Cập nhật tin tức nóng hổi

Điều động Chánh Văn phòng Thành ủy TP.HCM: Thay đổi bình thường?

Về mặt tổ chức, Chánh Văn phòng Thành ủy TPHCM và Phó Bí thư Đảng ủy Khối Dân – Chính – Đảng đều tương đương nhau…

Vì sao điều chuyển?

Bà Thái Thị Bích Liên, Chánh Văn phòng Thành ủy TPHCM vừa được điều động giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy Khối Dân – Chính – Đảng. Sự kiện này diễn ra sau khi bà Liên vừa nhận quyết định kỷ luật bằng hình thức khiển trách về các vi phạm thiếu sót trong công tác tham mưu và thực hiện trách nhiệm được ủy quyền đại diện chủ sở hữu tài sản tại các doanh nghiệp thuộc Đảng bộ TP trong đó có liên quan đến thương vụ bán rẻ đất công ở dự án Phước Kiển, huyện Nhà Bè cho Công ty Quốc Cường Gia Lai.
Bà Thái Thị Bích Liên được điều động sang nhiệm vụ mới
Bà Thái Thị Bích Liên được điều động sang nhiệm vụ mới. 

Bình luận về việc này, ông Vũ Quốc Hùng – nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra T.Ư (UBKTTƯ) cho rằng, cần phải nhìn nhận rõ đây quyết định kỷ luật hay chỉ là một bước thay đổi nhân sự bình thường. Nếu việc điều chuyển trên chỉ là sắp xếp, thay đổi lại công việc thì không có gì đáng nói.

Về mặt tổ chức, chức danh Chánh Văn phòng Thành ủy TPHCM cũng tương đương với chức danh Phó Bí thư Đảng ủy Khối Dân – Chính – Đảng. Như vậy, bà Liên không bị thiệt.

Tuy nhiên, nếu việc điều chuyển trên có liên quan tới những sai phạm của bà Liên trước đó thì cần phải xem xét lại chế độ, chính sách sau khi điều chuyển của bà Liên được điều chỉnh như thế nào, có phù hợp không?

“Điều chuyển cũng là một hình thức kỷ luật, giúp cán bộ có điều kiện nhận thức, rèn luyện bản lĩnh, phát huy trí tuệ, năng lực trong môi trường trường công việc khác nhau. Đây chính là một hình thức thử thách cán bộ, là một cách để dư luận giám sát, theo dõi, đánh giá… thì cũng là một hình thức kỷ luật rồi.

Đi cùng với đó, cơ chế chính sách đãi ngộ cũng phải điều chỉnh cho phù hợp để cán bộ mắc sai phạm nhận thấy rõ là mình có sai, mình chưa làm tốt tại vị trí Chánh văn phòng giờ phải đi lên, phải làm tốt hơn nữa tại vị trí mới.

Tôi hoàn toàn không đồng ý với một vài trường hợp, mắc sai phạm nghiêm trọng nhưng lại được điều chuyển tới một vị trí mới “béo bở” hơn, lương, thưởng cao hơn là không được. Chúng ta không hẹp hòi, không vùi dập cán bộ nhưng không tạo tiền lệ, tâm lý tự đắc, sai vẫn không sao, sai vẫn đàng hoàng và trường hợp bà Liên cũng không là ngoại lệ”, ông Vũ Quốc Hùng nêu quan điểm.

Cũng giống nhau

Đồng quan điểm, TS Lê Hồng Sơn – nguyên Cục trưởng Cục KTVB, Bộ Tư pháp cũng cho rằng, quyết định xử lý kỷ luật khiển trách đối với bà Thái Thị Bích Liên của Ban thường vụ Thành ủy, TP.HCM với việc điều chuyển công việc mới là hai việc khác nhau. Đây là động thái diễn ra sau khi đã thực hiện xong hình thức kỷ luật về những sai phạm có liên quan tới bà Liên.

Tuy nhiên, cần phải đặt trong bối cảnh những sai phạm xảy ra để xem xét, đánh giá thận trọng những sai phạm cụ thể đó là gì, từ đó mới khẳng định được việc điều chuyển công tác có phù hợp hay không?

Như vậy theo vị chuyên gia, có hai vấn đề cần phải xem xét. Thứ nhất là phải xem lại bản chất của hình thức kỷ luật đối với bà Liên cụ thể là gì? Thứ hai là, việc điều chuyển công việc mới có ý nghĩa, mục đích gì?

Ở trường hợp thứ nhất, theo TS Lê Hồng Sơn, việc áp dụng hình thức kỷ luật khiển trách đối với cán bộ mắc sai phạm là một hình thức kỷ luật mang tính hành chính, một hình thức nhắc nhở ở mức thấp nhất, không ảnh hưởng nhiều tới vị trí, cơ chế, chính sách của người có vi phạm.

Vì vậy, cần phải đánh giá lại, hình thức kỷ luật khiển trách trên đã phù hợp, tương xứng với tính chất, mức độ, nội dung vi phạm của bà Liên chưa?

Bên cạnh đó, cũng phải xem với những sai phạm trong quá trình bán đất Phước Kiển cho Tập đoàn Quốc Cường Gia Lai thì bà Liên có còn phải chịu trách nhiệm gì nữa không? Đó có thể là những vấn đề liên quan tới giá cả, lợi ích, thậm chí là những dấu hiệu tham nhũng mới… ?

“Việc mô tả những sai phạm cụ thể sẽ giúp đánh giá được bản chất của hình thức kỷ luật cũng như mục đích của việc điều chuyển công việc đối với bà Liên.

Việc này cũng nhằm tránh những dư luận nghị kỵ không hay vốn vẫn xảy ra tại nhiều địa phương. Cụ thể là trong công tác xử lý trách nhiệm của cán bộ mắc sai phạm nhiều địa phương còn thực hiện rất hạn chế, có tâm lý xuê xoa, bao che cho nhau, khiến dư luận bức xúc, nghi ngờ, mất lòng tin”, TS Lê Hồng Sơn chỉ rõ.

Về vấn đề điều chuyển công tác của bà Thái Thị Bích Liên, TS Sơn cho rằng đây là hai việc khác nhau. Đối với hình thức kỷ luật khiển trách cũng chính là một hình thức kỷ luật dành cho những hành vi vi phạm của bà  Thái Thị Bích Liên đã gây ra.

Việc điều chuyển công việc là sau khi Ban thường vụ Thành ủy đã xem xét kỷ luật đối với bà Liên.

“Đây là yêu cầu bố trí, sắp xếp lại nhân sự của địa phương. Về mặt tổ chức, hai vị trí Chánh Văn phòng Thành ủy TPHCM và chức danh Phó Bí thư Đảng ủy Khối Dân – Chính – Đảng đều tương đương nhau, không khác nhau về mặt quyền lợi, chính sách, chỉ khác nhau về ghế ngồi.

Tuy nhiên, tôi lưu ý, về chế độ chính sách, nội dung công việc cụ thể mà bà Liên được phân công, chịu trách nhiệm tại vị trí mới là gì? Không nên bố trí bà Liên vào vị trí, công việc mà bà Liên đã từng mắc sai phạm trước đây”, ông Sơn nói.
,

No comments:

Post a Comment