Cập nhật tin tức nóng hổi

Đổi tên trường đề không tụt hậu nhưng đừng rơi vào câu chuyện “thu giá”, “thu phí”

Mới đây, chiều 16/9, PGS-TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế đến dự lễ khai giảng năm học 2019-2020 của Trường ĐH Y dược TP.HCM và đề nghị đổi tên trường thành Đại học Sức khỏe.

Đổi tên trường để phát triển hơn về mọi mặt

Tại lễ khai giảng năm học mới 2019 – 2020 của Trường ĐH Y dược TP.HCM, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đề nghị trường cần nhanh chóng thực hiện việc đổi tên từ ĐH Y dược TP.HCM thành ĐH Sức khỏe để không tụt hậu với thế giới, với nước láng giềng Lào, Campuchia.

Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị trường cần thực hiện các nhiệm vụ trước mắt như thành lập Hội đồng trường, thực hiện cơ chế tự chủ, xây dựng cơ sở 2… Đặc biệt, theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, Trường ĐH Y dược TP.HCM còn nợ một nhiệm vụ từ cách đây 15 năm là đổi tên trường thành ĐH Sức khỏe TP.HCM. “ĐH Sức khỏe TP.HCM sẽ gồm nhiều trường y, trường dược, trường nha, trường điều dưỡng… Hiện nay chúng ta chưa được gọi là ĐH mà chỉ là trường ĐH vì dưới trường này chỉ có khoa chứ chưa có trường”, bà Tiến chia sẻ.

Từ thực tiễn công tác của mình, Bộ trưởng cho biết ngay cả Lào còn có ĐH về sức khỏe, nếu không làm ngay thì chúng ta sẽ tụt hậu hơn cả quốc gia này. Bà Tiến cho biết, Bộ Y tế rất ủng hộ chủ trương thành lập ĐH Sức khỏe TP.HCM, đề nghị trường sớm có đề án đổi tên trường.
Đổi tên trường đề không tụt hậu nhưng đừng rơi vào câu chuyện “thu giá”, “thu phí”
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại trường Đại học Y Dược TP HCM

“Hiện nay nhà trường chỉ có các khoa thì chỉ được gọi là Trường đại học Y dược TP.HCM, chưa thể gọi là “đại học” được. Việc này Bộ GD-ĐT cũng đã góp ý rồi. Nhà trường vẫn chưa sửa lại tên gọi là Đại học Y dược TP.HCM, nên hôm nay nói là lễ khai giảng khoa y, trong khi trường còn rất nhiều khoa khác. Nhà trường phải sớm đổi tên thành Đại học Sức khỏe TP.HCM, trong đó có trường y khoa và các trường khác…” – bà Tiến yêu cầu.

Theo bà Tiến, hiện nay trong số 14 trường trực thuộc Bộ Y tế, Trường đại học Y dược TP.HCM là trường lớn nhất, có thể phát triển thành Đại học Sức khỏe sớm nhất.

Bà nhấn mạnh: “Nếu chúng ta không đổi mới sớm sẽ tụt hậu so với Lào và Campuchia. Tôi đề nghị nhà trường nhanh chóng làm đề án thành lập Đại học Sức khỏe TP.HCM. Theo tôi, nhà trường chỉ việc đổi tên và lắp người vào thôi chứ vị trí đều quá chuẩn. Khoa y này xứng đáng là một trường đại học y khoa lớn nhất cả nước”.

Ý của bà Tiến nói đổi tên là có đề án đổi mới 4 điều: nhân lực, cơ sở vật chất, quản lý, tự chủ tài chính. Việc đổi tên như vậy thực hiện bài bản theo Luật giáo dục đại học. Từ đó với bộ máy mới, mô hình mới như vậy mới không bị tụt hậu so với Lào và Campuchia.

Rõ ràng cả lời và ý của bà Tiến hoàn toàn không phải là “đề nghị đổi tên Trường đại học Y dược TP.HCM để không tụt hậu” như có báo viết.

Ngay sau thông tin về việc đổi tên trường Đại học Sức khỏe, cộng đồng bác sĩ đặc biệt là các bác sĩ đã từng theo học tại trường Đại học Y Dược TP.HCM đều có các ý kiến khác nhau. Đa số các bác sĩ, dược sĩ đều cho rằng tên trường không quan trọng bằng nội dung, chương trình đào tạo là tạo ra những người y, bác sĩ chuyên môn giỏi bản lĩnh, đạo đức, liêm khiết, tự trọng…

