Cập nhật tin tức nóng hổi

Xử lý giáo viên để học sinh viết vào sách giáo khoa

Bộ GD-ĐT vừa có yêu cầu các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo viên nhắc nhở học sinh có ý thức giữ gìn, không được viết, vẽ vào SGK. Chỉ đạo này ngay lập tức tạo nên làn sóng hoang mang trong đội ngũ các thầy, cô giáo.
Làm bài tập ngay trên sách giáo khoa
Làm bài tập ngay trên sách giáo khoa

(SGGPO). Tranh cãi về chủ trương “Một chương trình, nhiều sách giáo khoa” vừa tạm lắng thì mới đây, Bộ Giáo dục – Đào tạo (GD-ĐT) đã ban hành thêm Chỉ thị về việc sử dụng sách giáo khoa (SGK) và sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Theo đó, do thừa nhận hiện nay trên thị trường đang có sự lãng phí lớn khi chỉ khoảng 35% SGK được dùng lại, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo viên nhắc nhở học sinh có ý thức giữ gìn, không được viết, vẽ vào SGK.

Xem thêm: Cạn lời: Thiếu giáo viên nhưng trường vẫn có 5 Phó hiệu trưởng

Đồng thời, Bộ cũng yêu cầu giám đốc các Sở GD-ĐT chỉ đạo các phòng GD-ĐT quận, huyện, các cơ sở giáo dục phổ thông ở địa phương quán triệt đến từng cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh về việc giữ gìn, bảo quản và sử dụng lâu bền SGK. Cụ thể, học sinh cần được hướng dẫn nghiên cứu SGK để thực hiện các hoạt động học và ghi kết quả học tập vào vở, không được trực tiếp viết, vẽ vào SGK. Các phòng GD-ĐT, cơ sở giáo dục phổ thông có thêm trách nhiệm tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ, quản lý, giáo viên vi phạm quy định. Chỉ đạo này ngay lập tức tạo nên làn sóng hoang mang trong đội ngũ các thầy, cô giáo.

Một giáo viên dạy Toán ở quận 5 lo lắng, để tiếp thu bài học, học sinh có viết, vẽ vào SGK hay không là cách học của từng em. Có em không cần viết vào sách vẫn nắm rõ các bước giải bài, nhưng có em phải tự tay viết đi viết lại nhiều lần mới nhớ được cách giải.

Lẽ nào một lớp hơn 40 học sinh chỉ 3-4 em viết vào sách thì giáo viên sẽ bị xử lý? Hơn nữa, nếu quy đổi việc viết trực tiếp vào sách đồng nghĩa với không tiết kiệm vậy những trường hợp học sinh không viết vào sách nhưng bảo quản không tốt, sách bị dơ, gãy gáy, rách trang, giáo viên bị xử lý thế nào?.

Đồng quan điểm, nhiều phụ huynh cũng bày tỏ ý kiến, nếu SGK do học sinh đi mượn (từ thư viện của trường hay của người khác) thì tất nhiên các em sẽ ý thức được việc không được viết, vẽ vào sách. Bởi khi đó SGK không phải là tài sản, vật sở hữu của các em nên trong quá trình sử dụng phải có nghĩa vụ bảo quản, không để mất mát, hư hỏng, rách, bẩn.

Tuy nhiên, nếu ngược lại SGK là tài sản của học sinh (do các em tự bỏ tiền mua, cha mẹ mua cho hoặc được cho, tặng) thì không ai có quyền cấm các em viết, vẽ vào sách. Việc cho, tặng, thậm chí bán lại các loại sách đó khi không có nhu cầu sử dụng nữa là quyền của người học, cơ quan quản lý không có cơ sở xen vào.

Như vậy, một lần nữa, Bộ GD-ĐT đang cho thấy sự bất nhất của mình trong điều hành và quản lý SGK, một trong những tài liệu dạy học mang tính phổ biến nhất hiện nay. Dù quy định được cho là nhằm mục đích giảm lãng phí, giáo dục học sinh ý thức tiết kiệm trong sử dụng SGK nhưng hiệu quả thực hiện đang khiến xã hội lo ngại.

Nguồn Sggp ,

No comments:

Post a Comment