Xem xét các tình tiết tích cực để giảm nhẹ tội, nhưng không có nghĩa cào bằng các yếu tố tiêu cực, các dấu hiệu và bằng chứng của hành vi phạm tội. Bằng không, chỉ là trò bỡn cợt công lý.
Sau cú lót tay “thần thánh” 3 triệu USD cho cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, lại đến lời đề nghị “vi diệu” – áp dụng chính sách hình sự đặc biệt cho Chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ – bị can duy nhất bị cáo buộc tội đưa hối lộ trong thương vụ MobiFone mua AVG.
Thật sự thì tới thời điểm này, qua tham khảo một số luật sư, luật gia và nỗ lực “lục tung” các văn bản pháp lý để định danh cái gọi là “chính sách hình sự đặc biệt”, tôi vẫn không tài nào tìm thấy một chữ i tờ nào ngoài quy định các tình tiết được xem xét giảm nhẹ trách nhiệm, hành vi phạm tội.
Thương vụ mua bán AGV – MobiFone gây thiệt hại cho Nhà nước hàng ngàn tỉ đồng
Thử liệt kê những tình tiết nhằm áp dụng “chính sách hình sự đặc biệt” cho bị can Vũ: thành khẩn thừa nhận hành vi phạm tội, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra, chủ động hủy bỏ thỏa thuận và hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, tự nguyện trả lại MobiFone số tiền đã nhận kèm lãi và chi phí phát sinh; gia đình có công với cách mạng, có nhiều đóng góp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam, các Hội chất độc màu da cam, bom mìn, mồ côi, các hoạt động an sinh xã hội…
Thậm chí, một chi tiết được “xem xét” rất buồn cười: quá trình đàm phán, Vũ không hứa hẹn sẽ đưa tiền cho các cán bộ, Vũ chỉ đút lót sau khi phi vụ đã hoàn thành đến 95%. Nhưng cũng chính Vũ là người thúc bách qua tin nhắn, gọi điện để sớm ký kết hợp đồng. 6 triệu USD là con số Vũ chi ra để hối lộ. Tiền hối lộ liệu có là đồng tiền “sạch”?
Giả sử, loại bỏ cụm từ “thành khẩn” thì với chừng ấy “thành tích” như: “tích cực hợp tác”, “chủ động”, “tự nguyện”, “có nhiều đóng góp”, biết đâu bị can Vũ lại hóa thành người có công, công to chứ chả đùa!
Nhưng nên nhớ, chính Vũ cũng là người “chủ động”, “tự nguyện” hô biến cái công ty AVG đang âm gần 50% vốn điều lệ, thua lỗ hàng ngàn tỉ đồng; xảo thuật mức giá chào bán cao gấp 7 lần giá trị thực của AVG – 525 triệu USD lẫn con số đặt cọc 10 triệu USD để chốt hạ giá bán AVG cho MobiFone gần 9.000 tỉ đồng.
Nên nhớ, từ tháng 8/2016, Chính phủ đã giao Thanh tra Chính phủ khẩn trương tiến hành thanh tra toàn diện vụ việc. Phải 2 năm sau, chỉ 1 tháng trước khi Thanh tra Chính phủ công bố toàn văn kết luận thanh tra (vào ngày 23/3/2018), ngày 13/3/2018, AVG – MobiFone mới đàm phán chấm dứt hợp đồng. Ngày 26/4/2018, AVG mới chuyển trả cho MobiFone 8.505 tỉ đồng.
Nên nhớ, diễn biến của vụ án, tiến trình xử lý và xử lý đến cùng cũng chính là “đường đi” của chỉ thị của Ban Bí thư, là chỉ đạo vào cuộc của Chính phủ – Thanh tra Chính phủ, là sự bám sát của Ủy ban Kiểm tra Trung ương trong từng bước xử lý; và đặc biệt, ngày 27/4/2018, tại cuộc họp Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thống nhất chỉ đạo bổ sung việc xử lý kết luận thanh tra việc mua AVG vào diện Ban chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.
Với tính chất và hành vi phạm tội, với từng điểm mốc thời gian nêu trên, với chỉ đạo “tuyệt đối công tâm, khách quan, không có cá nhân trong này” của người đứng đầu Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng thì liệu các tình tiết “tự nguyện”, “chủ động” kia có cấu thành “chính sách hình sự đặc biệt” áp dụng cho bị can Phạm Nhật Vũ?
Xem xét các tình tiết tích cực để giảm nhẹ tội, nhưng không có nghĩa cào bằng các yếu tố tiêu cực, các dấu hiệu và bằng chứng của hành vi phạm tội.
Đã tự nhận mình là “cư sĩ”, là “con Phật” thì công quả thuần thành là phép cứu rỗi chính bản thân, chứ sao lại quy đổi thành “công lao” cửa Phật. Đã tìm thấy chút nhân ái trong các hoạt động thiện nguyện, cộng đồng thì lẽ nào, tay này gieo hạt, tay kia lại nhổ mầm.
Không thể có bất cứ một “chính sách hình sự đặc biệt nào” cho một bị can chịu trách nhiệm hình sự “bình thường” như bao bị can khác. Bởi, nghĩa bất dung tình, pháp bất vị thân. Bằng không, chỉ là trò bỡn cợt công lý.
Theo Phụ nữ Online Pháp luật , Tin trong nước , Xã hội
No comments:
Post a Comment