Cập nhật tin tức nóng hổi

Kinh tế Trung Quốc thêm con số buồn

Chỉ số sản xuất công nghiệp của Trung Quốc đã giảm sút do thương chiến, ảnh hưởng trực tiếp tới nền kinh tế của Trung Quốc.

Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (CNBS) ngày 16/9 công bố chỉ số sản xuất công nghiệp – chỉ số quan trọng của nền kinh tế Trung Quốc- đã tăng 4,4% trong tháng 8 so với năm ngoái.

Chỉ số tăng nhưng mức tăng này cho thấy tốc độ tăng trưởng yếu nhất trong 17 năm qua của Trung Quốc.
Kinh tế Trung Quốc thêm con số buồn
Kinh tế Trung Quốc gặp quá nhiều vấn đề, có thể sẽ là đòn bẩy giúp Mỹ sớm có thỏa thuận thương mại. Ảnh minh họa: Getty

Chỉ số sản xuất công nghiệp rất quan trọng vì nó đo lường sản lượng của các doanh nghiệp chủ chốt trong các lĩnh vực sản xuất, khai thác và tiện ích của Trung Quốc.

Con số mới nhất cũng thấp hơn dự đoán 5,2% mà giới phân tích đề cập với Reuters.

Theo thống kê của CNBS, tăng trưởng doanh số bán lẻ ở Trung Quốc đã chậm lại tới 7,5% trong tháng 8, giảm so với mức tăng 7,6% cùng kỳ năm ngoái.

Chiến lược gia Ken Cheung Kin Tai tại Ngân hàng Mizuho (Hồng Kông) nhận định sản xuất công nghiệp tháng 8 của Trung Quốc chỉ dừng ở mức tăng 4,4% đã phản ánh “rủi ro ngày càng lớn đối với nền kinh tế nước này”.

Trong hoàn cảnh đó, Bắc Kinh phải “xuống giọng” và đề ra các kế hoạch kích thích nền kinh tế trong những tuần gần đây.

Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng hồi đầu tháng này.

Đây là động thái đầu tiên trong vòng 8 tháng qua, Ngân hàng trung ương Trung Quốc muốn giúp các ngân hàng “giải phóng” 900 tỷ nhân dân tệ (126,35 tỷ USD) để hỗ trợ nền kinh tế đang trên đà sụt giảm.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng hạ giá đồng nhân dân tệ xuống mức thấp nhất trong hơn 1 thập kỷ qua. Động thái được cho là nhằm kích thích đầu tư trong nước. Nhưng đồng tiền yếu đi có thể không bù đắp được những thiệt hại do thuế cao và nhu cầu toàn cầu đi xuống.

Ông Martin Lynge Rasmussen, một chuyên gia nghiên cứu về kinh tế Trung Quốc tại quỹ Capital Economics, dự đoán Trung Quốc sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ trong các tháng tới.

Các số liệu không mấy khả quan trong tháng 8 cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với rủi ro lớn hơn khi chiến tranh thương mại kéo dài.

Trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông Nga, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã thừa nhận những tác động tiêu cực của thương chiến Mỹ- Trung đối với kinh tế Trung Quốc.

Kinh tế Trung Quốc theo đó, “nhìn chung ổn định” trong 8 tháng đầu năm với GDP tăng 6,3% trong nửa đầu 2019 nhưng để duy trì tỷ lệ tăng trưởng 6% hoặc hơn là “rất khó”.

Ông Lý viện lý do nền tảng tăng trưởng khá cao của Trung Quốc và tình hình thế giới phức tạp, hàm ý nhắc tới cuộc đối đầu thương mại với Mỹ.

Theo Thủ tướng Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phải đối mặt áp lực suy giảm do sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại cũng như chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa đơn phương gia tăng. GDP của Trung Quốc trong quý II chỉ tăng 6,2%, thấp nhất trong gần 30 năm qua.

Giới phân tích cho rằng, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục suy giảm từ nay tới cuối năm.

Ngân hàng đầu tư đa quốc gia Morgan Stanley có trụ sở tại Mỹ cho biết họ dự đoán mức tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ thấp hơn mục tiêu cả năm là 6-6,5% do Chính phủ nước này đặt ra.

Tình hình kinh tế có chuyển biến chậm đã khiến giới quan sát đặt cược vào khả năng Mỹ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận thương mại vào tháng 10 tới với các nhượng bộ nhiều hơn từ Trung Quốc.

Dẫu vậy, đạt được một thỏa thuận không khó bằng việc buộc Trung Quốc thực hiện nghiêm túc các điều khoản của thỏa thuận đó và đây mới thực là vấn đề đáng đau đầu của Washington.

Đông Phong

Theo baodatviet
,

No comments:

Post a Comment