Ông Ngô Nhật Phương (59 tuổi, ngụ tại P.12, quận Tân Bình, TP.HCM) được xác định là người làm chứng, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án Pharma.
Ông Ngô Nhật Phương tại phiên tòa – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Tôi rất ngạc nhiên vì tôi không hề có tài liệu nào của Bộ Y tế và cũng không sử dụng tài liệu nào của Bộ Y tế. Việc viện kiểm sát kiến nghị cơ quan điều tra làm rõ hành vi làm lộ bí mật nhà nước là gây ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh của tôi, chắc chắn có sự nhầm lẫn.
Ông Ngô Nhật Phương
Tuy nhiên, đại diện viện kiểm sát đề nghị tòa kiến nghị cơ quan điều tra làm rõ việc làm lộ bí mật nhà nước liên quan đến hành vi của ông Phương. Lý do tại sao?
Chiều nay (1-10), sau hơn 1 tuần xét xử và nghị án, TAND TP.HCM tuyên án 12 bị cáo trong vụ án buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh xảy ra tại Công ty cổ phần VN Pharma.
Trong những ngày qua, ông Ngô Nhật Phương được triệu tập để tham gia phiên tòa. Ông Phương tỏ ra am hiểu về nguồn gốc lô thuốc H-Capita do VN Pharma nhập về và nhiều lần khẳng định trước tòa đây không phải thuốc giả.
Nội dung mật bị cá nhân nắm giữ?
Theo đại diện viện kiểm sát, trong quá trình điều tra vụ án, Bộ Y tế đã gửi Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an công văn số 77 ngày 27-4-2018 về việc cung cấp tài liệu, thông tin điều tra. Công văn này có nội dung về kết quả đoàn công tác của Bộ Y tế tại Ấn Độ để xác minh nguồn gốc, chất lượng lô thuốc H-Capita. Tài liệu này đóng dấu mật, đồng nghĩa với việc Bộ Y tế xác định những nội dung trong công văn là “mật” kể từ ngày ban hành.
Đến ngày 20-9-2019, Bộ Y tế mới giải mật các tài liệu này gửi hội đồng xét xử. Theo đại diện viện kiểm sát, kể từ ngày 27-4-2018 đến 20-9-2019, việc quản lý, khai thác, sử dụng nội dung công văn này phải được tuân thủ theo các quy định về bảo vệ bí mật nhà nước. Do đó, các nội dung này được gửi cho viện kiểm sát trong quá trình giải quyết vụ án nhưng viện kiểm sát chưa đề cập trong cáo trạng.
Ngày 4-6-2018, thời điểm công văn chưa được giải mật, ông Ngô Nhật Phương đã trực tiếp giao nộp cho Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an 10 tài liệu có liên quan đến các nội dung tại công văn số 77 của Bộ Y tế nêu trên. Ông Phương khẳng định các tài liệu này do quan hệ cá nhân mà có, được dịch sang tiếng Việt, được hợp pháp hóa lãnh sự, đóng dấu sao y bản chính.
Tại phiên tòa, hội đồng xét xử cũng hỏi ông Phương để làm rõ những nội dung mà ông Phương nộp cho cơ quan điều tra. Ông Phương thừa nhận đã giao nộp các tài liệu này. Tại tòa sáng 30-9, đại diện viện kiểm sát cho rằng có dấu hiệu làm lộ bí mật nhà nước vì để cho cá nhân không có thẩm quyền có được thông tin mật của Bộ Y tế.
Viện kiểm sát đã kiến nghị tòa yêu cầu Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an điều tra, xác minh tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về bảo vệ bí mật nhà nước liên quan đến các tài liệu mật của Bộ Y tế trong vụ án này.
Được Hiệp hội Dược Ấn Độ cung cấp?
Sự xuất hiện đột ngột của ông Ngô Nhật Phương tại phiên tòa lần này (phiên sơ thẩm và phúc thẩm lần 1 không có) đã đặt ra nhiều câu hỏi về vai trò, mục đích của ông trong vụ án VN Pharma. Chiều 30-9, ngay sau khi viện kiểm sát có ý kiến, ông Phương đã có đơn gửi các cơ quan tố tụng cho rằng ông rất ngạc nhiên vì viện kiểm sát nói ông có tài liệu của Bộ Y tế.
