Cập nhật tin tức nóng hổi

Bí ẩn ‘đại bản doanh’ đánh bạc của người Trung Quốc: Quản lý kiểu gì lạ vậy ?

Chỉ có 27 người Trung Quốc đăng ký tạm trú tại khu đô thị Our City, nhưng khi công an đột kích đường dây đánh bạc, tại đây có hơn 300 người Trung Quốc.
Bí ẩn ‘đại bản doanh’ đánh bạc của người Trung Quốc: Quản lý kiểu gì lạ vậy ?
‘Đại bản doanh’ đánh bạc của người Trung Quốc ở Hải Phòng – khu đô thị Our City

UBND P.Hải Thành (Q.Dương Kinh, TP.Hải Phòng) cho biết chỉ có 27 người Trung Quốc đăng ký tạm trú tại khu đô thị Our City, nhưng khi công an đột kích đường dây đánh bạc, tại đây có hơn 300 người Trung Quốc. Bạn đọc Báo Thanh Niên “than trời”: Quản lý kiểu gì lạ vậy?

Chiều 27.7, khi Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) chủ trì, phối hợp với Công an TP.Hải Phòng đột kích “đại bản doanh” đánh bạc qua mạng xuyên quốc gia trong khu đô thị Our City (Km9, đường Phạm Văn Đồng, P.Hải Thành), có đến hơn 300 người Trung Quốc bị thẩm vấn tại chỗ. Các cuộc thẩm vấn kéo dài đến tối 28.7, và Công an TP.Hải Phòng đã phải điều động nhiều đơn vị, phòng ban, cả giáo viên tiếng Trung, để phục vụ thẩm vấn.

Điều đáng nói, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch UBND P.Hải Thành, cho biết chỉ có 27 người Trung Quốc đăng ký tạm trú với chính quyền cơ sở.

Vô lý hết sức

Bạn đọc (BĐ) Nguyễn Văn Phúc (Tiền Giang) than: “Trời ạ, cách quản lý ở địa phương bộc lộ nhiều vấn đề yếu kém. Chỉ có 27/300 người Trung Quốc đăng ký tạm trú, nếu có vấn đề gì thì sao đây?”. Một BĐ ở Bình Dương nhất định không tin vào những con số “cho biết” ấy, nên đã nhận xét: “Vô lý hết sức. Chỗ nào tụ tập đá gà, cờ bạc hơi lớn chút là công an có mặt ngay. Còn ở đây rộng 43 ha, đầu tư hàng triệu đô la, cả đến mấy trăm người Trung Quốc, mà không nắm được họ làm gì từ mãi 2013 đến giờ?”.

Chứng tỏ công tác quản  lý của ta có nhiều vấn đề

(Văn Thanh, TP.HCM)

Cũng theo thông tin từ chính quyền địa phương, những năm đầu sau khi khởi công khu đô thị (từ năm 2010 – PV), họ còn mời chính quyền địa phương vào trong đó dự sự kiện, nhưng từ năm 2013 đến nay thì không đả động gì. Khu đô thị này cũng chưa xảy ra vấn đề an ninh trật tự. Mọi hoạt động đều thông qua cấp thành phố.

Tuy nhiên nguồn tin của PV Thanh Niên lại cho hay, những người Trung Quốc tại Our City chủ yếu có độ tuổi từ 18 – 25, “làm việc” ngày đêm với máy tính, iPad, hầu như không ra khỏi khuôn viên khu đô thị, thường được đổi đi sau 20 ngày. Những dấu hiệu bất thường như vậy lẽ nào chính quyền địa phương không lưu ý? BĐ Thám Tử (Hà Nội) nêu: “Nếu lực lượng cảnh sát khu vực và các tổ bảo vệ dân phố làm tốt nhiệm vụ, bám, nắm địa bàn, tăng cường kiểm tra việc đăng ký tạm trú tạm vắng, thì chắc chắn mọi hoạt động xấu không thể qua mắt được. Chứng tỏ công tác quản lý còn nhiều sơ hở, yếu kém, nên các loại tội phạm vẫn còn nơi trú ẩn”. BĐ Duy Sơn (TP.HCM) nhận xét: “Quá nguy hiểm!”.

Rà kỹ nhà đầu tư nước ngoài

Khu đô thị Our City do Công ty TNHH Hiệp Phong VN, thuộc Tập đoàn Hiệp Phong Hồng Kông, đầu tư. Theo thông tin từ chủ đầu tư, khu đô thị này có các căn hộ cao cấp, biệt thự, khách sạn 5 sao, trung tâm thương mại, khu vui chơi, trường học, bệnh viện… đạt tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, kể từ khi khởi công xây dựng đến nay, Our City chủ yếu chỉ có người Trung Quốc đến ở.

Có sự bảo kê ở đây không, nếu không phải là quản lý yếu kém?

Thành Công, Hà Nội

BĐ Nguyễn Dũng (Cao Bằng) đề nghị phải rà soát kỹ lưỡng hơn đối với các dự án nước ngoài đầu tư, để đảm bảo mục tiêu đầu tư là hoạt động kinh tế thực sự: “Sự tồn tại của những khu này có lợi ích gì cho Việt Nam? Phải coi lại ai đã cho phép những khu này hình thành?”. BĐ Phạm Thanh Tâm (Bình Thuận) tán thành: “Các nhà đầu tư nước ngoài nếu ta không rà soát kỹ lưỡng thì sẽ có nguy cơ gây họa”.

Theo Thanh niên , ,

No comments:

Post a Comment