Cập nhật tin tức nóng hổi

Trung Quốc muốn rót tỷ USD làm nhà máy thép vào Nghi Sơn: Đã có bài học

Việt Nam đã có một số dự án sản xuất, kinh doanh Ferrochrome song hầu hết đều rơi vào tình trạng bết bát.

Quan tâm đến thông tin Tập đoàn Mintal (Hongkong – Trung Quốc) đề xuất đầu tư nhà máy sản xuất Ferrochrome Carbon, thép không gỉ và kim loại màu tại khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa) với tổng kinh phí thực hiện là 2 tỷ USD, PGS.TS Tô Duy Phương, Phó Chủ tịch thường trực, Tổng thư ký Hội Đúc luyện kim Hà Nội lưu ý một số điểm liên quan đến vấn đề môi trường.
Trung Quốc muốn rót tỷ USD làm nhà máy thép vào Nghi Sơn: Đã có bài học
Khu kinh tế Nghi Sơn

Ông cho biết, nỗi lo về môi trường ra sao tùy thuộc vào công nghệ mà nhà đầu tư sử dụng. Nếu công nghệ hiện đại thì thậm chí khí thải bị triệt tiêu và nước thải cũng được xử lý để có thể tái sử dụng.

Theo thông tin về buổi làm việc giữa Tập đoàn Mintal với lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa được đăng tải trên truyền thông, đại diện tập đoàn giới thiệu họ có nhà máy sản xuất các loại hình sản phẩm Ferrochrome Carbon, thép không gỉ, kim loại màu tại Trung Quốc, Nam Phi và Pakistan.

Về công nghệ sản xuất, lãnh đạo tập đoàn này cho biết đang ứng dụng sản xuất theo công nghệ tiên tiến nhất thế giới hiện nay của Phần Lan về sản xuất Ferrochrome Carbon và công nghệ sản xuất thép không gỉ, kim loại màu của Nhật Bản. Công nghệ này cho phép triệt tiêu toàn bộ khí thải và nước thải sẽ được tái sử dụng tuần hoàn trong sản xuất; có thể tiết kiệm được 1 tỷ số điện/năm, 90% lưu huỳnh thải ra môi trường, 75 nghìn tấn than đốt/năm…

“Nếu tập đoàn Trung Quốc đưa sang Việt Nam công nghệ tiên tiến, hiện đại đúng như họ đang áp dụng ở các nước khác thì không sao, nhưng nếu họ tháo dỡ, đưa những nhà máy “cổ lỗ sĩ”, công nghệ lạc hậu mà họ không còn dùng trong nước họ nữa sang Việt Nam thì đấy lại điều rất đáng lo.

Nhìn chung, thời nay không ai dùng công nghệ lạc hậu nữa. Ngày xưa, lò điện hồ quang luyện thép một giờ chạy tốn hàng ngàn kw/h (số điện), mỗi lần phóng hồ quang là cả một vùng bụi mù. Nhưng bây giờ các nhà máy trên thế giới đã dùng điện cực siêu công suất, không thấy khói bụi gì nữa.

Nhưng nói như thế không có nghĩa là chúng ta không cảnh giác bởi Việt Nam đã có nhiều bài học với việc doanh nghiệp Trung Quốc “nói một đàng, làm một nẻo”, PGS.TS Tô Duy Phương nói.

Vị chuyên gia luyện kim cho biết, trước khi xây dựng dự án bao giờ cũng phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường. Trong báo cáo này, nhà đầu tư và đơn vị tư vấn phải đưa ra các giải pháp kỹ thuật để xử lý khí thải, nước thải… và phải được các cơ quan quản lý, chuyên môn như Bộ Tài nguyên-Môi trường, các chuyên gia độc lập đánh giá, xem xét. Khi được các cơ quan chức năng phê duyệt thì dự án mới được tiến hành.
Trung Quốc muốn rót tỷ USD làm nhà máy thép vào Nghi Sơn: Đã có bài học
Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư dự án Nhà máy sản xuất Ferrochrom Carbon, thép không gỉ và kim loại màu tại Khu kinh tế Nghi Sơn giữa Tập đoàn Mintal với Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và Các khu công nghiệp. Ảnh: Cổng TTĐT Thanh Hóa

