Cập nhật tin tức nóng hổi

Khi chính quyền thờ ơ trách nhiệm!

Vấn đề đặt ra ở đây là, giang hồ đang có nhiều “đất diễn”, quá lộng hành ngay giữa trung tâm TP. Nhiều người muốn hỏi, trách nhiệm của chính quyền, công an phường, quận ở đâu? Không phải 1 lần mà đến 8 lần, chẳng lẽ chính quyền địa phương bó tay rồi chăng?

Những ngày qua dư luận vô cùng phẫn nộ trước sự lộng hành của giang hồ đất Sài Thành khi liên tục khủng bố quán phở Hòa (đường Pasteur, phường 8, quận 3, TP Hồ Chí Minh) bằng cách tạt sơn, mắm tôm, chất bẩn… khiến thực khách phải hoảng loạn bỏ chạy, còn chủ quán thì phải đóng cửa, cầu cứu công an.
Khi chính quyền thờ ơ trách nhiệm!
Giang hồ nhiều “đất diễn” vì cơ chính quyền buông lỏng quản lý

Từ chuyện phở Hòa bị khủng bố tinh thần…

Như truyền thông đã đưa tin, ông Phạm Tùng Linh (chủ quán phở Hòa) cho biết trong vòng 20 ngày, quán của ông đã 8 lần bị người lạ tấn công bằng sơn, mắm tôm. Nguyên nhân của sự việc này là do người con rể thứ 6 của gia đình là ông Trần Anh Tuấn có nợ nần với một số người bên ngoài xã hội và quán phở Hòa bị “tai bay vạ gió”.

Vụ việc khiến dư luận quan tâm ở chỗ, sự việc diễn ra trong nhiều ngày, các đối tượng “khủng bố” chất bẩn rất manh động nhưng gần như không thấy có sự can thiệp kịp thời từ công an. Cả 8 lần bị tấn công, gia đình quán phở Hòa Pasteur đều trình báo công an nhưng sự việc ngày càng nghiêm trọng hơn, khiến quán phải ngừng bán để khắc phục hậu quả.

Đây không phải là lần đầu tiên, mà chỉ là một trong số nhiều những nhóm giang hồ có những hành động mang tính chất khủng bố tinh thần “con nợ” và người thân của “con nợ”. Dư luận vừa qua thực sự nóng với một loạt vụ những băng nhóm cộm cán chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng.

Còn nhớ, trung tuần tháng 5/2019, gia đình bà Đỗ Thúy Kiều (SN 1959, ngụ ấp Bình Lâm, xã Lộc An, huyện Long Thành) đã mạnh dạn làm đơn tố cáo sự việc ra cơ quan công an. Theo đơn kêu cứu của bà Kiều, bà có người con rể tên Thanh làm ăn thua lỗ hay như thế nào đó dẫn đến nợ nần với số tiền 1,3 tỷ đồng, nhưng không có khả năng chi trả nên đã bỏ xứ đi biệt tích. Vì thế các đối tượng giang hồ đã đòi nợ người thân bằng cách tạt nhiều ống kim chích, mắm tôm và sơn đỏ.

Đầu tháng 1/2019, Công an TP Vinh – Nghệ An bắt khẩn cấp một nhóm đối tượng đòi nợ kiểu “xã hội đen” để điều tra, làm rõ hành vi vi phạm pháp luật. Nhóm đối tượng xã hội đên đã dùng thuốc diệt chuột, diệt cỏ, thậm chí pha trứng thối với dầu nhớt rồi ném vào nhà người thân của “con nợ” để khủng bố tinh thần, ép “con nợ” trả tiền.

Hoặc, trước đây thông tin Công ty Smartland gửi công văn dọa “truy sát cả gia đình Giám đốc Đài Truyền hình VTV9, truy sát cán bộ nhân viên có liên quan” cũng khiến dư luận hết sức bức xúc, phẫn nộ..v..v.

Liên quan đến chuyện phở Hòa, bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban Văn hóa – Xã hội HĐND TP Hồ Chí Minh, cho rằng: “Việc phở Hòa bị tạt chất bẩn sẽ làm hình ảnh TP không được đẹp trong mắt người dân và khách du lịch. Không thể chấp nhận ở ngay trung tâm TP lại để xảy ra hình ảnh xấu xí như vậy được. Cho nên công an cần phải sớm tính toán, xử lý nghiêm vụ việc, răn đe đối tượng, không để diễn ra tình trạng tương tự ở TP”.

Sự thờ ơ của chính quyền

Mới đây, Cơ quan CSĐT Công an quận 3, TP Hồ Chí Minh cho hay, đang điều tra vụ việc quán phở Hoà bị một số đối tượng tạt mắm tôm, hắt sơn… gần 2 tháng nay. Đồng thời, Công an TP Hồ Chí Minh cũng vào cuộc để điều tra và phía Bộ Công an phía Nam cũng quan tâm, theo dõi sát sao vụ việc này.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là, giang hồ đang có nhiều “đất diễn”, quá lộng hành ngay giữa trung tâm TP. Nhiều người muốn hỏi, trách nhiệm của chính quyền, công an phường, quận ở đâu? Không phải 1 lần mà đến 8 lần, chẳng lẽ chính quyền địa phương bó tay rồi chăng?

