Cập nhật tin tức nóng hổi

Người dân phản ứng trước tình trang khai thác cát gần bờ ở Quảng Nam

Sáng 19-10, có mặt tại khu vực chân cầu Giao Thủy (phía H.Duy Xuyên, Quảng Nam), chúng tôi chứng kiến nơi đây như một đại công trường khai thác cát. Máy móc, thiết bị, xe vận chuyển đang hoạt động liên tục. Đúng như lời người dân phản ánh, P.V ghi nhận tình trạng khai thác cát theo kiểu “ăn mòn” vào bờ, một bên là dòng sông, một bên là vực cát còn nham nhở. Từ đỉnh cát xuống mép mặt nước ước lượng từ 5-7 mét. Theo ông H. (nhà ở gần bờ sông), người dân nơi đây rất bất an trước tình trạng khai thác cát diễn ra suốt nhiều năm qua: “Việc khai thác cát sạn của các doanh nghiệp diễn ra từ nhiều năm nay. Ban đầu khai thác với quy mô nhỏ, thủ công nhưng vài năm trở lại đây thì diễn ra ngày càng rầm rộ, quy mô lớn với nhiều phương tiện cơ giới. Thời gian gần đây thấy công ty khai thác lấn vào bờ khiến chúng tôi rất bất an, không biết ai cho phép mà khai thác kiểu như vậy?”, ông H. thông tin. Còn bà M. (65 tuổi, trú thôn Phú Lạc) cho rằng trước đây bãi cát này được người dân trồng trọt cây cối trù phú quanh năm. Tuy nhiên từ khi được cấp phép khai thác thì đất đai phải bỏ hoang, người dân sống trong cảnh thấp thỏm lo âu vì không biết bao giờ sạt lở lấn vào tới nhà. “Nhiều lần dân chúng tôi đã ý kiến và tỉnh, huyện, xã, người của công ty cũng đến vận động, trấn an là việc khai thác cát này đã có đánh giá, kiểm định rồi mới làm người dân không phải lo. Nhưng không lo sao được khi mỗi năm sông lại lấn vô gần nhà một ít, kiểu ni chắc hết đời tôi thôi chứ con cháu không sống ở đây được”, bà M. than thở.

Khác với nỗi lo lắng của người dân, ông Nguyễn Đình Hải-Phó Chủ tịch UBND xã Duy Hòa tỏ ra khá thản nhiên trước thông tin chúng tôi phản ánh lại từ kiến nghị của người dân, bởi theo ông, doanh nghiệp khai thác cát trong phạm vi cho phép và đã được UBND tỉnh cấp phép. “Đứng từ trên cầu Giao Thủy nhìn xuống sẽ thấy dấu mốc cắm màu đỏ giới hạn nên công ty múc cát trong khu vực đó là được phép, đây là cát bồi chứ không phải đất sản xuất của người dân”, ông Hải cho biết. Tiếp tục liên hệ làm việc với ông Trần Quốc Diện–Giám đốc Công ty CP Tư vấn xây dựng Tân Phước Yên về cách khai thác cát này, ông Diện khẳng định công ty không làm sai, đây là cát bồi theo con nước và nằm trong khu vực mà công ty ông được cấp phép khai thác.
Người dân phản ứng trước tình trang khai thác cát gần bờ ở Quảng Nam

Người dân phản ứng trước tình trang khai thác cát gần bờ ở Quảng Nam
Người dân lo sợ hậu quả xấu trước cách khai thác cát như “ngoặm” vào bờ và khu vực chân cầu Giao Thủy đã trở thành đại công trường khai thác cát trong nhiều năm trở lại đây.

Cho chúng tôi xem số hồ sơ cấp phép khai thác gồm trữ lượng khai thác 324.257m3 với công suất khai thác 43.000m3/năm, ông Diện cho biết hiện công ty ông mới chỉ khai thác được 2 năm trong khi giấy phép khai thác có thời gian là 7 năm 6 tháng bắt đầu từ tháng 9-2016. Theo báo cáo kết quả giám sát môi trường đợt I-2018 kết luận tất cả các thông số trong nước mặt tại nơi dự án đều nằm trong giới hạn cho phép, các tác động từ nguồn chất thải phát sinh tại khu vực không đáng kể và không gây ảnh hưởng lớn đến môi trường và xung quanh khu vực. “Khu vực dưới chân cầu Giao Thủy là khu vực đông người qua lại vì vậy người dân có ý kiến về cách khai thác cát thì cũng đúng thôi. Tuy nhiên số cát này khi nước lớn thì nó nằm dưới đáy sông còn khi nước cạn thì nổi lên thành cát bồi vì vậy nhìn ban đầu tưởng như hút cát vào trong bờ nhưng thực chất không ảnh hưởng đến dân cư. Từ chỗ khai thác đến khu dân cư là còn khoảng cách 800 mét”, ông Diện khẳng định.

Từ thực tế tìm hiểu của P.V, có thể khẳng định rằng việc khai thác cát của công ty Tân Phước Yên là đúng theo giấy phép do UBND tỉnh Quảng Nam cấp, tuy nhiên vấn đề người dân lo lắng, phản ảnh là không sai bởi trong lúc bên này sông Thu Bồn đang khai thác cát thì phía bên kia sông thuộc địa phận xã Đại Hòa (H. Đại Lộc) lại đang tiến hành xây kè chống xói lở. Được biết một phần cát được khai thác phía bên xã Duy Hòa cũng được dùng để xây kè bên phía Đại Hòa. Người dân khu vực này cho biết trước khi được xây kè chống sạt lở thì chính khu vực ven sông Đại Hòa này cũng đã từng là đại công trường khai thác cát. Như vậy có thể thấy rằng trong khi một bên đang nhận hậu quả từ khai thác cát thì bên kia sông vẫn cứ được cấp phép khai thác là điều rất nghịch lý!

Trong nhiều cuộc họp, ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam từng khẳng định rằng dừng khai thác cát trên sông Vu Gia, Thu Bồn là cực đoan, sẽ gây nhiều hệ lụy nhất là khi trên địa bàn đang có rất nhiều dự án trọng điểm triển khai xây dựng. Nếu dừng khai thác, giá cát sẽ tăng gấp đôi, gấp 3 dẫn đến rối loạn thị trường. Vì thế quan điểm của tỉnh là cân bằng giữa việc khai thác cát phục vụ nhu cầu xây dựng và phương án khai thác thế nào để không quá mức, làm mất cân bằng lượng bùn cát gây sạt lở…

Tuy nhiên, với thực tế những gì đang diễn ra có thể thấy rằng việc không mở rộng khai thác cát chỉ hạn chế phần nào bởi với số lượng mỏ cát đang hoạt động như hiện nay cũng đã đủ đe dọa hàng ngàn hộ dân đang sinh sống ven bờ và hệ lụy là nhiều ngôi làng đang dần bị xóa sổ. Câu chuyện này đã được cảnh báo nhiều năm nay nhưng có lẽ vẫn chưa bao giờ có hồi kết.

Nguồn http://cadn.com.vn/news/75_197268_nguoi-dan-phan-ung-truoc-tinh-trang-khai-thac-cat-gan-bo.aspx
, ,

No comments:

Post a Comment