Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác có thể bị phạt hành chính, phải bồi thường hoặc bị truy tố.
Mấy ngày qua nhiều trang mạng xã hội đưa thông tin từ ngày 1-7 tới ai chê người khác mập, thấp, xấu… thì có thể bị phạt tù năm năm, phạt tiền 30 triệu, phải bồi thường danh dự 16 triệu đồng…
Vậy thực hư chuyện này ra sao?
Chê bai người khác như mập, lùn, ốm, ế, xấu,… dù là bông đùa hay lời nói thật cũng có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến người khác. Hành vi này có thể khiến người khác cảm thấy tự ti, khó chịu, bị xúc phạm.
Nghiêm trọng hơn, một số trường hợp bị trầm cảm, thậm chí tìm đến cái chết sau khi bị ai đó chê bai.
Ảnh minh họa
Hiến pháp 2013 (khoản 1 Điều 20) quy định: Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.
Theo luật sư Nguyễn Đức Thắng Ý (Đoàn Luật sư TP.HCM): Người bị xúc phạm có thể làm đơn gửi đến cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạt hành chính để tố cáo hành vi của người đó, nếu đủ cơ sở chứng minh.
Tùy theo mức độ, hành vi của người có lời lẽ xúc phạm có thể bị xử phạt hành chính theo điểm a khoản 1 Điều 5 Nghị định số 167/2013 của Chính phủ (xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tệ nạn xã hội, phòng cháy chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình).
Cụ thể phạt từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng nếu có các hành vi: Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác…
Ngoài ra, khoản 1 Điều 34 Bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định: Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Người nào xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác thì phải bồi thường thiệt hại theo Điều 592 BLDS.
Theo đó, mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá 10 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Từ ngày 1-7, mức lương cơ sở là 1.600.000 đồng (hiện tại là 1.490.000 đồng). Như vậy, người xúc phạm có thể bị phạt tối đa là 16 triệu đồng (10 lần mức lương cơ sở).
Về chế tài hình sự, theo luật sư Thắng Ý, nếu cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm mà hành vi đó đủ yếu tố cấu thành tội làm nhục người khác, theo Điều 155 BLHS. Người phạm tội có thể bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10 triệu đến 30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm.
Trường hợp gây cho người bị xúc phạm rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỉ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc làm nạn nhân tự sát thì có thể bị phạt tù từ hai đến năm năm tù. Tuy nhiên, lưu ý là tội danh này chỉ bị khởi tố khi có đơn yêu cầu của người bị hại. Pháp luật , Tin trong nước
No comments:
Post a Comment