa kể lượng thủy ngân do than nhập khoảng 85 triệu tấn/năm.
“Vậy, thủy ngân tồn đọng trong tro xỉ là bao nhiêu. Và còn có chất nào khác không, hàm lượng là bao nhiêu?”, ông Sính đặt vấn đề và cho biết tại mỏ than Nông Sơn (Quảng Nam) được phát hiện có phóng xạ.
Từ những vấn đề được nêu ra ở trên, ông Sính của GreenID một lần nữa khẳng định: “tro xỉ của nhiệt điện than rất đáng lo ngại”.
Ngoài ra, ông Sính cũng chỉ ra rằng, tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện tạo ra rất nhiều nguy cơ, bao gồm nguy cơ thứ nhất là tro bay gây ô nhiễm không khí; thứ hai là ô nhiễm từ bãi tro xỉ và nguy cơ từ nước rò rỉ của bãi xỉ.
Chẳng hạn, với nguy cơ ô nhiễm từ bãi tro xỉ, theo ông Sính, đây là một nguy cơ mà thực tế đã xảy ra ở hầu hết các nhà máy nhiệt điện than, ô nhiễm không khí, nhà ở, mùa màng… “Điển hình là vào tháng 5 năm 2015, người dân xã Vĩnh Tân (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) chặn đường quốc lộ 1 vì tro xỉ phát tán, người dân không chịu nổi”, ông Sính dẫn chứng.
Đẩy mạnh điện sạch, ngưng điện than
Trước những vấn đề được nêu ra, GreenID cho biết, đơn vị này hoàn toàn ủng hộ Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đó, Nghị quyết đã đặt ra những yêu cầu cần có chính sách đột phá thời gian tới để khai thác triệt để năng lượng tái tạo, thay thế nhiên liệu hóa thạch, giảm tỷ trọng điện than và đưa việc sử dụng năng lượng hiệu quả trở thành quốc sách, ưu tiên hàng đầu.
“Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ định hướng trên và kiến nghị Quy hoạch điện 8 sắp tới cần được thiết kế là một quy hoạch phát triển năng lượng bền vững, khả thi vì sức khỏe cộng đồng và công bằng xã hội”, ông Sính cho biết.
GreenID kiến nghị, không nên xây dựng thêm các nhà máy nhiệt điện than mới sau năm 2020 vì nó không còn rẻ và quá rủi ro cho an ninh năng lượng quốc gia, môi trường sống và sức khỏe của người dân; cần đáp ứng nguyện vọng của người dân và thị trường về tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo lên ít nhất 30%.
Mặt khác, phải coi trọng, ưu tiên các giải pháp để đẩy mạnh sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, giúp kiểm soát, điều chỉnh nhu cầu và góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển các ngành thâm dụng ít năng lượng, có hiệu quả kinh tế cao.
Thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo phân tán như điện mặt trời mái nhà, điện năng lượng tái tạo kết hợp với sản xuất nông nghiệp…
Theo Thesaigontimes Chính trị , Môi trường , Tin trong nước
No comments:
Post a Comment