Cập nhật tin tức nóng hổi

Xin đừng mượn tay cường quyền để tiêu diệt nước mắm truyền thống!

Có lẽ, nhiều người tiêu dùng đã biết đến thương hiệu nước mắm Phú Quốc, Cát Hải, Cà Ná, Phan Thiết, Mũi Né, Nha Trang… đây các loại nước mắm cao đạm được sản xuất theo quy trình của ông cha truyền lại từ hàng trăm năm. Nhưng hôm nay chúng đang bị đe doạ sự tồn vong bởi dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN-12607:2019 về quy phạm thực hành sản xuất nước mắm.
Nước mắm truyền thống được làm trong những thùng chượp cá cơm và muối
Nước mắm truyền thống được làm trong những thùng chượp cá cơm và muối.

Những ai tìm hiểu và sành về rượu có thể biết, với người Pháp, chỉ có rượu cất từ nho, ủ trong thùng gỗ sồi của vùng cognac mới được gọi là cognac. Với người Việt cũng vậy, chỉ có nước mắm được chưng cất trong nhà thùng chượp, từ cá, muối (nước muối bão hòa) qua cả một quy trình nghiêm ngặt gần một năm trời, mới được gọi là nước mắm Phú Quốc, Phan Thiết, Cát Hải huyền thoại, vang danh khắp thế giới. Còn cái loại mà họ gọi là “nước mắm” dùng nước muối pha loãng một chút nước mắm cốt, sau đó dùng hóa chất bảo quản, chất tạo màu, tạo mùi để chống hư thối và có được hương vị như nước mắm truyền thống thì tôi gọi là “nước chấm công nghiệp”. Hai quy trình làm khác nhau cho hai mùi vị tự nhiên và tổng hợp khác nhau, vậy mà bị xếp chung lại có hợp ý hay không? Chưa kể, với các hóa chất có trong “nước chấm công nghiệp”, kể cả loại cho phép dùng trong thực phẩm, nhà sản xuất hóa chất bắt buộc phải luôn khuyến cáo những nguy cơ đi kèm và tất cả thông tin phải được thể hiện rất minh bạch. Cơ quan soạn thảo tiêu chuẩn mà hiểu nước mắm đơn giản như thế, thì không bất ngờ khi họ đưa ra “khuyến nghị thực hành đối với quy trình sản xuất nước mắm” đầy tính viễn vông như vậy? Đã vậy, nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Trần Đáng còn nói rằng: “Làm gì có khái niệm nước mắm truyền thống, làm gì có khái niệm nước mắm công nghiệp, cứ toàn tự nghĩ ra, tự xưng”. Trong cuộc họp khác, ông Phó Cục trưởng bảo “đã tổ chức nhiều cuộc hội nghị hội thảo rồi. Những ai đã từng tổ chức hội thảo hội nghị hay thậm chí tổ chức các hội đồng gồm chuyên gia để đánh giá, đều quá hiểu rằng, mình muốn kết quả sau cùng là thế nào, thì mời thành phần tham dự theo thế ấy”. Thế nên mới có chuyện các chuyên gia một lòng vì nước mắm truyền thống đều bị đuổi ra khỏi phòng họp và chẳng có một người dân làm nước mắm nào được phép tham dự. Và kết quả là các ông ngồi máy lạnh đẻ ra bản dự thảo trên trời như trên.
Xin đừng mượn tay cường quyền để tiêu diệt nước mắm truyền thống!
Để có được những chai nước mắm truyền thống đậm vị thì người làm phải chắt chiu từng giọt cả năm trời.

Theo thông tin tìm hiểu, dự thảo TCVN-12607:2019 được đưa ra dựa theo tiêu chuẩn Codex về nước mắm do Việt Nam và Thái Lan đồng chủ trì biên soạn với quốc tế. Tuy nhiên, theo chuyên gia Vũ Thế Thành thì “tiêu chuẩn này bất hợp lý khi đưa ra chỉ tiêu histamin trong nước mắm phải dưới 400 ppm. Chỉ tiêu về histamine thấp như thế chỉ có “nước mắm công nghiệp” là đáp ứng được, vì là nước mắm pha loãng nên không thể có nhiều histamin”. Thái Lan là vương quốc của “nước chấm công nghiệp” thấp đạm từ 10 đến 20 độ. Trong khi đó, Việt Nam, các doanh nghiệp, cơ sở truyền thống lại sản xuất nước mắm cao đạm, từ 30 độ trở lên. Vì thế, họ đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc xuất khẩu ra nước ngoài. Các ông soạn thảo TCVN đã không tìm cách tháo gỡ khúc mắc đó thì thôi lại còn mua dây buộc các nhà sản xuất nước mắm truyền thống, bắt họ áp dụng quy trình sản xuất công nghiệp. Phải chăng, các ông đang tính tiệt đường kiếm cơm của các doanh nghiệp truyền thống? Các ông đưa ra dự thảo này thì có lợi cho ai? Tại sao các ông không nghe người dân, không nhìn vào quy trình sản xuất của họ? Phải chăng kẻ giấu mặt nào đó đang muốn mượn tay các ông để ra quy định, để bắt các nhà sản xuất nước mắm truyền thống phải đi theo, ngăn chặn con đường phát triển của họ? Chưa kể còn ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu ngư dân liên quan đến nghề làm nước mắm và hoạt động kinh tế biển.
Nước mắm truyền thống cao đạm
Nước mắm truyền thống cao đạm, không hóa chất nhưng vẫn long đong trên thị trường.