Theo ông Phương, ông là doanh nhân kinh doanh đa ngành. Cách đây gần 2 năm, ông gặp một số người bạn Ấn Độ tại Phnom Penh. Họ mời ông mua một số mặt hàng của Ấn Độ nhưng ông từ chối vì “thuốc ung thư của Ấn Độ là giả, báo chí đăng rất nhiều”.
Nghe vậy, những người này cho biết Hiệp hội Dược Ấn Độ, những người kinh doanh dược và các cơ quan chức năng Ấn Độ rất quan tâm đến vụ án VN Pharma. Bởi nếu kết luận hàng Ấn Độ là hàng giả và kém chất lượng thì sẽ ảnh hưởng đến uy tín ngành dược Ấn Độ và việc kinh doanh của họ.
Cũng tại buổi gặp gỡ này, những người bạn Ấn Độ cho biết lô thuốc H-Captita được sản xuất tại nhà máy ở Ấn Độ. Họ muốn làm việc với cơ quan chức năng Việt Nam và nhờ ông Phương dẫn đi. Ông Phương đã cho người phiên dịch dẫn những người này đến cơ quan điều tra và TAND TP.HCM. Vì vậy sau này ông mới được xác định là người liên quan, người làm chứng trong vụ án.
Theo ông Phương, ông có quen hàng chục bạn hàng là các công ty dược Ấn Độ như Mylan, Intas, Hetero… Các thông tin về nguồn gốc lô thuốc H-Capita được ông cung cấp cho tòa đều do phía Ấn Độ trao đổi và cung cấp cho ông.
Tại đơn kiến nghị của mình, ông Phương cho rằng Công ty VN Pharma làm giả hồ sơ đăng ký thuốc, nhập hàng Ấn Độ về đổi thành hàng Canada để lừa dối cơ quan quản lý nhà nước và lừa dối người bệnh. Ông đề nghị hội đồng xét xử xử lý nghiêm hành vi này.
Những vấn đề mâu thuẫn nêu trên sẽ được tòa đưa ra nhận định trong phần tuyên án chiều nay.
Tranh cãi gay gắt
Sáng 30-9, một số luật sư đã thể hiện sự bức xúc vì cho rằng viện kiểm sát “thiếu trách nhiệm” khi không đánh giá chứng cứ là kết quả xác minh của Bộ Y tế về nguồn gốc lô thuốc H-Capita tại Ấn Độ.
“Kết quả xác minh nguồn gốc lô thuốc đã được gửi đến cơ quan điều tra. Từ khi có kết luận điều tra đến khi xét xử là hơn 1 năm. Tại sao trong hơn 1 năm đó viện kiểm sát không đánh giá chứng cứ? Trong 1 năm mà viện kiểm sát không chịu làm nên mới đánh giá Bộ Y tế đi xác minh nguồn gốc lô thuốc trong 4 ngày là không khách quan” – luật sư Phạm Quốc Hưng (bào chữa cho bị cáo Võ Mạnh Cường) nói trước tòa.
Luật sư Hưng cũng cáo buộc viện kiểm sát “tùy tiện”, “thiếu trách nhiệm”, “xúc phạm, coi thường người khác”… khi cho rằng Cục Quản lý dược Bộ Y tế bao che cho các bị cáo.
Luật sư Hưng đề nghị đại diện viện kiểm sát phải rút lại các lời nói này vì “không đúng với tư cách của kiểm sát viên”.
Trong khi đó, đại diện viện kiểm sát nhắc nhở “luật sư không tôn trọng viện kiểm sát” và sẽ kiến nghị với đoàn luật sư xem xét trách nhiệm của vị luật sư này. Viện kiểm sát bảo lưu toàn bộ quan điểm tại cáo trạng truy tố và tiếp tục khẳng định lô thuốc H-Capita giả tiêu chuẩn đăng ký và giả chất lượng.
Theo Tuổi trẻ Chính trị , Pháp luật , Tin trong nước
No comments:
Post a Comment