Xin nói thẳng là không phải chính quyền, công an bó tay, không xử lý được vấn đề này, mà chỉ là do chậm xử lý, thiếu trách nhiệm thôi. Thậm chí, dư luận còn hoài nghi những người có chức quyền hoặc trực tiếp, hoặc đứng sau bảo kê, chống lưng cho những sai phạm nữa kìa.

Có thể nói, TP Hồ Chí Minh là vùng đất tụ hội của rất nhiều băng nhóm giang hồ đòi nợ thuê đến từ mọi miền đất nước. Những băng nhóm cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê trên địa bàn chủ yếu là các băng nhóm từ các tỉnh thành phía Bắc dạt vào. Hiện các băng nhóm giang hồ tín dụng đen, đòi nợ thuê núp bóng rất tinh vi, thường là dưới vỏ bọc tiệm cầm đồ, các công ty cho vay tín chấp, gắn liền với các hoạt động bảo kê, cờ bạc qua mạng.

Một nguyên nhân lớn dẫn đến việc tồn tại của nhiều nhóm xã hội đen đó là sự phát triển của TP Hồ Chí Minh – nơi luôn được coi là đầu tàu kinh tế không chỉ phía nam mà còn của cả nước. Những hệ lụy của sự phát triển kinh tế, nó cũng để lại những “góc khuất” phía sau đời sống xã hội. Có kẻ giàu sẽ có người nghèo, có người cho vay sẽ có người đi mượn, trong những người đi vay mượn có đủ khả năng trả và mất khả năng thanh toán.

Cái khó là thông thường những gia đình bị “khủng bố” tinh thần thường có quan hệ vay mượn, nợ nần “chợ đen” mà mục tiêu của người cho vay là bằng mọi giá phải thu hồi nợ. Mà tiền nợ trong giao dịch làm ăn phần lớn là dân sự, kéo nhau ra tòa rất phiền phức, tốn thời gian.

Con nợ thuê luật sư bào chữa, gây khó khăn bội phần trong việc tòa xét xử. Đó là chưa kể việc tòa tuyên chủ nợ thắng kiện, nhưng đơn vị thi hành án không xác minh được tài sản của con nợ thì xem như mất trắng, con nợ vẫn bình yên. Chính vì vậy, khi mâu thuẫn tiền bạc xảy ra, một bộ phận không nhỏ người dân nhờ các băng nhóm giang hồ… trợ giúp.

Một điều mà dư luận Sài Thành nói riêng và người dân nói chung đều có thể nhận thấy, các băng nhóm đòi nợ thuê hiện nay ở TP Hồ Chí Minh luôn có những nguyên tắc hoạt động nhất định. Chúng chia ra địa bàn hẳn hoi, hoạt động phải có sự tôn trọng, tránh tối đa việc giẫm chân nhau. Nếu con nợ nằm ngoài địa bàn hoạt động thì không “chạm nước giếng”, sẽ nhờ các băng nhóm “cai quản” ở địa bàn đó đòi hộ, hai bên thống nhất chia “chiến lợi phẩm”.

Chính vì các đối tượng xã hội đen chuyên đòi nợ thuê hiện đã “biến hình” dưới nhiều vỏ bọc khác nhau và hoạt động khá tinh vi. Thế nên, Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến – Cục trưởng cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) từng đề cập đến vấn nạn giang hồ…áo cổ cồn, tội phạm này có thể hiểu là những đại ca giang hồ khoác áo doanh nhân có mối quan hệ với một số cán bộ thoái hóa biến chất. Đó là xu thế chuyển mình của giang hồ.

Với cách khủng bố tinh thần người nhà của người vay nợ, chính quyền nói chung và ngành công an xử lý còn chậm nên các đối tượng giang hồ mới xem thường, nhờn pháp luật.

Và trên hết, muốn xử lý dứt điểm vấn nạn khủng bố tinh thần con nợ, người nhà con nợ bằng “bom bẩn” thì phải xóa bỏ nhận thức “đây là các tranh chấp về dân sự” trong các cơ quan chức năng hiện nay bằng việc nâng cao các chế tài trong việc giải quyết tin báo tố giác tội phạm thì mới bảo đảm sự an toàn cho nhân dân. Bên cạnh đó cần phải có sự xử lý các đối tượng này một cách thích đáng để có tính răn đe.

Còn một khi chính quyền còn thờ ơ trách nhiệm, những tiêu cực sẽ tiếp diễn, ngày càng phức tạp và người dân sẽ còn bất an, lo lắng. , ,

No comments:

Post a Comment