Cách đây 2 năm, Tập đoàn Masan đã là dùng đòn bẩn Arsen (thạch tín) nhắm vào nước mắm truyền thống để độc bá thị trường. Nếu như lúc đó Chính phủ, Bộ Công an, cách ban ngành khác không vào cuộc; “tiến sĩ nước mắm” Trần Thị Dung – nguyên cán bộ Vụ Khoa học và Công nghệ không lên tiếng bảo vệ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nước mắm thì có lẽ, tập đoàn Masan đã nuốt gọn nước mắm truyền thống rồi. Liệu dự thảo TCVN 12607:2019 đang gây tranh cãi có nằm trong “mưu hèn kế bẩn” của Masan không? Hay của một ai khác mượn tay công quyền để tiêu diệt nước mắm truyền thống?

Đáng nói là, một lít “nước chấm công nghiệp” đang được bán trên thị trường có giá thành phẩm chưa đến 10 ngàn đồng/lít. Với giá bán này, nhà sản xuất đã có lãi sau khi trừ chiết khấu cho đại lý, trả lương nhân công, chi phí nguyên liệu ban đầu, thuế, tiền điện nước, bao bì, chi phí quảng cáo…. Có nghĩa là nhiều lắm một lít nước mắm trước khi xuất xưởng có giá khoảng 5 ngàn đồng/lít, tương đương một chai nước suối mà thôi. Trong khi, nước mắm nhĩ loại 40-43 độ đạm có giá trung bình đã là 170 ngàn đồng/lít. Vậy chúng ta thực chất đang sử dụng nước mắm hay “nước chấm công nghiệp” hay đơn giản chỉ là nước hút từ giếng rồi pha hoá chất có hại cho sức khỏe? Phải chăng, chúng ta đang bị cái giá rẻ mạt của “nước chấm công nghiệp” đánh lừa thị giác và vị giác để bỏ qua nước mắm truyền thông của ông cha?

Không phủ nhận sự cần thiết của “nước chấm công nghiệp” trong việc đáp ứng nhu cầu vài trăm triệu lít nước mắm mỗi năm, mà nước mắm truyền thống không thể đáp ứng nổi nhưng tôi không đồng tình với việc cạnh tranh thiếu công bằng, lấn chiếm thị trường bằng “mưu hèn kế bẩn” của một số doanh nghiệp. Và chính chúng ta, không ai khác, những người tiêu dùng thông minh cần phải biết bảo vệ cái gọi là quốc hồn của ông cha để lại đầu tiên Trước khi yêu cầu các Bộ, ban, ngành lên tiếng. Chúng ta cần phải kiên quyết không để bất kỳ ai mượn tay cường  quyền đưa ra quy định trên trời hoặc tiếp tay cho những doanh nghiệp “nước chấm công nghiệp” tiêu diệt nước mắm truyền thống. Bạn sẽ chẳng bao giờ biết được, người Việt sinh sống ở nước ngoài vui sướng như thế nào khi nhìn thấy chai nước mắm nhĩ Phú Quốc do Việt Nam sản xuất, được bày bán trong các siêu thị đâu. Đó không chỉ đơn thuần là gia vị làm dậy mùi đặc trưng mà còn là bóng dáng của quê hương, là văn hóa ẩm thực của quê nhà, là bộ lòng heo luộc, bún chả, gỏi cuốn, bánh xèo,… Với những người Việt được sinh ra và lớn lên tại các vùng quê làm nước mắm như Cát Hải, Phú Quốc, Phan Thiết,… thì chỉ cần ngửi mùi nước mắm là đã nhận ra mùi vị của làng xóm và cả khoảng trời ký ức tuổi thơ ùa về.

Hôm nay, Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Phạm Công Tạc đã đề nghị Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng tạm dừng thủ tục công bố tiêu chuẩn về quy phạm thực hành sản xuất nước mắm TCVN 12607: 2019 để tiếp tục lắng nghe ý kiến của nhân dân, các hiệp hội và chuyên gia. Đây có thể xem là tinh thần cầu thị trên con đường đảm bảm sức khoẻ, quyền lợi của người tiêu dùng mà không ảnh hưởng đến các đơn vị sản xuất nước mắm của người cầm trịch.
, ,

No comments:

Post a Comment