Ngay sau đó, Bộ Y tế đã lên tiếng giải thích vấn đề này. Ông Nguyễn Minh Lợi, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo-Bộ Y tế khẳng định, khoa học sức khỏe bao gồm nhiều lĩnh vực: khoa học y sinh (sinh học di truyền, giải phẫu, sinh lý, mô phôi, vi sinh, …), y học, y học cổ truyền, dược học, răng hàm mặt, điều dưỡng, kỹ thuật y học, y tế công cộng…

Việc thay đổi “cái tên” để làm sao không rơi vào vòng luẩn quẩn

Còn nhớ chỉ vì một cái tên – một từ “thu phí” vốn đã được sử dụng ổn định hàng chục năm nay – mà Bộ Giao thông Vận tải đã có ít nhất 5 lần ra thông tư để sửa đổi. Điều đó cho thấy những bất cập trong việc xây dựng văn bản pháp quy hiện nay ở Bộ Giao thông Vận tải.

Văn bản pháp quy phải mang hơi thở cuộc sống, đáp ứng được đòi hỏi thực tế của xã hội, vì lợi ích của đất nước, của người dân. Vì thế, lối tư duy làm luật duy ý chí theo kiểu đóng cửa phòng máy lạnh, thiếu minh bạch, không khách quan, không khoa học, áp đặt vì lợi ích cục bộ tất yếu sẽ đẻ ra những quy định trái với thực tế, bị dư luận phê phán là chuyện đương nhiên.

Với chuyện “thu phí”, “thu giá”, dư luận từng đặt câu hỏi, hành động “cố đấm ăn xôi” như thế là vì ai? Liệu có phải sau khi các trạm thu phí BOT bị phản ứng, thì người ta chuyển sang dùng “trạm thu giá” để né tránh, đối phó?

Và bây giờ, chấp nhận việc “trả lại tên cho em” bỗng làm chúng ta liên hệ đến thành ngữ “mèo lại hoàn mèo”. Thay “thu phí” bằng “thu giá” như đang đùa với dư luận. Ai đo được cái giá phải trả cho “trò chơi luật pháp” này trong suốt hai ba năm qua?

Câu chuyện về bình phẩm câu chữ không xét đến ngữ cảnh, thực ra, không mới. Còn nhớ năm nào, khi chúng ta bàn thảo luật thuế giá trị gia tăng, có đại biểu cực lực phản đối không dùng “giá trị gia tăng”, vì nó Hán Việt quá, phải dùng “giá trị tăng thêm”. Trong khi, những nội dung quan trọng nhất và đầy rủi ro của sắc thuế này như thuế suất, khấu trừ đầu vào, miễn thuế hay hoàn thuế, lại không được vị đại biểu khả kính đó đề cập. Điều đó thách thức chuyên môn, bản lĩnh của người phê phán, và nó có thể đã làm khó cho rất nhiều người.

Từ ngữ, hiển nhiên rất quan trọng. Mặc dù nó có thể còn dài dòng, thô kệch, nhưng nó gói ghém một cách hiểu, với yêu cầu nhất quán về nội hàm và độ nông sâu, rộng hẹp của các lớp đối tượng thuộc ngoại diên của khái niệm mà nó mô tả. Một khái niệm pháp lý phải được hiểu theo cách nó được ban hành, từ mục đích đến từ ngữ thể hiện, không phải theo cách nhìn “tình cờ” của một bên thứ ba. Việc cắt xén và gán ghép cho nó những nội hàm mới, về bản chất, hoàn toàn xa lạ với nguyên tắc pháp quyền.

Bây giờ thì có thể nói, chỉ vì sự bất cập của cá nhân hay tổ chức mà cả xã hội bị lôi vào “vòng xoáy” bất đắc dĩ, buộc đại biểu Quốc hội phải đưa ra nghị trường và người lãnh đạo cao nhất của Quốc hội phải lên tiếng, Thủ tướng Chính phủ phải chỉ đạo.

Cũng từ câu chuyện “thu giá”, “thu phí” và đổi tên trường Đại học Y Dược TP. HCM thành Đại học Sức khỏe, thì liệu rằng dư luận có hoàn toàn đồng ý, hay câu chuyện này sẽ kéo dài thêm vài tháng, vài năm. Để rồi đến cả Quốc hội, Chính phủ đều phải vào cuộc chỉ vì một cái tên?

Khoa học Sức khoẻ (Health Science), Y dược (Medicine) và Khoa học Y Dược (Medical Science) là khác nhau rất rõ. Khi có chữ Science, thì làm nhiều về học thuật, hàn lâm, nghiên cứu, còn Medical/Medicine thì nhiều về lâm sàng. Đây là quy ước của rất nhiều ĐH trên thế giới vì vậy cần phải xem xét việc nên giữ ĐH Y Dược đúng hay Đại học sức khỏe mới đúng chức năng và nhiệm vụ.

No comments:

Post a Comment