Điều đáng lo ngại là thường trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đánh giá rất hay để dự án được phê duyệt và triển khai xây dựng. PGS.TS Tô Duy Phương cho biết, Việt Nam không phải không có các nhà máy sản xuất Ferrochrome carbon, trong đó có thể kể đến Cromit Cổ Định Thanh Hóa-TKV, Cromit Nam Việt…, thế nhưng chúng cũng chỉ hoạt động cầm chừng hay đắp chiếu.

“Vấn đề chính vẫn là công nghệ. Để tính giá thành đầu ra Ferrochrome Carbon phải dựa vào 2 yếu tố: điện cực và điện năng tiêu thụ.

Chẳng hạn, ngày xưa để ra được 1kg Ferrochrome Carbon thì phải tiêu tốn mất 9kWh, nhưng giờ đây người tra dùng điện cực siêu công suất thì chỉ mất 2-3kWh.

Nhiều doanh nghiệp Việt tham rẻ, máy móc, thiết bị cũ nước ngoài thải ra mình lại mua về để rồi không dùng được. Bởi dây chuyền lạc hậu nên điện cực không phải là siêu công suất, mỗi lần đánh điện thì cháy rất nhanh, tiêu hao nhiều năng lượng. Việc đó đẩy giá thành sản xuất Ferrochrome lên cao, làm sao bán được?!”, PGS.TS Tô Duy Phương nói.

GS.TSKH Phạm Phố cũng nhắc lại một số dự án sản xuất, kinh doanh Ferrochrome dang dở, hoạt động bết bát của Việt Nam và coi đó như lời cảnh báo cần thận trọng hơn trong đầu tư sản xuất Ferrochrome.

Theo đó, trước đây Viện Luyện kim màu rồi nhiều dự án ở Thanh Hóa cũng đầu tư sản xuất Ferrochrome, tuy nhiên các dự án đó đều không đến nơi đến chốn, sản phẩm sản xuất ra tiêu thụ trong nước thì ít mà xuất khẩu thì không được.

“Việt Nam cũng có một số doanh nghiệp, đơn vị sản xuất Ferrochrome nhưng không có vốn, công nghệ lạc hậu nên sản phẩm sản xuất ra chất lượng kém, hàm lượng chrome trong ferro rất thấp nên không bán được, chưa kể chrome trong mỏ cromit ở Thanh Hóa cũng thấp.

Vấn đề cơ bản là phải có đầu ra. Hiện Việt Nam chủ yếu sản xuất thép xây dựng mà ít sản xuất các loại thép chế tạo máy, thép hợp kim nên nhu cầu sử dụng chrome không đáng kể, trong khi đó lại không xuất khẩu được sản phẩm nên bế tắc”, vị chuyên gia cho biết.

Bởi vậy, nếu Tập đoàn Mintal của Hongkong đầu tư nhà máy sản xuất Ferrochrome, thép không gỉ và kim loại màu ở Nghi Sơn, GS.TSKH Phạm Phố kỳ vọng với công nghệ tiên tiến, họ sẽ nâng cao được chất lượng sản phẩm, một phần để dùng trong nước, còn lại phục vụ xuất khẩu.

“Nhiều nước sản xuất thép không gỉ thiếu Ferrocrom, còn Việt Nam không bán được. Hy vọng tập đoàn của Hongkong sẽ giúp cải thiện điều này”, ông nói và một lần nữa  khẳng định, nếu nhà đầu tư sử dụng công nghệ hiện đại thì không đáng lo, vấn đề là cam kết của nhà đầu tư và yêu cầu, sự kiểm tra, giám sát của phía Việt Nam như thế nào.

Thành Luân/Đất Việt , ,

No comments:

Post a Comment