Cập nhật tin tức nóng hổi

Vay nợ từ Trung Quốc của Việt Nam sẽ ra sao trong năm 2018?

Theo tính toán của chuyên gia kinh tế, tổng mức vay nợ từ Trung Quốc của Việt Nam sẽ vượt quá 6 tỷ USD vào năm 2018.
Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Tập Cận Bình
Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một lần đến thăm Việt Nam.

Có thể còn vượt xa 6 tỷ USD

Số liệu nợ nước ngoài theo từng quốc gia là dữ liệu không còn được công bố chính thức tại Việt Nam kể từ năm 2011, mặc dù về nguyên tắc Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn nắm được thông tin.

Do đó, để đo lường mức dự nợ nước ngoài, mà đặc biệt là các khoản nợ vay từ Trung Quốc, chuyên gia kinh tế TS. Vũ Quang Việt (từng là Vụ trưởng Vụ Tài khoản Quốc gia thuộc Cục Thống kê Liên Hợp Quốc) đã dựa trên những thông tin và dữ liệu sẵn có để ước lượng số nợ.

Theo đó, chuyên gia này dẫn số liệu từ một nghiên cứu chi tiết về các khoản nợ của các nước (trong đó có nợ Việt Nam với Trung Quốc), cho thấy tổng số nợ mà Việt Nam đã vay từ quốc gia láng giềng (bao gồm nợ Chính phủ, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân) có thể đã lên tới 4,1 tỷ USD vào cuối năm 2013, bằng khoảng 6,3% tổng số nợ nước ngoài của Việt Nam tại cùng thời điểm (63,5 tỷ USD).

Trên cơ sở đó, với ước tính tổng nợ nước ngoài của quốc gia hiện đang ở mức khoảng 100 tỷ USD (năm 2016 là 86,9 tỷ USD – theo WorldBank), thì số nợ mà Việt Nam đang vay mượn từ Trung Quốc vào năm 2018 có thể lên tới hơn 6 tỷ USD.

Thậm chí số nợ Trung Quốc có thể còn vượt xa con số trên, bởi từ sau năm 2010 Bộ Tài chính chỉ theo dõi và công bố nợ công – bao gồm nợ chính phủ và nợ của các doanh nghiệp nhà nước do chính phủ bảo lãnh.

Tự tìm đến “bẫy nợ”

Trong bài viết được tờ Thời báo Kinh tế Saigon Online đăng tải mới đây, TS. Vũ Quang Việt cho rằng việc theo dõi và quản lý nợ nước ngoài, chứ không chỉ nợ công, cũng có vai trò rất quan trọng. Bởi một khi mất khả năng chi trả, các ngân hàng nước ngoài có thể chặn tài khoản quốc gia để đòi nợ, hay các doanh nghiệp chủ nợ nước ngoài hoàn toàn có thể đòi hỏi quốc gia vay nợ chuyển giao quyền sở hữu dự án hay quyền khai thác tài nguyên quốc gia vay nợ.

Một lo ngại khác là kể từ năm 2017, Việt Nam đã không còn được nhận các khoản vay ưu đãi ODA từ các tổ chức quốc tế. Nếu không có các thay đổi về chính sách trong việc giảm bớt phụ thuộc vào nguồn vay vốn nước ngoài, nhu cầu vốn dành cho đầu tư phát triển vẫn ở mức cao có thể dẫn Việt Nam đến “bẫy nợ” của Trung Quốc.

Trước đó, Sri Lanka sau khi sập “bẫy nợ” đã buộc phải bàn giao lại cảng Hambantota cho Trung Quốc vì không có khả năng chi trả các khoản nợ vay từ quốc gia đối tác. Một số trường hợp khác như Hy Lạp, Djibouti, Úc, Maylaysia, Myanmar… cũng rơi vào tình huống ngập nợ tại các dự án do Trung Quốc tài trợ.

Nhiều trong số họ nhận ra sự nguy hiểm của các khoản vay ưu đãi từ Trung Quốc thật sự không hề ưu đãi và đã đang hủy bỏ các dự án. Mới đây cả Malaysia lẫn Myanmar đều đã cho dừng các dự án hạ tầng vay vốn từ Trung Quốc, trong khi đó, Việt Nam đang mở hết cửa để đón dòng đầu tư từ Trung Quốc thông qua việc mở nhiều cửa khẩu, xây tuyến đường cao tốc nối thẳng Vân Đồn lên Móng Cái (Quảng Ninh) và nhiều hạng mục công trình khác tại hai bên khu vực biên giới Việt-Trung… là những dấu hiệu cho thấy Việt Nam vẫn chưa có dấu hiệu cảnh giác nào với vốn vay từ Trung Quốc, đặc biệt mới đây Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói rằng “thời điểm hiện tại là giai đoạn hợp tác tốt đẹp nhất trong quan hệ Việt-Trung.”

Nguồn Trithucvn
, ,

No comments:

Post a Comment