Để phiên xử vụ gian lận thi cử ở Sơn La được diễn ra theo đúng kế hoạch vào ngày 15/10 tới đây, Tòa án Nhân dân tỉnh này đã giao trực tiếp giấy triệu tập cho 91 người và đơn vị liên quan đến vụ án.
Trung tuần tháng 9 vừa qua, TAND tỉnh Sơn La đã mở phiên xử sơ thẩm vụ sửa điểm thi THPT Quốc Gia năm 2018 xảy ra tại địa phương này. Vụ án từng gây rúng động, xôn xao không chỉ trên địa bàn tỉnh mà còn lan rộng ra cả nước.
TAND tỉnh Sơn La triệu tập các nhân chứng quan trọng trong phiên xử vụ gian lận thi cử tới đây
Tuy nhiên, phiên xử đã không được diễn ra theo đúng kế hoạch do vắng mặt của nhiều nhân chứng quan trọng cũng như những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.
Đáng chú ý, trong số 43 người làm chứng vụ án, HĐXX triệu tập ông Hoàng Tiến Đức, Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La. Ngoài ra, phiên xử còn có sự tham gia của 48 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Tuy nhiên, quá trình đưa vụ án ra xét xử, ông Hoàng Tiến Đức, Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La cùng nhiều cá nhân, tổ chức đã không có mặt theo giấy triệu tập của TAND tỉnh Sơn La.
Vì lý do này, HĐXX đã tuyên bố hoãn phiên xét xử. Thời gian mở lại phiên tòa vào hồi 8h ngày 15/10/2019 tại TAND tỉnh Sơn La.
Trao đổi với PV, đại diện TAND tỉnh Sơn La cho biết: Để phiên xét xử được diễn ra theo đúng kế hoạch vào ngày 15/10 tới đây, ngay sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án Nhân dân tỉnh Sơn La đã giao trực tiếp giấy triệu tập cho 91 người và đơn vị.
Đối với 27 người làm chứng quan trọng, Tòa án Nhân dân tỉnh Sơn La đã gửi công văn về cơ quan, đơn vị công tác đề nghị thủ trưởng các đơn vị không sắp xếp lịch công tác, phân công công việc cho những cán bộ này vào thời gian trước và trong những ngày xét xử vụ án, đồng thời quán triệt cán bộ đơn vị phải có mặt tại tòa để vụ án sớm được làm sáng tỏ.
Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử, 8 người phải hầu tòa trong vụ gian lận thi cử tại tỉnh này gồm: Phó giám đốc Sở GD&ĐT Trần Xuân Yến, Lò Văn Huynh (Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục), Nguyễn Thị Hồng Nga (chuyên viên Phòng Khảo thí), Cầm Thị Bun Sọn (Phó trưởng Phòng chính trị Sở GD&ĐT), Đặng Văn Thủy (Phó hiệu trưởng Trường THPT Tô Hiệu), Đinh Hải Sơn (cán bộ công an tỉnh), Nguyễn Thanh Nhàn (Phó trưởng Phòng Khảo thí) và Đỗ Khắc Hưng (cán bộ công an tỉnh).
Trong số này, 6 bị cáo bị truy tố theo Khoản 2 tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ có khung hình phạt từ 5 năm đến 10 năm tù.
Riêng Đinh Hải Sơn và Nguyễn Thanh Nhàn bị truy tố theo khoản 1 của tội danh trên với khung hình phạt từ 1 năm đến 5 năm tù.
Theo cáo trạng, các bị can trên đã cấu kết nhận thông tin của 44 thí sinh để tìm bài thi, sửa theo hướng nâng từ 2 đến 6,55 điểm/thí sinh. Đáng chú ý, chính các lãnh đạo khác của Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La cũng chuyển thông tin thí sinh cho các bị can để nâng điểm.
Trong đó, ông Hoàng Tiến Đức – GĐ Sở chuyển thông tin 10 thí sinh cho Trần Xuân Yến; bị can Nguyễn Thị Hồng Nga nhận từ ông Nguyễn Duy Hoàng – Phó GĐ Sở thông tin 1 thí sinh để nâng điểm các môn Sử, Địa; ông Nguyễn Ngọc Hà – Trưởng phòng Giáo dục THPT chuyển thông tin 10 thí sinh… Tuy nhiên, các lãnh đạo này hiện nay không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tương tự, ông Nguyễn Minh Khoa – nguyên Phó phòng An ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh Sơn La cũng chuyển cho Đinh Hải Sơn, Đỗ Khắc Hưng (đều là sĩ quan, được phân công bảo vệ khu chấm thi) thông tin 2 thí sinh tên Thành, Hiếu để nhờ nâng điểm.
Tiếp đến, 2 bị can Sơn – Hưng đặt vấn đề với Nguyễn Thị Hồng Nga nâng điểm cho Thành đạt mức Toán và Tiếng Anh cùng 9,8 điểm; Hiếu đạt 9,0 điểm Toán. Nhân dịp này, Sơn cũng đề nghị nâng điểm cho em vợ mình đạt Toán, Tiếng Anh cùng 9,8 điểm. Ngoài ra, ông Khoa còn nhờ Lò Văn Huynh nâng điểm cho 2 thí sinh khác.
Về những bài thi môn Văn bị hạ điểm, VKSND tỉnh Sơn La cho rằng lý do vì giáo viên chấm thoáng, chấm ẩu. Cụ thể, khi làm việc với cơ quan điều tra, 7 thư ký và 21 giáo viên chấm thi tự luận thừa nhận chấm sai do chấm ẩu, chấm thoáng, chấm đón ý nhưng không được ai tác động để nâng điểm cho các thí sinh.
Tư Viễn Giáo dục , Pháp luật , Tin trong nước
No comments:
Post a Comment